Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 1)

Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã luôn đoàn kết một lòng, không quản khó khăn, gian khổ, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ưu tú của BĐBP trên cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Những chiến công hiển hách đó của BĐBP được ví như những tượng đài bất tử trên biên giới. Tiến tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu loạt bài dài kỳ về những trận đánh hay, những chiến công hiển hách đó…

Bài 1: An ninh vũ trang miền Nam - Một thời hoa lửa

Nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang (ANVT) miền Nam là một trong những công trình văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của nhân dân cả nước nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng.

Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Võ Nam

Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Võ Nam

Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh

Trong bài viết “Lực lượng ANVT miền Nam góp phần vào thắng lợi của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”, Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP chia sẻ: “Công tác, chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn với nhiều mất mát, hy sinh, nhưng lực lượng ANVT miền Nam vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”…

Như đã trở thành thông lệ, trước Tết Quý Mão 2023 này, hàng chục cựu chiến binh trong Ban Liên lạc truyền thống BĐBP tại thành phố Hồ Chí Minh lại lên Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ANVT miền Nam anh hùng. Trong số đó, có nhiều mái đầu đã bạc trắng theo thời gian, có người bước đi không còn vững, nhưng khi lên tới “chiến địa” năm xưa lại như khỏe ra, sắc thái tươi tỉnh như người chiến sĩ đang hành quân năm xưa.

Cả cánh rừng già bạt ngàn cây lá bỗng trở lên huyên náo, sôi động hẳn lên bởi những hồi tưởng của những người lính già. Mỗi người là cả một miền ký ức, kỷ niệm hàng chục năm “ăn cơm cục, chấm muối cục, uống nước đục” thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt ùa về theo trí nhớ của các cựu chiến binh ANVT miền Nam anh hùng.

Thành lập năm 1964, ANVT miền Nam (trực thuộc Ban An ninh Trung ương Cục) có nhiệm vụ diệt ác, phá kìm, mở rộng căn cứ, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh đạo, khu căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng, phát triển cơ sở cách mạng. Trong 10 năm (1965-1975), lực lượng ANVT miền Nam đã tích cực, chủ động tham gia cùng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu chống càn, phục kích, tập kích, công đồn, tiến công tiêu diệt hàng vạn tên Mỹ và tay sai, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu biểu nhất là đánh bại cuộc hành quân Junction City của địch tấn công vào Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) ngày 22/2/1967. Dựa vào phong trào quần chúng, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản cách mạng, bắt và tiêu diệt hàng nghìn tên tình báo, gián điệp, biệt kích, cảnh sát đặc biệt và bọn phản động tay sai…

Các đơn vị ANVT khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, luồn rừng, vượt suối, đào hầm, đào địa đạo để bảo vệ an toàn cho cán bộ lãnh đạo, dũng cảm chiến đấu chống địch càn quét, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng, đưa đón hàng nghìn lượt cán bộ qua lại an toàn tuyệt đối. Đất nước thống nhất, theo quyết định của Đảng, Nhà nước, lực lượng ANVT miền Nam nằm trong đội hình Công an nhân dân vũ trang, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển, hải đảo và các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mang theo những chiến công hiển hách và kinh nghiệm dày dạn, lực lượng ANVT miền Nam tiếp tục viết nên những trang lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân vũ trang - BĐBP.

Góp phần tô thắm truyền thống BĐBP

Nhắc đến ANVT miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là nhắc đến một lực lượng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, nhân dân, bảo vệ vững chắc cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam. Để lưu giữ những hiện vật và tri ân những chiến công hiển hách, những thành tích oanh liệt, cũng như sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời, là nơi cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam trước đây gặp gỡ, giao lưu và ôn lại truyền thống vẻ vang một thời máu lửa, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/1999), Bộ Tư lệnh BĐBP đã khởi công xây dựng Khu di tích ANVT miền Nam.

Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam nằm trong khuôn viên Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 60km. Địa điểm này đã lưu lại những chứng tích của những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của thế hệ cha ông ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà truyền thống ANVT miền Nam đã lưu lại hơn 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh truyền tải những nội dung lịch sử các sự kiện, những hoạt động, chiến công tiêu biểu, cùng những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng ANVT miền Nam vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Qua đó, giúp các thế hệ sau này càng thấu hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh thời đánh Mỹ.

Từng là cán bộ của Đoàn 180 ANVT miền Nam từ những ngày đầu mới thành lập, Đại tá Nguyễn Phong Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào khi được chiến đấu, trưởng thành và có sự đóng góp nhỏ bé trong chiến công hiển hách của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam. Mỗi khi có dịp trở lại nơi ra đời của đơn vị cũ, bao nhiêu kỷ niệm về một thời máu lửa trong tôi lại ùa về. Đó là những lần vượt suối, băng rừng, nằm bờ, ngủ bụi, là sự gian khổ, hy sinh... Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân”.

Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam nói chung và Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam nói riêng giờ đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống và hun đúc lòng yêu nước cho các thế hệ BĐBP và người dân Việt Nam. Hơn 24 năm, Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đến tham quan, tìm hiểu và ôn lại truyền thống. Bên cạnh đó, địa danh lịch sử này đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ sau này, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ BĐBP về truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) và của toàn dân tộc.

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của lực lượng ANVT miền Nam, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 36 tập thể, 24 cá nhân thuộc lực lượng ANVT miền Nam. Có 108 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 400 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay.

Bài 2: Đoàn 180 An ninh vũ trang Anh hùng

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-1-post459211.html