Những trọng tâm kinh tế nào được bàn trong kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc

Ngày 4/3, hàng nghìn nhà lập pháp và cố vấn chính sách tập trung tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc tham gia kỳ họp 'lưỡng hội' bao gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (CPPCC) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC).

Họp báo kỳ họp thứ hai Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) lần thứ 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 3/3/2024. Ảnh: VCG

Phiên khai mạc CPPCC, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, bắt đầu lúc 3h chiều ngày 4/3 và bế mạc vào sáng ngày 10/3. Trong khi đó, Phiên họp thứ hai của NPC lần thứ 14 sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5/3 theo ông Liu Jieyi, người phát ngôn phiên họp của CPPCC, cho biết trong cuộc họp báo ngày 3/3.

Sự kiện quan trọng này diễn ra trong bối cảnh năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như bắt đầu một năm quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-25) của nước này.

Một loạt chủ đề kinh tế dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự bao gồm mục tiêu tăng trưởng GDP, tỷ lệ thâm hụt trên GDP, chính sách tài chính và tiền tệ cũng như vấn đề việc làm.

Thiết lập các mục tiêu kinh tế quan trọng

Một trong những mục tiêu kinh tế được theo dõi rộng rãi nhất trong hai phiên họp sắp tới là mục tiêu GDP do Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một loạt áp lực từ nhu cầu thấp và trì trệ trong lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế năm nay.

Các đại biểu và các nhà kinh tế nhận định báo cáo về GDP công bố trong khuôn khổ kỳ họp lưỡng hội sẽ đặt ra dấu hiệu cho nền kinh tế năm nay và các biện pháp đi kèm. Ngoài ra, báo cáo cũng sẽ giúp làm sáng tỏ cách chính phủ Trung Quốc đưa ra tính toán toàn diện nhằm cân bằng một số mục tiêu bao gồm ổn định việc làm, ngăn ngừa rủi ro, cải thiện sinh kế của người dân, nâng cao kỳ vọng của xã hội, đồng thời phối hợp với các mục tiêu nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021- 25).

Trước mắt, các nhà quan sát dự đoán mục tiêu GDP có thể được đặt ở mức 5%. Ông Cao Heping, chuyên gia kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: "Điều quan trọng là mục tiêu tăng trưởng GDP phải được đặt gần bằng mức của năm ngoái, hoặc thậm chí cao hơn, để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục con đường phát triển chất lượng cao".

Việc Trung Quốc sẽ định hướng chính sách tài chính và tiền tệ như thế nào cũng là một điểm trọng tâm khác của thị trường. Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ Research, dự kiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP sẽ ở mức 3%.

Một số nhà kinh tế cũng dự đoán rằng thâm hụt ngân sách năm nay có thể dao động trong khoảng 3,5% đến 4% trong bối cảnh quốc gia này duy trì mức lãi suất thấp và chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu sắp kết thúc có thể khiến chi phí đi vay giảm.

Trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, tỷ lệ thâm hụt trên GDP ước tính đạt 3,8%.

Các vấn đề đáng chú ý khác

Trong khuôn khổ kỳ họp lưỡng hội, các đại biểu và cố vấn chính trị kỳ vọng Báo cáo công tác Chính phủ sẽ trình bày chi tiết kế hoạch của nước này nhằm tạo ra “lực lượng sản xuất mới”. Đây là một khái niệm mới được nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đề xuất vào tháng 9/2023 và nổi lên như một từ thông dụng trong các cuộc thảo luận sôi nổi liên quan tới công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc trong những năm tới.

Theo Global Times dẫn lời ông Guo Guoping, một đại biểu của NPC và đồng thời là nhà khoa học trưởng của Origin Quantum, việc tạo ra lực lượng sản xuất mới là “một bước quyết định trong quá trình phát triển chất lượng cao của nền kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi kinh tế và cách mạng công nghệ sâu rộng”.

Ông này nhận định điều đó giúp vạch ra kế hoạch chi tiết về sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi và mang tính chiến lược, đồng thời đưa ra các đề xuất hướng dẫn về trí tuệ, động lực số hóa của các ngành công nghiệp truyền thống.

Trước cuộc đua công nghệ toàn cầu, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, việc tạo ra “lực lượng sản xuất mới” cũng là điều cần thiết để Trung Quốc tạo ra những đột phá trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI, bán dẫn và điện toán lượng tử, đồng thời đạt được khả năng tự cung tự cấp cao hơn ở một số khu vực do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế.

Ông Qi Xiangdong, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Qi An Xin và là thành viên của Ủy ban Quốc gia CPPCC, cho biết: “Việc tạo ra lực lượng sản xuất mới sẽ tạo ra động lực mới làm nền tảng cho những tiến bộ ổn định trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc”.

Ngoài ra, một số kiến nghị và đề xuất trong năm nay còn nhằm củng cố niềm tin của nền kinh tế tư nhân. Ví dụ, Hiệp hội Xây dựng Dân chủ Quốc gia Trung Quốc (CNDCA) đề nghị các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng luật thúc đẩy kinh tế tư nhân để cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân.

Chia sẻ với Global Times, ông Liu Yonghao, thành viên Ủy ban Quốc gia của CPPCC và Chủ tịch của New Hope Group, cho biết: "Nền kinh tế tư nhân là động lực quan trọng tạo việc làm và là động lực không nhỏ trong quá trình nâng cấp nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm gần đây, sức sống của nền kinh tế tư nhân đã suy giảm ở một mức độ nào đó do cả môi trường bên trong và bên ngoài. Các doanh nhân tư nhân sẽ đạt được sự tự tin nếu có luật đảm bảo vị thế thị trường bình đẳng của các công ty tư nhân như các công ty nhà nước và nước ngoài”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-trong-tam-kinh-te-nao-duoc-ban-trong-ky-hop-luong-hoi-cua-trung-quoc-post32235.html