Những tội ác kinh hoàng của phát xít Đức tại Liên Xô

Phát xít Đức và các đồng minh của chúng đã thảm sát kinh hoàng người dân Liên Xô. Hàng nghìn khu dân cư ở đất nước này cùng toàn bộ người dân địa phương bị quân xâm lược xóa sổ hoàn toàn.

Cuộc chiến tranh do phát xít Đức phát động chống lại Liên bang Xô viết là một cuộc chiến hủy diệt. Nếu tại các nước phía Tây bị chiếm đóng, những kẻ xâm lược còn làm ra vẻ văn minh đối với người dân địa phương, thì ở phía Đông chúng không quá giữ kẽ khi hành xử mất hết tính người.

7,5 triệu người dân đã bị lính tiễu phạt của Đức Quốc xã cố tình giết chết tại những vùng đất của Liên Xô mà chúng chiếm đóng. Chúng hành quyết người Do Thái, người Digan và người Cộng sản, cũng như những dân lành bị nghi ngờ hỗ trợ cho quân du kích. Để trả thù cho một tên lính Đức bị giết, chúng sẵn sàng thiêu rụi cả ngôi làng cùng với toàn bộ cư dân sinh sống tại đây.

Thực hiện tội ác chiến tranh không chỉ là các “đại đội kỵ binh thần chết” được lập ra chuyên để tiêu diệt người Do Thái và Bolshevik, mà còn có binh lính của biệt đội SS và lực lượng vũ trang Đức Quốc xã. Hỗ trợ tích cực cho bọn chúng là những kẻ hợp tác với địch đến từ các nước vùng Baltic, Belarus, Ukraine và cả người Nga.

Thảm sát Babi Yar

Ngày 19-9-1941, quân đội Đức chiếm thủ đô Kiev của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine, và 8 ngày sau, tại đây bắt đầu những cuộc hành quyết tập thể. Những nạn nhân đầu tiên là 752 bệnh nhân của một bệnh viện tâm thần địa phương.

Sau khi tàn sát người Do Thái, quân Đức thu gom đồ đạc của các nạn nhân tại hẻm núi Babi Yar. Ảnh: Johannes Hähle

Tiếp đó là đến lượt người dân Kiev gốc Do Thái. Những người này bị ra lệnh tập trung tại hẻm núi Babi Yar nằm ở mạn tây bắc thành phố, lúc 8 giờ sáng ngày 29-9, để ra vẻ như tiến hành kê khai dân số và chuyển chỗ ở. Những ai không phục tùng sẽ lập tức bị giết chết.

Hàng nghìn người mang theo đồ đạc còn không hề biết rằng, họ đang đi đến chỗ chết. Những ai đoán được chuyện gì sắp xảy ra với mình và tỏ ra hoảng hốt, thì bị lính Đức kéo lê một cách cưỡng bức. Bà Genya Batasheva, người sống sót kỳ diệu trong cuộc thảm sát, kể lại: “Mọi người đau đớn lắm, rồi la hét điên loạn. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy một đứa bé chưa cai sữa mẹ đang nằm khóc trên mặt đất. Một tên phát xít lao tới và dùng báng súng đập vỡ đầu đứa trẻ. Lúc đó tôi có lẽ là đã ngất lịm đi, sau đó không còn nhớ chuyện gì xảy ra tiếp nữa”.

Tại nơi hành quyết, lính Đức Quốc xã dồn từng nhóm 30-40 người sắp bị xử tử đến mép hố và dùng súng máy bắn họ rơi xuống đó. Tiếng súng nổ bị át lại bởi tiếng nhạc và tiếng ồn của máy bay đang bay phía trên hẻm núi Babi Yar. Những đứa trẻ bị đẩy xuống hố ngay cả khi chúng vẫn thoi thóp còn sống.

Trong hai ngày 29 và 30-9, tổng cộng có 33.771 người bị hành quyết, tức là gần bằng toàn bộ người Do Thái ở Kiev bị quân phát xít Đức trừ khử. Tính đến thời điểm Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng thành phố năm 1934, tại Babi Yar có khoảng 70.000 đến 200.000 người bị sát hại.

Thảm sát Khatyn

Sáng ngày 22-3-1943 tại Minsk thuộc Cộng hòa XHCN Xô viết Belarus, một đơn vị thuộc tiểu đoàn cảnh sát mật thám 118 của Đức Quốc xã bị rơi vào ổ phục kích của lữ đoàn du kích mang tên “Bác Vasi”. Cuộc giao tranh đã giết chết một số lính Đức và nhà vô địch môn đẩy tạ tại Olympic Berlin năm 1936, đại úy Hans Woellke, người rất được Adolf Hitler quý mến.

Lính Đức đốt cháy làng Khatyn. Ảnh: Hulton-Deutsch Collection/Corbis/Getty Images

Tiểu đoàn 118 với thành phần chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở miền Tây Ukraine, cũng như Tiểu đoàn đặc biệt Dirlewanger Waffen-SS khét tiếng bởi sự tàn bạo đã lần theo dấu vết của quân du kích tháo chạy vào làng Khatyn. Sau cuộc giao tranh chớp nhoáng, ngôi làng nhanh chóng bị lính tiễu phạt bao vây.

Người dân bị đuổi ra khỏi nhà của mình, sau đó dồn vào một nhà kho và giam lại. Sau khi những tên lính người Ukraine đốt cháy mái tranh thì những người bên trong nhà kho bắt đầu hoảng loạn. Mọi người la hét, khóc lóc, van xin tha mạng và cố gắng phá cánh cửa chính để thoát ra ngoài.

Vài phút sau, khi mọi người phá được cửa và bắt đầu chạy khỏi nhà kho, thì bọn lính phục vụ cảnh sát Đức bắn xối xả vào họ bằng súng máy.

Một người dân làng Khatyn tên là Joseph Kaminsky nhớ lại: “Tôi cùng cậu con trai 15 tuổi của tôi là Adam đứng gần bức tường, những người bị giết ngã vào phía tôi, những người còn sống chạy cuống cuồng trong đám đông, máu những người bị thương và bị giết chảy ra lênh láng. Mái nhà đang cháy đổ sập xuống, tiếng khóc rống đầy sợ hãi của mọi người càng lúc càng thảm thiết. Bên dưới mái nhà là những người bị thiêu sống đang quằn quại la hét…”. Joseph Kaminsky bị bỏng nặng và sống sót một cách thần kỳ, nhưng trong cơn các mộng đó, ông đã mất đi người con trai của mình.

149 người dân bị những kẻ tiễu phạt thiêu sống trong nhà chứa vây kín ở làng Khatyn, trong đó có 75 trẻ em, bé nhỏ nhất tên là Tolik Yaskevich lúc đó mới được 7 tuần tuổi. Tiếp sau vụ thảm sát dân làng Khatyn, lính Đức và nhân viên tiểu đoàn 118 người Ukraine tiến hành cướp bóc rồi đốt sạch toàn bộ ngôi làng.

Sau này, tên tham mưu trưởng tiểu đoàn 118 Hryhoriy Vasiura, kẻ chỉ huy cuộc thảm sát Khatyn, đã che giấu được thân phận quá khứ của mình và sau chiến tranh sống lặng lẽ tại Liên Xô với danh nghĩa là cựu chiến binh mặt trận. Mãi đến năm 1986, khi hắn bước sang tuổi 71 thì mới bị phát giác và không lâu sau đó bị xử bắn.

Khatyn hoàn toàn không phải là ngôi làng đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô bị quân Đức thảm sát trong Thế chiến II. Tuy nhiên, chính ngôi làng này đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất cho sự tàn bạo của quân phát xít trên những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị chiếm đóng.

Câu chuyện về vụ thảm sát Khatyn đã được dựng thành bộ phim khủng khiếp nhất về Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đó là phim “Đến mà xem” của đạo diễn Elem Klimov. “Khi đó tôi cứ suy nghĩ rằng, thế giới vẫn chưa biết về làng Khatyn! Người ta chỉ mới biết về vụ xử bắn các sỹ quan Ba Lan tại rừng Khatyn. Còn về đất nước Belarus thì không. Dù tại đó có hơn 600 ngôi làng bị đốt cháy! Và tôi đã quyết định làm bộ phim về thảm kịch này”, đạo diễn Elem Klimov nói.

Thảm sát Koriukivka

Rạng sáng ngày 27-2-1943, quân du kích thuộc binh đoàn Aleksei Fedorov tấn công một doanh trại Hungary đồn trú tại làng Koriukivka, tỉnh Chernihiv thuộc Ukraine. Cuộc đột kích diễn ra thành công với 78 lính địch bị giết, 8 tên bị bắt làm tù binh, cũng như nhà máy gỗ, ban quân quản, nhà ga đường sắt, cầu và kho nhiên liệu bị cho nổ tung. Ngoài ra, hơn 100 tù nhân được giải phóng khỏi một nhà tù địa phương.

Làng Koriukivka sau khi bị đốt cháy. Ảnh tư liệu

Để trả thù, những kẻ chiếm đóng đã tiến hành chiến dịch trừng phạt. Tuy nhiên, chúng không chống lại quân du kích, mà là nhằm vào người dân làng Koriukivka. Ngày 1-3-1943, các toán lính biệt đội SS của Đức, các đơn vị của Sư đoàn 105 Hungary và cảnh sát hỗ trợ người Ukraine đã bao vây khu dân cư.

Dưới danh nghĩa kiểm tra giấy tờ, bọn lính tiễu phạt xông vào và bắn chết các chủ nhà trong làng. Những người khác thì bị chúng giam lại trong nhà và thiêu sống, còn những ai chạy thoát được ra ngoài thì bị bắn chết bằng súng máy. Những địa điểm xảy ra thảm sát là nhà hát, trường học, nhà hàng và phòng khám bệnh đa khoa. Gần 500 người chạy đến nhà thờ với hy vọng được cứu sống, nhưng rồi cũng bị giết chết tại đó cùng với mục sư.

“Khi đó tôi đang bế con gái mình trước ngực, thì chúng bắt đầu bắn vào chúng tôi tại nhà hàng. Chúng lùa mọi người như lùa gia súc vào lò mổ... Một tên phát xít nhìn thấy tôi… rồi sau đó tôi không còn nhớ gì nữa. Ba đứa con của tôi bị bọn chúng giết chết, thậm chí còn không được chôn cất... Những tên đao phủ đáng nguyền rủa đã thiêu rụi các con tôi”, ông Evgeny Rymar may mắn sống sót kể lại.

Trong hai ngày, những tên tiễu phạt đã đốt cháy 1390 ngôi nhà và giết gần 6700 người, trong đó thi thể của 5612 người thậm chí còn không thể nhận dạng. Điều này đã biến thảm kịch làng Koriukivka thành một trong những tội ác chiến tranh kinh hoàng nhất của phát xít Đức trong Thế chiến II.

Hai tuần sau đó, Hồng quân Liên Xô đã tiến vào giải phóng làng Koriukivka, nhưng không bắt gặp còn ai ở đây cả.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhung-toi-ac-kinh-hoang-cua-phat-xit-duc-tai-lien-xo-663031