Những thương binh sau cánh cửa có khóa

Khác với các thương binh khác, họ phải cam chịu cả một đời trai tráng trôi qua trong một khu điều dưỡng với cánh cửa có khóa

Đúng 30 năm trước, tôi đến thăm Khu thương binh Long Hải - Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lần đầu. Lúc đó, ở đây có 100 thương binh, 35 cán bộ, công nhân viên và y, bác sĩ. Sau lần đó, tôi đã đến thăm nơi đây nhiều lần và lần mới nhất vào tháng 7-2023 này, tôi cảm nhận từng chuyển động, đổi khác.

Những vết thương chưa lành theo năm tháng

Hiện nay, Khu thương binh Long Hải đã to đẹp, khang trang hơn rất nhiều. Mới đây, tiếp chúng tôi đến thăm, Giám đốc Trung tâm là bác sĩ Tống Đức Bình thông tin: Tin vui nhất là năm nay khu vực hội trường đón khách đến thăm thương binh không còn bị ngập nước sau những trận mưa to nữa!

Nhớ lại dịp 27-7 năm ngoái, sau khi tôi đến thăm và viết bài "Thương binh lội nước đón khách" đăng báo, ngay hôm sau Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam chuyên trách công tác thoát nước đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử cán bộ kỹ thuật đến khảo sát, tặng máy bơm và thi công những công trình thoát nước, giải quyết được cơ bản tình trạng ngập nước ở đây.

Sau đó, bác sĩ Trần Thị Nhung, Trưởng Khoa A1, đưa chúng tôi vào thăm khu điều trị thương bệnh binh tâm thần. Đây là khu đặc biệt, nơi có những cánh cửa luôn khóa kín. Sau những cánh cửa đó có 15 thương binh tâm thần với những vết thương làm ảnh hưởng đến trí não. Có 3 thương - bệnh binh nữ. Họ ở đây đã hàng chục năm. Người thì có khuôn mặt u uẩn suốt ngày. Người thì thường xuyên nói cười vô cớ. Các thương binh nam ở đây đều về từ chiến trường biên giới Tây Nam. Ngoài bệnh tâm thần, trên thân thể các anh còn những vết thương do mảnh đạn để lại. Những người thương binh đều đã trên dưới 50 tuổi, nhưng họ thường xưng em, xưng con với mọi người đến thăm.

Một nhà báo nữ hỏi vui thương binh tên là Khả, quê Sóc Trăng: - Anh có cưới em không? - Má không cho... - Sao vậy? - Phải đi mần có tiền mua vàng thì mới cưới vợ được... - Em có nhẫn vàng rồi nè... - Má không cho...

Lát sau, anh thương binh đi theo cô nhà báo nói: Em ưng chị mà má không cho... Nghe mẩu đối thoại này, mọi người đều ứa nước mắt. Các thương binh khi tỉnh táo một chút là nói muốn về nhà, muốn cưới vợ, muốn có người vào thăm. Đó có thể là những ước mơ vô vọng. Nhưng nhiều người đâu có nhớ nhà mình ở đâu, có người thì vợ đã lấy chồng khác. Có những người nhà vào thăm nhưng chủ yếu để vào phòng tài vụ lãnh số lương của người thương binh tâm thần lâu nay vẫn không biết xài tiền.

Trong số 15 người thì chúng tôi thường trò chuyện với thương binh Nguyễn Văn Khả nhất. Anh là cây văn nghệ của trung tâm điều dưỡng. Khi thấy khách vừa xuất hiện là anh đứng bật dậy hát ngay. Hát xong lại đề nghị được hát tiếp. Anh hát liền cả chục bài, cả tân nhạc, cổ nhạc... Khả hát khá hay. Và đặc biệt là rất thuộc lời bài hát. Nếu chỉ nghe giọng hát thì khó mà biết đó là một thương binh tâm thần.

Tác giả bài viết (bìa phải) chụp hình cùng một số bệnh nhân tại Khu thương binh Long Hải. Ảnh: C.T.V

Tác giả bài viết (bìa phải) chụp hình cùng một số bệnh nhân tại Khu thương binh Long Hải. Ảnh: C.T.V

"Cô tiên" của khu điều dưỡng

"Cô tiên" đó chính là bác sĩ Trần Thị Nhung, Trưởng Khoa 1 điều trị thương binh tâm thần. Vào thời "hưng thịnh", Khu điều dưỡng thương binh nặng Long Hải có 7 bác sĩ. Nhưng nay chỉ còn 2 bác sĩ. Một số bác sĩ đã rời khỏi nơi đây vì cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, áp lực công việc cao.

Trong 2 bác sĩ bám trụ thì có bác sĩ Tống Đức Bình vừa chuyển từ một khu điều dưỡng thương binh ở miền Bắc vào đây được mấy năm. Là giám đốc, bác sĩ Tống Đức Bình làm quản lý là chính. Còn lại nữ bác sĩ Trần Thị Nhung là chủ lực, vừa làm Trưởng Khoa Tâm thần vừa là bác sĩ điều trị, khám chữa bệnh, trực tiếp chăm sóc các thương binh nội trú và ngoại trú. Bác sĩ Nhung mới hơn 40 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại trung tâm điều dưỡng đã 20 năm. Tuy nơi đây thu nhập thấp, không có điều kiện làm thêm và cũng ít có cơ hội thăng tiến nhưng bác sĩ Nhung vẫn gắn bó với trung tâm không rời.

Để có thêm thu nhập nuôi con, bác sĩ Nhung phải làm thêm các công việc của một y tá bên ngoài như chích thuốc, truyền nước biển... cho người bệnh trong khu dân cư. Bác sĩ Nhung nói: "Em rất thương các cô chú thương binh. Cả đời sống với vết thương, với cái xe lăn, cây nạng gỗ. Có những lúc bị thương binh tâm thần nắm tóc, chửi rủa mà em chỉ thấy thương chứ không giận. Bây giờ thì các cô chú thương em hơn rồi. Vừa rồi, nhờ có một số đơn vị tài trợ, khoa tâm thần đã tổ chức đưa thương binh tâm thần đi tham quan Vũng Tàu và suối nước nóng Bình Châu".

Khi chúng tôi hỏi bệnh tâm thần có thể chữa khỏi hoàn toàn không thì câu trả lời là "hầu như khó có thể". Còn việc đưa họ về gia đình cũng rất khó vì bệnh tâm thần có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Nuôi dưỡng một thương binh đã khó, thương binh bị tâm thần càng khó hơn gấp bội. Các thương binh tâm thần được lập sổ tiết kiệm trích từ khoản lương của họ, đây là số tiền để phòng xa cho họ vì nhiều thương binh không tìm được người thân suốt nhiều năm nay.

Chia tay các thương binh tâm thần, chúng tôi hỏi họ mong muốn điều gì? Hầu hết đều trả lời: "Muốn về nhà". Đã mấy chục năm nay rồi, nhiều người chưa được về nhà. Khi cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra, họ nhập ngũ. Chỉ sau vài năm tuổi quân, họ thành thương binh và phải điều trị ở đây cho tới nay. Khoa tâm thần tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Long Hải là nhà của họ. Và khác với các thương binh khác, họ phải cam chịu cả một đời trai tráng trôi qua trong một khu điều dưỡng với cánh cửa có khóa. Họ không nhớ cả khuôn mặt chính mình. Nhưng không ai có thể quên, không được phép quên những người lính ấy!

Bác sĩ Trần Thị Nhung khoe: Khoa tâm thần vừa được một đơn vị tặng 5 cái máy lạnh. Nhưng khó khăn thì vẫn còn rất nhiều như về chế độ, thuốc men và các trang thiết bị. Các thủ tục công nhận liệt sĩ khi thương binh qua đời cũng gặp trở ngại. Hiện nay, chiếc giường thương binh nằm rộng 1,4 m nhưng tấm nệm chỉ 1,2 m chưa đủ kín chiếc giường, mà họ vẫn chưa thể có nệm thay.

HUỲNH DŨNG NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhung-thuong-binh-sau-canh-cua-co-khoa-20230725191002447.htm