Những thức quà mùa xuân ở xứ Lạng

Mùa xuân ở xứ Lạng bắt đầu khi trên cành khô những nụ hoa lê bung nở, cánh én chao nghiêng trên nền xanh của cây cỏ đâm chồi. Xuân đến tết về, người dân ngoài tất bật dọn dẹp nhà cửa còn háo hức chuẩn bị những món quà thơm ngon nhất để cúng giỗ gia tiên và biếu tặng người thân, bạn bè. Các thức quà của mùa xuân rất đa dạng, đó là những món ẩm thực đặc sắc, những món bánh thơm ngon, hay chỉ đơn giản là một cành đào vừa hé nở…

Cành đào tết

Từ đầu tháng chạp những người sành chơi hoa đã tranh thủ đi khắp các vạt rừng để tìm cành đào cắm ngày tết, khi thấy cành nào ưng ý họ sẽ dùng mảnh vải hoặc lá gianh buộc vào để khẳng định quyền sở hữu. Người xứ Lạng vốn trọng tình nghĩa, nên gặp vật gì dù quý giá đến mấy mà đã có người đánh ký hiệu là đã thấy trước, thì họ sẽ không bao giờ chạm đến.

Cây đào với vô số nụ hoa bung nở, rực rỡ

Cây đào với vô số nụ hoa bung nở, rực rỡ

Đến chiều 30 tết, sau khi đã trang hoàng nhà cửa xong người ta cầm theo con dao lên rừng hái đào, đem về người ta hơ gốc đào qua ngọn lửa để cành đào tươi lâu và hoa chóng nở. Cành đào được cắm ngay bên cạnh bàn thờ gia tiên, trên đó được treo những chiếc bóng bay, phong bao lì xì... Những cành đào phai với vô số nụ hoa bung nở, sắc đào thắp nhẹ trong những cánh mảnh mai tô đẹp thêm vào sự rực rỡ đầy sức sống của mùa xuân, khiến con người như thêm phần yêu đời hơn.

Nải chuối rừng

Người dân xứ Lạng không có quan niệm về mâm ngũ quả giống người Việt, trong ngày tết họ chỉ dâng cúng tổ tiên những thức quả mà họ có được. Nải chuối là loại quả không thể thiếu trên bàn thờ ngày tết, chuối rừng quả nhỏ nhưng chín vàng óng và rất thơm, càng tô điểm hơn cho sự ấm cúng của gian thờ ngày tết. Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa thì quan niệm mâm ngũ quả cũng đã du nhập vào đời sống người Lạng Sơn. Trên nải chuối xanh người ta bày thêm táo, cam, thanh long, hồng hoặc dứa…

Bánh chưng

Từ ngày 24, 25 tháng chạp nhiều gia đình đã rậm rịch gói bánh chưng, đến ngày 29 gói thêm một đợt bánh nữa để dành cúng tổ tiên và làm quà sêu tết. Bánh chưng của người xứ Lạng được gói với hình dạng gù, nên còn có tên gọi là bánh chưng gù. Một số nơi người ta ngâm gạo nếp với cây tím, để khi bánh chín có màu tím; một số vùng người Nùng bánh chưng cúng tết phải có 2 loại, loại chay để cúng Phật bà Quan âm và bánh mặn để cúng tổ tiên.

Bánh chưng của người xứ Lạng được gói với hình dạng gù

Bánh chưng của người xứ Lạng được gói với hình dạng gù

Bánh khảo

Bánh khảo là loại bánh đặc trưng trong ngày tết Nguyên đán, người ta làm bánh từ gạo nếp, mía đường và chút vừng… Quy trình làm bánh vô cùng phức tạp, từ lúc xát gạo đến khi thành phẩm phải mất tới cả tuần. Những phong bánh khảo được gói trong tấm giấy đầy màu sắc, phong xanh, phong đỏ, phong vàng... là kết tinh của sự khéo léo và chăm chỉ của các mẹ các chị.

Bánh khảo được bày trên bàn thờ tổ tiên, là một món quà không thể thiếu trong danh sách các món lễ vật sêu tết và là quà tết để người ta đem biếu cho nhau để thể hiện tấm lòng thương yêu quý trọng.

Khẩu sli

Khẩu sli được làm từ những hạt gạo nếp to và mẩy nhất, giống gạo làm bánh có tên “khảu nu mù”, vừa thơm vừa ngon. Quy trình làm cũng vô cùng cầu kỳ, đầu tiên người ta đồ gạo nếp chín rồi tách rời từng hạt bằng bột sắn, sau đó đem giã cho hạt xôi bẹp lại và phơi khô. Vào tối giao thừa sau bữa cơm tất niên, khi các cha các chú đang ngồi uống chè nói chuyện thì các mẹ các chị bắt đầu cho gạo nếp vào chảo và dùng mỡ gà rang. Sau đó đun nước và thả mật mía vào, đợi đến khi nước bay hơi cho đường cô đặc lại thì thả gạo nếp đã rang vào, trộn đều rồi đổ ra mẹt và cắt thành miếng hình vuông hoặc chữ nhật.

Cũng giống như bánh khảo, khẩu sli là món quà đặc trưng không thể thiếu trong ngày tết nguyên đán. Trong truyền thống khi bánh kẹo, hoa quả chưa phổ biến thì khẩu sli là thức quà đầu tiên được gia đình đem ra mời khách. Hiện nay, dù ngày tết đã có rất nhiều bánh kẹo hoa quả nhưng món khẩu sli vẫn không thể nào thiếu được.

Bánh khẩu sli được làm từ những hạt gạo nếp to và mẩy

Bánh khẩu sli được làm từ những hạt gạo nếp to và mẩy

Gà trống thiến

Gà trống thiến là lễ vật cúng quan trọng nhất trong ngày tết nguyên đán, đặc biệt là lễ cúng thần Thổ công vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 tháng giêng. Người ta quan niệm gà trống thiến tượng trưng cho lòng thành của gia chủ, nhà nào có gà to thì năm đó sẽ được nhiều phục lộc và ngược lại gà nhà nào nhỏ sẽ bị mọi người chê cười. Gà trống thiến cũng là lễ vật chính trong gánh lễ vật của các chàng rể người Tày, với người Nùng thì năm đầu tiên sau khi cưới vợ gánh lễ vật sêu tết cũng phải có gà thiến. Để có được những con gà trống thiến vừa đẹp vừa béo, từ giữa năm các gia đình đã rậm rịch thiến, rồi trước tết khoảng 1-2 tháng người ta bắt đầu nhốt gà vào lồng, cho chúng ăn ngô để gà bì gà màu vàng.

Lạp sườn

Khoảng 20 tháng chạp vài gia đình thân thiết lại cùng nhau đụng lợn, tiếng lợn kêu eng éc báo hiệu cái tết đã đến rất gần. Sau khi mổ lợn xong, người ta chia đều từng phần cho nhau, còn nội tạng trừ lòng non thì mấy gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm đầy tình thương ấm cúng.

Sau khi mang thịt lợn về nhà, người ta lấy những phần thịt lẻ thái thành miếng nhỏ, rồi ướp với gia vị gồm nước mắm, hồ tiêu và gừng núi, sau đó nhồi vào khúc lòng non là thành lạp sườn. Làm xong người ta treo lạp sườn lên trên gác bếp, đợi đến khi mùi khói quyện vào từng thớ thịt, khúc lạp sườn héo vào là ăn được. Có 2 cách chế biến lạp sườn chính, đó là đem hấp trong nồi cơm hoặc là rán trong chảo mỡ, mỗi cách một vị ngon riêng. Trong mâm cỗ ngày tết và ngày hội mùa xuân, lạp sườn là món không thể thiếu và luôn được mọi người ưa thích nhất.

Thịt lợn ướp muối

Không chỉ là món lễ vật chính trong mâm cúng ngày tết mà thịt lợn ướp muối còn là một trong những lễ vật không thể thiếu khi đi sêu tết. Cách làm thịt lợn ướp muối khá đơn giản, đầu tiên người ta thái miếng ba chỉ thành miếng mỏng và dài khoảng 50cm, rồi vò với muối và thả vào hũ, mỗi lớp thịt rải thêm một lớp muối. Ngâm thịt trong muối khoảng 4-5 ngày, sau đó vớt ra và rửa với nước nóng, rồi treo lên nơi khô ráo.

Thịt lợn ướp muối thường được đem xào với cây tỏi hoặc xào nước tương. Thịt lợn ướp muối ăn chắc, rất ngọt và thơm, nếu để lâu ngày người ta đem gác bếp thì ăn còn thơm mùi đặc trưng của khói.

Rượu men lá

Rượu là thức uống không thể thiếu trong ngày tết. Rượu dùng để cúng tổ tiên, trong bất kỳ lễ cúng nào cùng với thắp hương thì con cháu đều phải rót rượu kính ông bà. Bạn bè đến nhà chúc tết thì phải có rượu, cùng với đó là nước chè bà quà bánh. Trong mâm cơm ngày tết, mâm cỗ ngày hội mùa xuân cũng cần có rượu. Người xứ Lạng quan niệm khi đến nhà nhau chơi vào dịp tết, nếu mời rượu mà không uống nghĩa là không tôn trọng chủ nhà, nếu không uống được thì cũng phải nhấp môi để thể hiện tấm lòng.

Để có rượu ngon dùng trong dịp tết và ngày hội mùa xuân, từ giữa năm người ta đã bắt đầu lo nấu rượu. Để có rượu ngon, ngoài gạo người ta còn phải tìm được men tốt, nếu có men lá thì tuyệt vời nhất. Rượu sau khi làm xong người ta đem ủ để bay hết andehit, nếu ngâm được thì càng tốt, người ta thường ngâm rượu với chuối hột hoặc quả bồ quân.

Trên đây là một số món quà mùa xuân của người dân xứ Lạng, mỗi thức quà đều mang trong mình những chức năng riêng, góp phần tô điểm thêm cho mùa xuân miền rẻo cao thêm tươi đẹp. Lại một mùa xuân nữa đã về, mời du khách khắp mọi miền đến với Lạng Sơn để thưởng thức những món quà ấm tình thương của đất và người xứ Lạng.

Kim Truyền

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhung-thuc-qua-mua-xuan-o-xu-lang-203069.html