Những thói quen không ngờ dễ gây sâu răng

Không riêng trẻ em, những người ăn nhiều bữa trong ngày nhưng không vệ sinh kỹ vẫn có thể bị sâu răng.

Vệ sinh răng miệng không cẩn thận trong khi thường xuyên ăn vặt khiến bạn dễ bị sâu răng dù ở độ tuổi nào. Ảnh: Freepik.

Sâu răng là một bệnh răng miệng thường gặp. Khi các mô cứng như men răng, ngà răng trên bề mặt răng bị các chất axit bào mòn, mô răng sẽ bị phá hủy và hình thành sâu răng. Do đó, ngoài vệ sinh răng miệng, còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác gây sâu răng như thói quen ăn uống, kết cấu răng, tình trạng thể chất, tình trạng sử dụng thuốc...

Có 4 dấu hiệu cơ bản nhận biết sâu răng là:

Có vị lạ trong miệng
Có đốm đen trên răng
Có khe hở giữa các răng khiến thức ăn bị mắc kẹt
Răng trở nên nhạy cảm.

Theo nha sĩ Hồ Hán Quân, bác sĩ tại phòng khám nha ở Cửu Long (Hong Kong, Trung Quốc), sâu răng là tình trạng có thể gặp ở bất kỳ ai và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số nhóm sau đây có nguy cơ cao hơn.

Ăn nhiều bữa trong ngày

Việc ăn nhiều bữa trong ngày sẽ làm tăng sự sản sinh axit của vi khuẩn ăn mòn răng, dẫn đến mất cân bằng vi sinh vật trong khoang miệng và gây sâu răng. Do đó, số bữa trong ngày không nên vượt quá 3 lần

Tiết nước bọt không đủ

Nước bọt có tác dụng trung hòa axit và diệt khuẩn. Người phải hóa trị, điện trị liệu (ung thư), mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc lâu dài (tăng huyết áp, tiểu đường, trầm cảm), người mắc hội chứng Sjogren sẽ gặp vấn đề về tuyến nước bọt. Khi nước bọt tiết ra không đủ, răng sẽ không được bảo vệ. Trong trường hợp này có thể tiến hành điều trị dự phòng bằng cách sử dụng sản phẩm chăm sóc răng có bổ sung fluor và thường xuyên theo dõi tình trạng răng miệng.

Vệ sinh răng miệng không đầy đủ

Bàn chải đánh răng chỉ có thể làm sạch các bề mặt má (bên ngoài), mặt lưỡi và mặt nhai của răng chứ không thể làm sạch chất bẩn giữa các kẽ răng. Điều này dễ khiến vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến sâu răng. Do đó, chúng ta cần sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ bên cạnh việc chải răng bằng bàn chải thông thường, kiểm tra răng miệng định kỳ.

Dễ tích tụ mảng bám răng

Người đeo răng giả hoặc niềng răng rất dễ bị tích tụ cặn thức ăn, vi khuẩn bên trong miệng. Vì vậy, nhóm người này cần vệ sinh răng thường xuyên, tái khám định kỳ.

Trẻ nhỏ bú bình có nguy cơ bị sâu răng cao do răng ngâm lâu trong sữa, vi khuẩn ăn mòn răng có nhiều cơ hội phát triển. Cho nên, cha mẹ cần giúp bé đánh răng và chú ý đến tình trạng răng miệng của con. Sau khi mọc răng, trẻ nên tránh bú mẹ trong khi ngủ và cần đi kiểm tra răng miệng định kỳ.

Hảo Hảo

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-thoi-quen-khong-ngo-de-gay-sau-rang-post1469678.html