Những 'thiên đường' dành cho giới giàu có

Được hưởng nhiều luật thuế hấp dẫn, không gian sống nhộn nhịp, tiện nghi cùng chế độ visa hấp dẫn là ba trong số nhiều nguyên nhân khiến nhiều quốc gia như Antigua, Barguada, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Singapore,… trở thành thiên đường được giới siêu giàu săn đón.

Tuần trước, Vương quốc Anh công bố sẽ bãi bỏ quy chế phi quốc gia, cho phép những người sống ở đó nhưng có hộ khẩu thường trú ở nước ngoài tránh thuế đối với tài sản ở nước ngoài của họ trong 15 năm.

Bồ Đào Nha vào tháng 10/2023 đã công bố kế hoạch loại bỏ chương trình cư trú không thường xuyên, chính sách cho phép người nước ngoài trả thuế thu nhập và lương hưu thấp hơn người dân địa phương trong 10 năm.

Antigua và Barguada

Kể từ khi luật thuế mới được thực thi vào năm 2016, người cư trú và người không cư trú không bị đánh thuế đối với thu nhập kiếm được trong nước hoặc tài sản ở nước ngoài của họ. Luật này đã là động lực chính cho nền kinh tế đất nước, thu hút các nhà đầu tư giàu có và thúc đẩy thị trường bất động sản. Cũng không có thuế tài sản hoặc thuế thừa kế ở những hòn đảo nhiệt đới này.

Quốc đảo được coi là địa điểm được giới nhà giàu nhiệt tình săn đón. Ảnh: Bloomberg.

Người nước ngoài cũng có thể đảm bảo quyền công dân với hứa hẹn du lịch miễn phí tới châu Âu chỉ với 100.000 USD. Công dân Antigua và Barbuda có thể đi đến 154 quốc gia mà không cần xin thị thực trước. Tuy nhiên, EU đang cố gắng trấn áp chính sách miễn thị thực này và gây áp lực lên chính sách cũng như các quốc gia Caribe khác để đóng cửa hoặc thắt chặt các chương trình đầu tư lấy quốc tịch của họ.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)

Dubai và các tiểu vương quốc láng giềng đã thu hút hàng loạt nhà quản lý quỹ phòng hộ và chủ ngân hàng từ khắp nơi trên thế giới trong vài năm qua nhờ luật thuế lỏng lẻo và các tiện ích dành cho người giàu. UAE không đánh thuế thu nhập cá nhân, lãi vốn, thừa kế, quà tặng hoặc tài sản. Thậm chí, đây là một trong những nơi đánh mức thuế doanh nghiệp thấp nhất trên thế giới, ở mức 9% đối với các công ty tạo ra hơn 375.000 dirham (102.000 USD) lợi nhuận hàng năm.

Nước này gần đây cũng tăng phạm vi đối tượng có thể nộp đơn xin thị thực cư trú dài hạn, bao gồm cả doanh nhân và kỹ sư. Tuy nhiên, Dubai đang trở nên quá đắt đỏ khiến giá bất động sản tăng vọt.

Khu phức hợp Atlantis The Royal ở đảo Palm Jumeirah (Dubai) - Ảnh: BLOOMBERG

Italy

Hệ thống thuế hào phóng của đất nước dành cho người nước ngoài được thành lập vào năm 2017 đã rất hiệu quả trong việc thu hút người nước ngoài. Số người chuyển đến Milan và được hưởng lợi từ các khoản giảm thuế này đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2021, lên tổng số hơn 1.300 người.

Cư dân mới phải trả một khoản phí hàng năm là 100.000 euro (109.000 USD) và được miễn thuế đối với thu nhập từ nước ngoài. Họ cũng có thể không phải trả thuế đối với 50% thu nhập của mình nếu họ không phải là cư dân trong hai năm tài chính trước đó.

Milan (Italy) nổi tiếng là thành phố đắt đỏ. Ảnh: Bloomberg.

Cơn sốt ở Milan gần đây đã đẩy giá bất động sản lên cao và góp phần khiến chi phí sinh hoạt của thành phố tăng cao, gây căng thẳng cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha rút lại các ưu đãi dành cho người nước ngoài, các nhà tư vấn tài sản cho biết Italy là một trong những nước hưởng lợi chính từ những người nước ngoài toàn cầu – đặc biệt là từ Mỹ và Trung Đông – đang tìm cách gửi tiền mặt của họ ở một quốc gia châu Âu có thuế thấp.

Singapore

Singapore là một bức tranh hỗn hợp. Trong khi quốc gia, thành phố châu Á này được hưởng lợi từ những hạn chế của Trung Quốc đối với Hồng Kông, động thái tăng thuế bất động sản lên 60% đối với người mua nước ngoài vào năm ngoái đã khiến quốc gia này kém thuận lợi hơn.

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với người dân ở mức thấp, giới hạn ở mức 22%. Thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn là 17%.

Để mua được căn nhà trị giá 5 triệu USD, người nước ngoài sẽ phải trả 65% thuế ở Singapore Nhiếp ảnh gia: Ore Huiying/Bloomberg

Tuy nhiên, để mua một ngôi nhà trị giá 5 triệu USD, người mua nước ngoài sẽ phải trả 65% thuế ở Singapore, bao gồm các khoản thuế khác, so với khoảng 4% ở New York, 15% ở London và 30% ở Hồng Kông, theo Tính toán của Savills

Monaco

Nhiều triệu phú tiếp tục đổ xô đến Monaco để tận hưởng các sòng bạc, lối sống hào nhoáng và mức thuế thấp của thành phố. Là sân chơi dành cho giới thượng lưu châu Âu, quốc gia nhỏ bé này không có thuế đối với tài sản, thu nhập cá nhân hoặc lãi vốn.

Tài sản cho thuê bị đánh thuế ở mức 1% trên số tiền thuê hàng năm. Monaco đã loại bỏ thuế đối với cổ tức do các công ty địa phương trả và không tính thuế thu nhập doanh nghiệp chung.

Quốc gia châu Âu có giá bất động sản đắt nhất thế giới. Nhiếp ảnh gia: Balint Porneczi/Bloomberg

Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn tài sản Knight Frank, quốc gia châu Âu này có giá bất động sản đắt nhất thế giới, nơi 1 triệu USD chỉ mua được 172 feet vuông bất động sản. Nhiều tỷ phú có thể được cấp giấy phép cư trú bằng cách đầu tư hơn 1 triệu euro (1,1 triệu USD).

Bên cạnh đó, Bloomberg đưa ra nhiều quốc gia đánh nhiều thuế, thậm chí cao nhất thế giới, nhưng cũng cung cấp chất lượng cuộc sống và dịch vụ công cộng tốt như Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Nhật Bản.

Thuế thu nhập của Pháp lên tới 45%, tương tự như Nhật Bản. Pháp tính thuế phụ thu 3% đối với thu nhập vượt quá 250.000 euro (273.000 USD) trong khi thuế lãi vốn là 19%. Thuế thu nhập của Đan Mạch lên tới 52%. Ở Bỉ, bất kỳ thu nhập nào trên 46.440 euro đều bị đánh thuế 50%.

Khánh Vy (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-thien-duong-danh-cho-gioi-giau-co-post287463.html