Những 'thầy giáo' bộ đội dạy tiếng Khmer

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) tiếng Khmer của lực lượng vũ trang tỉnh Long An diễn ra khá sinh động. Suốt buổi sinh hoạt, cán bộ phụ trách và các thành viên đều trao đổi với nhau lưu loát bằng tiếng Khmer.

Học viên tự tin đối thoại bằng tiếng Khmer trong giờ thảo luận

Học viên tự tin đối thoại bằng tiếng Khmer trong giờ thảo luận

Ngoài luyện nói, cách phát âm, CLB còn tổ chức các hình thức sinh hoạt phong phú như kể một câu chuyện, hát một bài hát bằng tiếng Khmer,... Trong sinh hoạt, CLB chú trọng ôn luyện từ vựng, nội dung phù hợp, sát tình hình thực tế địa bàn biên giới. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn - Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tân Hưng, “thầy giáo” dạy tiếng Khmer cho đồng đội.

Với trình độ, năng lực, khả năng ngoại ngữ tốt, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn được cấp trên phân công đứng lớp, dạy tiếng Khmer giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh. Lớp học diễn ra đều đặn vào thứ bảy hàng tuần. “Đến hẹn lại lên”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, vượt trên 100km từ huyện Tân Hưng đến TP.Tân An để đứng lớp.

Từng hoàn thành các khóa học cơ bản và nâng cao tiếng Khmer tại Trường Quân sự Quân khu 7, có hơn 5 năm công tác cùng Đội K70 của Cục chính trị Quân khu 7 thực hiện nhiệm vụ quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn Campuchia nên Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn có phương pháp truyền dạy tiếng Khmer khá tốt, giúp cán bộ lực lượng vũ trang tỉnh dễ nắm, dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu từ vựng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Mỗi ngày lên lớp, tôi đều soạn, chuẩn bị kỹ giáo án; tăng cường từ vựng và viết phiên âm để anh em nói được, nghe được. Bằng kinh nghiệm và vốn từ vựng thực tế, thông dụng, tôi truyền đạt, chủ yếu nói tiếng “bồi” nhiều. Trong quá trình dạy tiếng Khmer, tôi thường xuyên cho anh em nghe thêm những đoạn phát thanh, xem phim của người bản địa có nội dung sát với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, ngoại giao nhân dân,... Tôi còn chia từng nhóm, tổ để trao đổi, giao tiếp với nhau vì học tiếng Khmer cũng như học tiếng Anh phải giao tiếp thường xuyên”.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Vân - Trợ lý Dân quân, Ban CHQS thị xã Kiến Tường, cũng được cấp trên phân công làm “thầy giáo” dạy tiếng Khmer. Tốt nghiệp khóa nâng cao tiếng Khmer với tấm bằng loại giỏi, có thời gian dài tham gia cùng Đội K70 của Cục Chính trị Quân khu 7 thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Campuchia nên vốn từ của Thiếu tá Nguyễn Thanh Vân khá tốt và phát âm thành thạo ngôn ngữ này. Tham gia dạy tiếng Khmer, Thiếu tá Nguyễn Thanh Vân không ngừng nâng cao chất lượng qua từng buổi học. Anh thường xuyên cập nhật phương pháp giảng dạy, cách phát âm của người bản xứ, mua sách tự học thêm vốn từ.

“Tôi luôn cố gắng hướng dẫn, dạy cho anh em nắm từ vựng, nghe và nói được những câu giao tiếp thông dụng như chào hỏi, giới thiệu, những câu giao tiếp liên quan đến lĩnh vực quân sự khi đi tuần tra trên tuyến biên giới,... Trong giảng dạy, tôi chú trọng ôn từ vựng mỗi ngày, có kiểm tra. Để học tốt tiếng Khmer, người học phải tự tin, không ngại nói theo khả năng hiểu biết của mình” - Thiếu tá Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Là “thầy giáo” dạy tiếng Khmer nhỏ tuổi nhất nhưng Trung úy chuyên nghiệp Huỳnh Tuấn Tài - nhân viên thống kê, Ban CHQS huyện Đức Huệ, lại có bề dày kinh nghiệm nghe, viết, dịch tiếng Khmer. Trung úy Huỳnh Tuấn Tài từng làm phiên dịch cho Đội K73 trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước Campuchia; tháp tùng các đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh trong những chuyến ngoại giao. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trung úy Huỳnh Tuấn Tài bám lớp học, góp phần giúp cán bộ lực lượng vũ trang tỉnh nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Bên cạnh CLB tiếng Anh, tiếng Khmer của Bộ CHQS tỉnh, CLB tiếng Khmer của Ban CHQS các huyện biên giới: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường vẫn được duy trì và hoạt động hiệu quả. Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp và sự đóng góp quan trọng của những “thầy giáo” mang quân hàm, khả năng học tiếng Khmer của đội ngũ cán bộ ngày càng đi vào nền nếp. Qua đó, góp phần giúp lực lượng vũ trang tỉnh làm tốt công tác đối ngoại quân sự, giao lưu, hợp tác với các lực lượng nước bạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia./.

Vân Anh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-thay-giao-bo-doi-day-tieng-khmer-a164154.html