Những thách thức của 'thế hệ thừa kế'

Thế hệ Millennials nắm giữ một khối tài sản lớn, đến từ việc thừa kế gia sản của cha ông. Từ đó, đặt ra cho họ một thử thách lớn liên quan tới việc quản lý số tiền này.

 Hình ảnh những cậu ấm cô chiêu trong phim Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu.

Hình ảnh những cậu ấm cô chiêu trong phim Penthouse - Cuộc chiến thượng lưu.

Khi tính đại diện theo tỷ lệ [1] của Thế hệ Millennials tăng, tác động lớn đầu tiên diễn ra là tại nơi làm việc. Ước tính Thế hệ Millennials chiếm 75% lực lượng lao động vào năm 2025 tại nhiều quốc gia.

Khi sự dịch chuyển này diễn ra, khả năng tạo thu nhập của thế hệ này sẽ tăng lên mức 32.000 tỷ USD vào năm 2030. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một tiêu điểm của Thế hệ Millennials, ước tính chiếm 58% dân số của khu vực này và có thu nhập sau thuế khoảng 6.000 tỷ USD. Qua so sánh, dự đoán Thế hệ Millennials tại Mỹ sẽ trở thành nguồn tạo thu nhập chính vào năm 2025, ước tính tạo ra 8,3 nghìn tỷ USD.

Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các thị trường và kinh tế toàn cầu khi Thế hệ Millennials có những ưu ái riêng để phân bổ việc thay đổi chi tiêu tùy ý và bắt buộc.

Khi nói đến tài sản của Thế hệ Millennials, có hai yếu tố cần xem xét. Một là, họ hiện nắm giữ những gì và họ có khả năng tạo ra tài sản gì. Hai là, họ sẽ thu được tài sản gì thông qua thừa kế hay chuyển giao tài sản giữa các thế hệ qua thời gian.

Theo phân tích của Boston Consulting Group năm 2015, Thế hệ Millennials nắm giữ 10% tài sản thế giới, ước tính 16,9 nghìn tỷ USD, họ cũng dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi lên 35,3 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Điểm thú vị nằm ở sự phân bố địa lý của khối tài sản này.

Xét về khu vực, tài sản của Thế hệ Millennials tại châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) lớn hơn các khu vực khác, thể hiện sự vươn mình của các nền kinh tế châu Á và tính đại diện đông đảo của Thế hệ Millennials tại khu vực này.

Khối tài sản này được quản lý như thế nào cũng là điểm thu hút sự quan tâm của các doanh nhân và là đề tài cho những đột phá lớn. Nói đến quản lý tài sản, thế hệ được trao quyền này khao khát “tự định hướng”. Khao khát tự định hướng ấy thể hiện thành sự trỗi dậy của tư vấn số tự động, thường do trí tuệ nhân tạo thúc đẩy, hay còn được gọi là “tư vấn máy” (robo-advice).

Nghiên cứu chỉ ra rằng Thế hệ Millennials có lòng tin vào tư vấn công nghệ nhiều hơn tư vấn từ con người.

Chúng ta cũng có thể thấy, khao khát tự định hướng thể hiện qua sự tăng trưởng chóng mặt của các quỹ thuộc các tay chơi đột phá về nền tảng quản lý tài sản, như WealthPoint và Betterment.

Đây là hai trong số các dịch vụ tư vấn máy lớn nhất đang nổi, cùng gây quỹ tích lũy 405 triệu USD tính đến năm 2017. Gần mười năm sau khi ra đời, WealthPoint và Betterment quản lý gần 15,9 tỷ USD tài sản cho hơn 495.000 tài khoản khách hàng. Gần bằng 1% tổng tài sản Thế hệ Millennials nắm giữ vào năm 2015. Trước khi bạn nghĩ con số này chẳng có gì nhiều nhặn, hãy nhớ rằng hai tổ chức này còn chưa tồn tại cách đây mười năm.

Một điểm thú vị là, chúng ta có thể thấy tác động to lớn của hai nền tảng này khi chúng ta xem xét sức tăng trưởng nhanh và mạnh về khách hàng của các tổ chức này kể từ năm 2014.

Khi Thế hệ Millennials có thể nắm trong tay một phần tài sản lớn hơn, chúng ta có thể kỳ vọng rằng thế hệ được trao quyền, tự định hướng và có ý thức xã hội này sẽ tư duy khác đi về cách thức và vị trí mà tài sản của họ được phân bổ.

Sự xuất hiện của các loại hình tài sản trách nhiệm xã hội có thể là một chỉ báo nhanh cho thay đổi này. Đầu tư tác động (impact investing) [2] là một mảng tăng nhanh trong quản lý tài sản và giá trị của các tài sản đầu tư bền vững (sustainable investing) [3] đã tăng lên mức 22,89 nghìn tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2016, tăng 25% so với năm 2014.

Thế hệ Millennials có khả năng thực hiện đầu tư bền vững gấp hai lần nhà đầu tư trung bình. 75% thế hệ này tin rằng đầu tư của họ có thể tạo thay đổi trong các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu và kiểm soát súng đạn. Thế hệ Millennials suy nghĩ tương đối khác về việc tin tưởng ai để bảo hộ tài sản cho họ.

...

[1] Proportionate (proportional) representation: Hình thức bầu cử thường được các nước Tây Âu áp dụng. Theo đó, cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải cho các ứng cử viên cụ thể. Số lượng nghị sĩ trúng cử phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu mà đảng đó thu được.

[2] Hình thức đầu tư hướng đến tạo ảnh hưởng cụ thể, có lợi về môi trường xã hội bên cạnh lợi nhuận tài chính.

[3] Hình thức đầu tư rót vốn cho các doanh nghiệp có mục tiêu không chỉ tạo lợi nhuận mà còn biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn.

Rocky Scopelliti/ Best Books và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-thach-thuc-cua-the-he-thua-ke-post1464050.html