Những tấm lòng thơm thảo

Thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau trong tỉnh Khánh Hòa có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, sức khỏe cho người cao tuổi, nhất là những người già yếu, neo đơn. Đây là mô hình chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi mang lại hiệu quả.

Lan tỏa tình thương

Chúng tôi theo chân những tình nguyện viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Mỹ Lợi (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) đến nhà cụ Phạm Thị Thắm ở cùng thôn. Cụ Thắm nằm trên chiếc giường gỗ, dáng nhỏ, mắt nhắm nghiền. Bà Phạm Thị Dưỡng - con gái cụ cho biết: “Mẹ tôi năm nay đã 98 tuổi, lú lẫn nên rất cần người chăm. Tôi sống cách nhà mẹ 1km, hàng ngày lo cơm nước cho mẹ. Tôi vẫn tranh thủ đi hái lá chùm ruột để bán cho các cơ sở làm nem trong vùng. Nhờ có các tình nguyện viên của CLB đến chăm sóc nên tôi bớt lo”. Cắt móng tay cho cụ Thắm, bà Lê Thị Loan Phương - tình nguyện viên của CLB chia sẻ: “Đã 2 tháng nay, tuần nào tôi cũng tranh thủ đến thăm cụ. Tôi đo huyết áp; xoa nắn tay chân cho lưu thông máu; cắt móng tay, móng chân; gội đầu hay vệ sinh, quét nhà cho cụ. Đây là những công việc chúng tôi được tập huấn rất kỹ. So với trước, cụ đã khỏe hơn. Chúng tôi thấy vui vì công sức đã có kết quả”.

Bà Loan Phương chăm sóc cụ Thắm.

Ông Lê Quý Hùng - Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Mỹ Lợi cho hay, CLB thành lập được 8 tháng, gồm 54 thành viên. CLB vận động 12 thành viên cũng là người cao tuổi nhưng còn sức khỏe, có thời gian đến chăm sóc các cụ cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Hiện nay, trong cộng đồng có nhiều cụ cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt, đau ốm thường xuyên như cụ Thắm nên rất cần được chăm sóc, giúp đỡ…

Dưới cơn mưa nhỏ, chúng tôi cùng các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Ân Nam 1 (xã Diên An, huyện Diên Khánh) đến nhà cụ Bùi Thị Ái (95 tuổi). Cụ có hoàn cảnh rất đặc biệt, bị tai nạn giao thông năm 80 tuổi, không nói được, phải ngồi xe lăn. Các em cụ đã lớn tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã hơn 80 tuổi. Tuy nhà neo người nhưng may có người em dâu (đã 67 tuổi) gần nhà chăm sóc, đỡ đần cụ. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Liên, cũng là tình nguyện viên của CLB. Bà Liên chia sẻ: “Hàng ngày tôi cho cụ ăn, đỡ cụ dậy, đẩy xe lăn cho cụ tắm nắng, rồi vệ sinh, xoay trở cho cụ đỡ mỏi… Nhờ nhà gần nên ban đêm tôi cũng hay lui tới xem chừng…”. Được phân công chăm sóc cụ Ái, bà Lê Thị Hoa (59 tuổi) rất chú tâm vào công việc. Hàng tuần, bà đến thăm cụ, đo huyết áp, nhắc nhở người nhà cho uống thuốc; hướng dẫn cách chăm sóc, ăn uống để tăng sức đề kháng, cách xoay trở, chống loét cho cụ... Vốn là y sĩ nên bà rất am hiểu cách chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Bà tâm sự: "Tôi rất thương các cụ ốm đau bệnh tật, nhất là những cụ neo đơn, không người chăm sóc. Với trách nhiệm của một người làm ngành y, dù đã về hưu nhưng giúp ai được thì mình vẫn giúp. Có chút kiến thức nghề y, tôi sẵn sàng chia sẻ với các thành viên trong CLB".

Tình nguyện viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Phú Ân Nam 1 đến thăm cụ Ái.

Ngày chúng tôi đến thăm cụ Trương Thị Ba (thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm), nhà cụ đông vui hơn vì các con về chăm sóc cụ. Ngoài người con gái ở gần, còn có người con gái ở Nha Trang về thăm mẹ. Cụ ngồi đó, nhìn ra sân, gương mặt tươi tỉnh hơn. “Tôi đã 87 tuổi, bệnh ngày càng nhiều, hết đau khớp đến tim, mạch, huyết áp. Các con hầu hết sống ở xa, có đứa ở gần hàng ngày đem cơm nước tới. Mới đây, đứa ở gần đến ở chung, mẹ con bầu bạn. Các anh chị trong CLB cũng thường xuyên đến chăm sóc, hỏi han khiến tôi rất vui, nhà cửa có phần ấm áp”, cụ Ba nói.

Bà Thơm thăm hỏi cụ Ba.

Từng quen lui tới vận động các gia đình trong thôn, trong xã khi còn là cán bộ phụ nữ, dân số hay y tế thôn, bà Bùi Thị Thơm (61 tuổi) - thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Tân Lập quá quen thuộc với từng căn nhà. Nay đã lớn tuổi, được cấp trên vận động gia nhập hội người cao tuổi, vào CLB, bà lại càng thấm thía từng hoàn cảnh của những cụ cao tuổi. Bà chia sẻ: “Cụ Ba thuộc diện gia đình neo đơn, các con đa số ở xa, thiếu người chăm sóc. Tôi tranh thủ lúc đi chợ hay có dịp chạy ngang đều vô nhà thăm cụ; lúc nào tôi cũng nhớ đem theo máy đo huyết áp cho cụ, rồi hỏi thăm sức khỏe để có hướng chăm sóc…”.

Những tấm gương thiện nguyện

Ông Cao Công Đoàn (75 tuổi) - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cam Phước Tây (Cam Lâm) rất tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Ông đã tích cực vận động từ thiện giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài xã, các học sinh nghèo, những người bị khuyết tật về mắt. Ông bảo, những mảnh đời bất hạnh, thiếu ăn, thiếu mặc khiến ông trăn trở, nhất là với một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Cam Phước Tây, kinh tế còn nhiều khó khăn. Qua thư ngỏ, ông vận động các tấm lòng thiện nguyện ở khắp nơi. Nhờ khéo vận động, Nhóm thiện nguyện “Ngày Chủ nhật yêu thương” đã giúp cho xã mỗi tháng 500kg gạo để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2017 đến nay. Nhiều năm nay, ông vận động nhà tài trợ ủng hộ học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học, mỗi năm được 20 cháu, với số tiền 200.000 đồng/cháu/tháng. Năm 2022, ông kêu gọi xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, ông còn vận động hàng ngàn người đi hiến máu tình nguyện…

Ông Đoàn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lê Quý Hùng đưa chúng tôi xem cuốn sổ Tấm lòng vàng với nét chữ chân phương, nắn nót của một thầy giáo. Trang đầu là lời ngỏ với những dòng xúc động, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm xa, gần trợ giúp cho những cảnh đời bất hạnh. Những trang sau là hình ảnh, thông tin về 6 trường hợp cần giúp đỡ. Đó là bà Đinh Thị Vui, bị tai biến, cần giúp đỡ hàng tháng 10kg gạo, 100.000 đồng; bà Trịnh Thị Ẩn bị tai nạn gãy xương, nằm một chỗ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cần ủng hộ hàng tháng 10kg gạo, 100.000 đồng… Ông Hùng cho biết, từng công tác trong ngành giáo dục, nhờ quen biết nhiều nên ông đã vận động mạnh thường quân giúp đỡ cho những mảnh đời đáng thương…

Ông Lê Quý Hùng tặng quà cho cụ Thắm.

Dù tiền quỹ không nhiều, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Mỹ Lợi vẫn quan tâm giúp đỡ chính hội viên của mình từ những món vay nhỏ nhưng thiết thực. Ông Hùng đưa chúng tôi đến nhà bà Loan Phương - thành viên của CLB. Bà Phương được vay 5 triệu đồng mở quán bún cá, kết hợp bổ sung vốn cho quán tạp hóa. Bà Phương cho hay, nhờ nguồn vốn CLB cho vay mà gia đình có thêm nguồn thu nhập nuôi các con ăn học, mọi người gắn bó với CLB, tham gia sinh hoạt đều đặn.

Bà NGUYỄN THỊ HẠNH - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Không thể kể hết những tấm lòng của người cao tuổi dành cho nhau. Họ đã dành nhiều tình thương để giúp đỡ cho người cao tuổi già yếu, hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tốt hơn. Hiện nay, các CLB này được Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (Tổ chức HAI) tập huấn trên 8 mặt công tác, từ chăm sóc sức khỏe đến làm kinh tế, vận động tài trợ. Tổ chức HAI cũng đã hỗ trợ 135 triệu đồng/CLB để phục vụ hoạt động, giúp người cao tuổi vay vốn làm ăn tăng thu nhập. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 72 CLB, trong đó có 30 CLB được Tổ chức HAI tài trợ.

VĨNH LẠC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/nhung-tam-long-thom-thao-68406a9/