Những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo ở Chợ Đồn

Từng là hộ nghèo, cận nghèo có cuộc sống vô cùng khó khăn, thế nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự cần cù lao động, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã từng bước vượt khó, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều năm là hộ nghèo, cận nghèo vì đất sản xuất ít, không có vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế, gia đình anh Triệu Tài Phẩy ở thôn Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái phải lam lũ làm thuê đủ nghề như phát rừng, đào đất, phụ hồ... để có tiền trang trải cuộc sống. Cơm ăn hai bữa còn chật vật nên căn nhà đang sống xuống cấp trầm trọng, mưa tạt gió lùa, nhưng vợ chồng anh vẫn phải cắn răng chịu đựng sống qua ngày. Ước mơ của anh khi ấy là có thêm đất sản xuất, có vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế và cố gắng tích cóp đủ tiền làm được ngôi nhà kiên cố hơn.

Anh Phẩy chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến hộ nghèo, trong đó có gia đình tôi. Sau khi được hỗ trợ 01 con trâu, như được tiếp thêm động lực, vợ chồng tôi hăng say chí thú làm ăn”.

Năm 2021, anh Phẩy và vợ quyết định đi làm công nhân mỏ tại địa phương. Với tính chịu thương chịu khó, kinh tế gia đình anh dần phát triển đi lên. Năm 2023, nhờ sự hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc với số tiền 40 triệu đồng, anh vay thêm vốn hộ nghèo, mượn thêm tiền họ hàng, cộng với tiền tích cóp để xây căn nhà mới khang trang rộng 50m2. Bên cạnh đó anh cũng mua thêm đất, hiện nay gia đình anh đã mở rộng diện tích đất sản xuất lên hơn 1.000m2. Cuối năm 2023, gia đình anh Triệu Tài Phẩy đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo. Với tinh thần lao động cần cù, hiện tại thu nhập của gia đình anh trừ chi phí vào khoảng 90 - 100 triệu đồng/năm.

Ngôi nhà vừa được hoàn thành của anh Triệu Tài Phẩy, thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái.

Ngôi nhà vừa được hoàn thành của anh Triệu Tài Phẩy, thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái.

Năm 2023, xã Yên Mỹ có 29 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 126% kế hoạch. Là hộ thoát nghèo điển hình của xã, anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng tâm sự: “Từ ngày xây dựng gia đình, tôi đã ra ở riêng. Mặc dù có sức khỏe, chăm chỉ làm ruộng nương, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Năm 2020, gia đình tôi được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua một con trâu. Sau đó, tôi mạnh dạn vay vốn hộ nghèo được 60 triệu đồng để mua thêm 08 con bò, tập trung chăn nuôi trâu, bò sinh sản”.

Vợ chồng anh Nghiệp tiến hành sửa lại chuồng trại và trồng cỏ trên diện tích đất của gia đình. Đàn trâu, bò của gia đình sinh sản phát triển tốt qua mỗi năm. Với tính cần cù lao động, ngoài làm đồng ruộng, trồng rừng, anh tìm hiểu và bắt đầu mô hình nuôi nhím, đồng thời tiếp tục duy trì tiệm làm tóc gần nhà.

Trang trại nuôi nhím của anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng, xã Yên Mỹ.

Trang trại nuôi nhím của anh Nông Văn Nghiệp ở thôn Nà Lẹng, xã Yên Mỹ.

Đến nay anh gia đình anh Nghiệp đã trồng được 3.000m2 cây quế, mỡ và bồ đề, duy trì trang trại nhím với số lượng 55 con nhân đàn, đem lại thu nhập ổn định. Năm 2023 gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Vợ chồng anh tính toán rất cụ thể, tích lũy tiền để hoàn lại vốn vay, phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Trong căn nhà cấp IV rộng 80m2 đang hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn Khau Chủ, xã Đồng Thắng hồ hởi: “Tết năm nay, gia đình tôi xây được nhà mới rộng rãi, kiên cố, khang trang. Nhìn cơ ngơi này có lẽ ít người biết cách đây không lâu, gia đình còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế gia đình từng rất khó khăn do chỉ trông chờ vào ít đất ruộng, nương. Nhà có người mắc bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống vô cùng chật vật”.

Quyết tâm không để “cái nghèo” đeo bám, vợ chồng bà Bắc quyết định trồng cây mỡ trên 1.000m2 diện tích rừng của gia đình. Ngoài ra, hai vợ chồng bà động viên nhau đi làm ruộng thuê, tìm măng, đi phát nương thời vụ, chăn nuôi. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở động viên, khuyến khích, định hướng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Mặc dù kinh tế chưa thực sự đủ đầy, nhưng con đã lớn và đi làm có thêm thu nhập, rừng trồng cũng đem lại hiệu quả nhất định. Năm 2021, thu hoạch từ cây mỡ đem lại cho gia đình bà Bắc 85 triệu đồng. Bà tin rằng với sự chăm chỉ, chủ động vươn lên thì chắc chắn cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Căn nhà đang hoàn thiện những hạng mục phụ trợ của bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn Khau Chủ, xã Đồng Thắng.

Căn nhà đang hoàn thiện những hạng mục phụ trợ của bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn Khau Chủ, xã Đồng Thắng.

Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, cần cù lao động của người dân là yếu tố quan trọng để hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Họ là những tấm gương sáng vùng nông thôn, nỗ lực vượt qua gian khó, phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương./.

Tâm Tình

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nhung-tam-guong-vuot-kho-vuon-len-thoat-ngheo-o-cho-don-post60360.html