Những tác động của dịch Covid-19 đối với phụ nữ và trẻ em

Trong những cuộc khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19, phụ nữ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về kinh tế và xã hội, chăm sóc sức khỏe. Khi hệ thống y tế đang phải gồng mình trong nỗ lực ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh, việc đóng cửa tạm thời các trường học, nhà giữ trẻ… càng tăng thêm gánh nặng trong chăm sóc con của người phụ nữ trong mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, cảnh báo nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng. Đối với rất nhiều phụ nữ và trẻ em, nhà ở có thể là nơi chán nản, không tham gia sinh hoạt cộng đồng bị ức chế về tâm lý. Phụ nữ phải gánh chịu những cú đấm của chồng vì suốt ngày chỉ trú ẩn ở tại ngôi nhà mình sống, xung đột gia đình bắt đầu từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Cách ly, mất việc, không có thu nhập vì dịch bệnh, quanh đi quẩn lại, cả nhà chỉ biết nhìn nhau..., những áp lực vô hình khiến người chồng phát sinh mâu thuẫn, bạo hành vợ.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, phụ nữ đã tăng cường tham gia các hoạt động nhằm đẩy lùi dịch bệnh (ảnh chụp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Gạo tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện). Ảnh: P. MAI

Tình trạng ngược đãi và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trước đại dịch Covid-19 đang ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), có khoảng 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực ngay tại nhà. Trong đó, đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường là người thân quen. Riêng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNFPA và Đại sứ quán Úc cũng cho thấy, sau 9 năm kể từ cuộc điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ.

Theo đó, cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì vẫn có gần 2 người từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ người chồng. Và tình trạng này bị che giấu rất nhiều bởi họ không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào an toàn. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục đều không được sự trợ giúp, hỗ trợ kịp thời.

Trước tình hình khó khăn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia, với sự nhạy cảm, lòng nhân ái và bao dung, phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã nhanh chóng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng, chống và đấu tranh đẩy lùi và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Phụ nữ có các kỹ năng riêng để ứng phó khi hoàn cảnh xung quanh thay đổi bằng cách thực hiện những sáng kiến và các giải pháp thích nghi khác nhau mà họ tích lũy được từ cuộc sống và công việc hằng ngày của mình.

Từ thực trạng nêu trên, điều quan trọng đầu tiên trong công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, cần phải xem đó là trách nhiệm của mỗi gia đình, người đứng đầu hoặc người có uy tín trong dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức nơi công tác hoặc nơi sinh sống của các thành viên gia đình. Cùng với đó, cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội, đặc biệt các hoạt động nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Do tình hình khó khăn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ làm tăng bạo lực, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em hoàn toàn có thể xảy ra, rất cần những hoạt động cụ thể để tăng cường kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em. Mong rằng, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội và mọi người dân trong cộng đồng sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em không chỉ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 mà cả trong những năm tiếp theo.

K. LOAN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202106/nhung-tac-dong-cua-dich-covid-19-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-928023/