Những sự thật về phế cầu khuẩn có thể bạn chưa biết

Tồn tại tiềm ẩn trong cơ thể con người và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nên từ lâu phế cầu khuẩn được xem là 'sát thủ giấu mặt' nguy hiểm.

Phế cầu khuẩn nguy hiểm như thế nào?

Phế cầu khuẩn nguy hiểm như thế nào?

TS.BS Lê Khắc Bảo, Phó Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết, phế cầu khuẩn gây ra các loại bệnh nguy hiểm cho con người gồm: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm phúc mạc, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi… Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là tử vong, nếu may mắn được điều trị kịp thời thì cũng có thể để lại các di chứng nghiêm trọng. Điển hình như bệnh viêm màng não có thể để lại di chứng như não úng thủy, đần độn, chậm phát triển trí tuệ….

Đáng chú ý, vi khuẩn này thường trú trong vùng hầu, họng của mỗi người, gọi là người lành mang trùng. Khi cơ thể mạnh khỏe, phế cầu không vượt qua được hàng rào miễn dịch, nó khu trú trong vùng hầu, họng và nằm im chờ cơ hội. Chỉ cần cơ thể có một vấn đề nào đó thì vi khuẩn này lập tức tấn công vào các bộ phận vô khuẩn như não, máu để bắt đầu gây bệnh.

Vi khuẩn phế cầu được nhà khoa học Louis Pasteur phân lập lần đầu tiên vào năm 1881. Vào năm 1940, hơn 80 loại huyết thanh của phế cầu khuẩn đã được mô tả. Đến nay, phế cầu khuẩn được biết đến là một tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người và tạo nên những gánh nặng bệnh tật đáng lo ngại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu, là nguyên nhân chính gây tử vong ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ di chứng và tử vong do phế cầu khuẩn gây ra từ 10 – 20%. Tỷ lệ này có thể lên đến 50% ở những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già.

Đặc biệt, vi khuẩn phế cầu còn có khả năng kháng lại các thuốc kháng sinh. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, có khoảng 30% người bệnh nhiễm phế cầu khuẩn kháng một hoặc nhiều loại kháng sinh, tỷ lệ này thay đổi theo từng quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc điều trị các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra trở nên khó khăn, kéo dài và tốn chi phí. Nguy hiểm hơn, việc bắt buộc phải điều trị bằng những kháng sinh liều cao gây nên nguy cơ người bệnh hết thuốc chữa khi mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Những ai có thể mắc bệnh phế cầu?

Con đường lây truyền của vi khuẩn phế cầu là thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp như nước bọt hoặc chất nhầy. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh do phế cầu gây ra là trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch suy giảm, người được cấy ốc tai điện tử, rò rỉ dịch não tủy…Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh do phế cầu là bệnh mãn tính, uống rượu bia, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch, người được cấy ốc tai điện tử, rò rỉ dịch não tủy, thiếu hoặc mất chức năng lách, hồng cầu hình liềm tỷ..

Các nghiên cứu cho thấy, yếu tố nguy cơ càng nhiều thì khả năng mắc bệnh do phế cầu càng lớn. Cụ thể, những người trong độ tuổi từ 18-49, khả năng mắc các bệnh phế cầu xâm lấn như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi có nhiễm trùng huyết tăng 2,5 lần nếu có 1 yếu tố nguy cơ, tăng 5,4 lần nếu có 2 yếu tố nguy cơ và nếu có 3 yếu tố nguy cơ thì tăng đến 14,9 lần. Tương tự, ở độ tuổi từ 50 đến 64, khả năng mắc các bệnh do phế cầu tăng 1,9 lần nếu có 1 yếu tố nguy cơ, tăng 3,8 lần nếu có 2 yếu tố nguy cơ và tăng 11,3 lần nếu có 3 yếu tố nguy cơ. Ở độ tuổi trên 65, người có 1 yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc các bệnh phế cầu xâm lấn tăng 1,9, tăng 3,6 lần nếu có 2 yếu tố nguy cơ và tăng 7,6 lần nếu có 3 yếu tố nguy cơ.

Để phòng bệnh do phế cầu khuẩn gây nên, TS.BS Lê Khắc Bảo khuyên mỗi người cần tránh tiếp xúc với người bệnh, thực hiện đeo khẩu trang, che miệng khi ho, rửa tay, giữ môi trường thông thoáng, sạch sẽ.

Sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn ở người mắc bệnh

Hiện nay, vaccine phế cầu không chỉ dành cho trẻ em mà còn được tiêm cho cả người lớn. Với trẻ em từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi cần tiêm 3 mũi cơ bản cách nhau tối thiểu 1 tháng. Mũi nhắc lại tiêm khi trẻ 11-15 tháng tuổi và cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng. Trẻ em từ 24 tháng tuổi và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. "Phòng ngừa bệnh gây ra do phế cầu nên chủ động ưu tiên thực hiện ở người có nguy cơ cao như: trẻ dưới 2 tuổi, người trưởng thành trên 65 tuổi và người có bệnh đồng mắc nội khoa hay suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải", TS. Bảo khuyến cáo.

Hùng Anh – Phú Tiến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-su-that-ve-phe-cau-khuan-co-the-ban-chua-biet-169231208084706944.htm