Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong năm qua

Nhiều biến động trong năm qua đã làm thay đổi cục diện chính trị ở các khu vực cũng như quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội trân trọng giới thiệu với bạn đọc 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2023 do độc giả bình chọn.

Năm 2023 khép lại với nhiều biến động và thách thức to lớn, đem đến nhiều hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực ở tầm toàn cầu. Ảnh: Reuters

1. Kinh tế thế giới vượt qua vòng xoáy suy thoái mới

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức. Từ xung đột Nga - Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza… đã khiến kinh tế toàn cầu trong năm 2023 luôn ở tình trạng mong manh, dễ bị tổn thương trước những rủi ro kinh tế hay địa chính trị.

Tuy nhiên, vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của kinh tế thế giới 2023. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn và tăng trưởng của khu vực năm nay dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so mức dự báo 4,7% hồi tháng 9), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Về tổng thể, kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và thách thức. Dù vậy, kinh tế toàn cầu đã tránh được một vòng xoáy suy thoái mới. Cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi xuống và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt… Đó là cơ sở để tin tưởng và hy vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024.

2. Cuộc đua lên mặt trăng ngày càng nóng

Cuộc đổ bộ thành công của Ấn Độ lên Mặt trăng cho thấy sự quan tâm của các nước đến việc khám phá Mặt trăng ngày càng lớn, được thúc đẩy bởi cả niềm tự hào dân tộc và các cân nhắc chiến lược. Hôm 23/8, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống phần cực nam của Mặt trăng với sứ mệnh Chandrayaan-3, đạt được kỳ tích lịch sử sau khi Nga xác nhận sứ mệnh thăm dò của tàu vũ trụ Luna-25 thất bại.

Hơn nửa thế kỷ sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, một cuộc đua mới tới vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất đang diễn ra. Hiện nay, NASA đang chi khoảng 93 tỉ USD cho chương trình Artemis đến năm 2025. Các Cty trên khắp thế giới cũng đang đổ xô vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, các Cty Mỹ như Intuitive Machines và Astrobotic đang cạnh tranh để vận hành các chuyến đổ bộ thương mại lên Mặt trăng đầu tiên trong năm nay sau khi cuộc đổ bộ của Cty ispace (Nhật Bản) thất bại hồi tháng 4.

3. Ấn Độ trở thành nước đông dân nhất thế giới

MarketWatch phân tích số liệu của Liên Hợp quốc cho thấy Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1.425.782.975 người tính đến ngày 14/4, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc sẽ giảm xuống 1.425.748.032 người. Trung Quốc giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950 khi Liên Hợp quốc bắt đầu công bố dữ liệu dân số. Mặc dù nhân khẩu học không phải là yếu tố quyết định nhưng vừa được coi là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia. Các quốc gia có dân số trẻ hơn, ngày càng tăng có xu hướng có lực lượng lao động năng động hơn, tiêu dùng nhiều hơn và kết quả là có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm 100 triệu người vào giữa thế kỷ này, hoặc nhiều hơn dân số của tất cả trừ 15 quốc gia trên thế giới hiện nay. Trong cùng khoảng thời gian đó, độ tuổi trung bình của Trung Quốc sẽ tăng từ 39 tuổi lên 51 tuổi. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt gần 1,7 tỷ người vào giữa thế kỷ này với độ tuổi trung bình là 39.

4. A.I là từ khóa của năm 2023

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, cả thế giới lên cơn sốt với ChatGPT do Cty nghiên cứu AI là OpenAI phát hành vào tháng 11/2022. ChatGPT là một chatbot (máy hội thoại) có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp một cách trực tiếp.

Công nghệ này có thể viết bài luận, lập trình và soạn thảo cả các đề xuất kinh doanh. Theo đó, chỉ trong vài giây sau khi nhập từ khóa, ChatGPT sẽ cung cấp cho người dùng cả văn bản, hình ảnh, âm thanh và các phương tiện giải trí khác với chất lượng nội dung khá hoàn hảo. Với những tiện ích mà nó mang lại, ChatGPT đã mở màn cho một trào lưu mới bùng nổ trong năm 2023 và hấp dẫn hàng tỷ USD đầu tư, bất chấp đà suy thoái của kinh tế thế giới.

Chỉ vài tuần sau khi ra mắt, “siêu AI” này đã đạt hơn 10 triệu người dùng và đang tăng trưởng nhanh chóng. Thành công này giúp OpenAI đàm phán để hoàn tất một thỏa thuận đầu tư có giá trị 30 tỷ USD, cao gấp đôi mức định giá trong năm 2021. Sau khi đầu tư 1 tỷ USD vào ChatGPT năm 2019, mới đây, Microsoft lên kế hoạch đầu tư thêm 10 tỷ USD để đổi lấy 49% cổ phần trong OpenAI. “Ông lớn” này thậm chí lên phương án tích hợp ChatGPT vào Word, Powerpoint, Outlook và công cụ tìm kiếm Bing để cạnh tranh thị phần với Google Search.

5. Thiên tai thảm khốc tại nhiều nước trên thế giới

Rạng sáng 6/2, một trận động đất 7,8 độ richter đã tấn công và san phẳng toàn bộ TP ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria, khiến ít nhất 56.000 người thiệt mạng và gần 6.000 người khác bị thương. Sự rung lắc của trận động đất lớn nhất khu vực kể từ năm 1939 được cảm nhận tận các nước Ai Cập, Lebanon và quần đảo Cyprus. Ý cũng cảnh báo sóng thần ngắn hạn dọc bờ biển nước này. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng gửi lời chia buồn và tính phương án hỗ trợ những nước gặp thiệt hại do động đất. Trong đó, phía Azerbaijan sẽ gửi một đội tìm kiếm cứu nạn gồm 370 nhân viên và hàng viện trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ "trong thời gian ngắn". Lời chia buồn và cam kết hỗ trợ cũng đến từ Đức, Hà Lan, Mỹ, Israel, Ấn Độ, Pakistan, Ukraine

7 tháng sau, thế giới tiếp tục bàng hoàng trước thông tin một trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử tấn công Maroc ngày 8/9 khiến gần 3.000 thiệt mạng.

6 - Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung

Quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất vào tháng 2, khi Mỹ bắn hạ một khí cầu của Trung Quốc ở ngoài khơi bang Nam Carolina. Bắc Kinh ngay sau đó đã chỉ trích động thái của Washington, khẳng định đây chỉ là một khí cầu thời tiết, và việc xuất hiện trong lãnh thổ Mỹ là ngoài ý muốn. Sự cố này buộc Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Trung Quốc, đồng thời "đóng băng" mọi cuộc đối thoại, liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong thời gian sau đó, những bất đồng liên tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục xảy ra. Từ những vụ va chạm giữa quân đội hai nước ở các vùng biển chiến lược, quan điểm về tình hình Nga-Ukraine, bất đồng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc)... khiến cho quan hệ song phương dường như chạm đáy.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện nỗ lực nhằm xích lại gần nhau vào những tháng cuối năm 2023. Washington đã cử 4 quan chức cấp cao tới Bắc Kinh, trong khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tới thăm Mỹ. Chiến dịch ngoại giao tích cực giữa hai nước đã dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 15/11. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự song phương, hợp tác ngăn chặn vận chuyển fentanyl và chống biến đổi khí hậu.

7 - Chiến sự ở Gaza

Tháng 9/2023, tình hình Trung Đông đón nhận luồng thông tin tích cực sau khi các bên thông qua hiệp ước Abraham – một nền tảng thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Bên cạnh đó, một lệnh ngừng bắn ở Yemen cũng được duy trì. Những xu hướng này đã củng cố nhận định về một khu vực Trung Đông yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ trước.

Tuy nhiên, cục diện đã đảo chiều vào ngày 7/10, khi phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza tấn công Israel và gây ra ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel. Với quyết tâm xóa sổ Hamas, Israel tiến hành các cuộc không kích mạnh mẽ nhằm vào Gaza. Sau tiến trình đàm phán khó khăn, một thỏa thuận ngừng bắn đã được đưa ra vào tháng 11/2023, tạo tiền đề để hàng trăm con tin được trao trả tự do. Sau vài ngày tạm lắng, giao tranh nhanh chóng nối lại khi quân đội Israel đẩy mạnh chiến dịch tấn công trên bộ tiến vào miền Nam Gaza.

Xung đột kéo dài đã khiến Gaza phản hứng chịu thảm họa nhân đạo tàn khốc, với hàng chục nghìn người thương vong và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hàng loạt cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Khép lại năm 2023, người dân Gaza bước sang năm mới đầy bất trắc. Cuộc khủng hoảng Gaza đang có nguy cơ lan rộng ở phạm vi khu vực và tương lai xung đột vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

8 – Dai dẳng chiến sự Nga – Ukraine

Ukraine từng kỳ vọng sẽ kết thúc chiến sự trong năm 2023 bằng chiến dịch phản công quy mô lớn, nhưng điều này đã không xảy ra, khi họ không thể xuyên thủng phòng tuyến được Nga củng cố trong nhiều tháng. Sau khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine không đạt được kỳ vọng như mong đợi, Kiev vẫn đang tính toán về chiến lược trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột và quyết tâm chiến đấu để giành lại lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.

Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai, hàng nghìn dân thường Ukraine đã thiệt mạng, nhiều TP và làng mạc bị phá hủy, gần 1/4 dân số nước này vẫn chưa thể trở về nhà. Nga được cho là cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ về nhân mạng và đã chi hàng chục tỷ USD cho trang thiết bị quốc phòng phục vụ cuộc chiến. Bất chấp những tổn thất lớn, Nga chưa có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến dịch tại Ukraine. Tổng thống Nga Putin tuyên bố hòa bình ở Ukraine chỉ đến khi Nga đạt được mục tiêu của mình là "phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine", điều Kiev kiên quyết bác bỏ.

Việc các bên không thể tìm được tiếng nói chung đã khiến sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, là một ví dụ hiếm hoi về các cuộc đàm phán hiệu quả giữa Nga và Ukraine đã bị đổ vỡ vào tháng 7/2023. Diễn biến này không chỉ gây ra những tác động nặng nề đối với nguồn cung lương thực và nỗ lực ngăn chặn nạn đói ở nhiều nơi mà còn cho thấy những căng thẳng trong quan hệ Nga – Ukraine sẽ còn tiếp diễn dai dẳng trong năm 2024.

9 – Hàng loạt vụ đảo chính ở châu Phi

Tại châu Phi vào giữa năm 2023 đã nổ ra hàng loạt vụ đảo chính ở nhiều quốc gia như Niger, Gabon…gây bất ổn chính trị ở khu vực Trung và Tây Phi. Quân đội những quốc gia này sau đó đã thành lập các chính quyền quân sự, và tạo sức ép nhằm buộc một số nước phương Tây chấm dứt sự hiện diện quân sự ở nước họ. Tại Niger, chính quyền quân sự nước này từng ra lệnh đóng cửa không phận nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối tháng 9/2023 tuyên bố nước này chấm dứt sự hợp tác trong vấn đề chống khủng bố với chính quyền hiện tại của Niger, và cho rút binh sĩ khỏi quốc gia này. Việc rút quân của Pháp có sự hợp tác từ quân đội Niger để đảm bảo quá trình diễn ra trật tự, suôn sẻ. Vào ngày 23/12, 50 binh sĩ cuối cùng của Pháp đã rời khỏi Niger, chính thức đánh dấu sự kết thúc hợp tác quân sự giữa Niamey và Paris.

10 – Sự cố liên quan tới tàu lặn Titan

Ngày 18/6/2023, tàu lặn Titan do Cty du lịch và thám hiểm OceanGate của Mỹ vận hành đã phát nổ trong chuyến thám hiểm kéo dài 10h xem xác tàu Titanic ở đáy Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Newfoundland, Canada. Tất cả mọi người có mặt trên tàu lặn, gồm Stockton Rush - CEO người Mỹ của OceanGate, Paul-Henri Nargeolet - nhà thám hiểm biển sâu người Pháp kiêm chuyên gia về Titanic, Harmish Harding - doanh nhân Anh và Shahzada Dawood - doanh nhân người Ấn Độ và con trai ông là Suleman đã thiệt mạng.

Khoảng 1h45 sau khi lặn, tàu mẹ Polar Prince mất liên lạc với tàu Titan, sau đó tàu lặn Titan không nổi lên mặt nước như dự kiến. Bốn ngày sau khi mất tích, các mảnh vỡ của tàu Titan được tìm thấy nằm cách mũi tàu Titanic khoảng 500m. Thiết bị sonar của hải quân Mỹ cũng phát hiện được âm thanh phù hợp với một vụ nổ vào thời gian tàu lặn mất liên lạc với tàu mẹ.

Các chuyên gia cho biết, vụ nổ trên tàu lặn diễn ra nhanh tới mức không có người nào trên tàu kịp nhận biết thảm họa sắp xảy ra. Ở độ sâu gần 4.000m dưới mực nước biển của xác tàu Titanic, áp suất nước cao gấp hàng trăm lần áp suất ở trên bề mặt vì thế thân tàu Titan làm bằng sợi carbon nổ tung vào bên trong với tốc độ 2.414 km/h. Con tàu bị nổ trong một phần nghìn giây và mọi thứ tan tành trước khi những người trên tàu nhận biết được vấn đề. Sau thảm kịch trên, Cty OceanGate đã dừng mọi hoạt động thám hiểm và thương mại.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-nam-qua-369094.html