Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 8/1 - 13/1

Số lượng tàu container đi qua Biển Đỏ đã giảm 90% so với cùng kỳ năm trước trong tuần đầu tiên của tháng 1; xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển trong tuần đầu tiên của năm 2024 phù hợp với mức mà Moscow đã cam kết... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.

1. Số lượng tàu container đi qua Biển Đỏ tới Kênh đào Suez đã giảm 90% so với cùng kỳ năm trước trong tuần đầu tiên của tháng 1, khi các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi ở Yemen tiếp tục làm gián đoạn một trong những tuyến thương mại bận rộn nhất thế giới.

Số liệu mới từ tổ chức theo dõi ngành Clarksons Research cho thấy sự sụt giảm giao thông tại khu vực Vịnh Aden, nơi được sử dụng làm điểm vào cho các tàu container di chuyển giữa Kênh đào Suez.

2. Theo Bộ trưởng Năng lượng của nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Ả Rập Xê-út hiện đang tập trung vào tất cả các loại năng lượng và đang xem xét vấn đề biến đổi khí hậu cũng như các nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu một cách nghiêm túc.

Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman nói rằng, việc khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Ả Rập Xê-út vẫn tiếp tục, nhưng Vương quốc này sẽ nỗ lực giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

3. Ấn Độ đang tạm dừng kế hoạch chi tới 600 triệu USD, tương đương 50 tỷ rupee Ấn Độ, để tăng cường dự trữ dầu thô chiến lược trong bối cảnh giá cả biến động khi chính phủ tìm cách giảm thâm hụt tài chính của đất nước, các nguồn tin am hiểu vấn đề này nói với Bloomberg.

Ấn Độ cũng đã tránh mua dự trữ xăng dầu chiến lược trong bối cảnh triển vọng giá dầu giảm trong những tháng đầu năm 2024. Do đó, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cho các công ty dầu mỏ và nhà máy lọc dầu thuê kho chứa còn trống, các nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết.

4. Chỉ vài ngày sau khi các cuộc biểu tình làm đóng cửa mỏ dầu lớn nhất nước, Sharara, các cuộc biểu tình mới chống tham nhũng và phân phối của cải dầu mỏ lại nổ ra ở Libya, đe dọa đóng cửa hai cơ sở dầu khí trong vòng 72 giờ.

Hai cơ sở tại nhà máy lọc dầu Zawiya, phía tây Tripoli, bơm khí đốt từ khu phức hợp Mellitah, thuộc sở hữu của tập đoàn Eni của Ý và Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC), và việc dừng hoạt động ở đây sẽ làm gián đoạn dòng khí đốt qua đường ống Libya - Italy Greenstream.

5. Dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg giám sát cho thấy, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển trong tuần đầu tiên của năm 2024 phù hợp với mức mà Moscow đã cam kết duy trì như một phần của thỏa thuận OPEC+.

Các chuyến hàng dầu thô của Nga từ ngày 1/1 đến ngày 7/1 đạt trung bình 3,28 triệu thùng/ngày - thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với xuất khẩu được quan sát bằng đường biển trong tháng 5 và tháng 6, được sử dụng làm mức tham chiếu cho việc Nga hứa giảm 300.000 thùng dầu thô/ngày, theo dữ liệu được báo cáo bởi Julian Lee của Bloomberg.

6. Chính phủ Hà Lan đã quyết định tạm thời khai thác một lượng khí đốt tự nhiên tối thiểu từ hai địa điểm tại mỏ khí đốt Groningen đã đóng cửa vào năm ngoái, do băng giá đang lan sang Tây Bắc Âu, thúc đẩy nhu cầu về điện và sưởi ấm.

Chính phủ Hà Lan cho biết vào mùa hè năm ngoái rằng các mỏ khí đốt Groningen sẽ ngừng hoạt động vào ngày 1 tháng 10 năm 2023 và đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 10 năm sau. Các mỏ này dự kiến sẽ vẫn ở trạng thái hoạt động thêm một năm nữa đề phòng trường hợp đất nước này gặp khó khăn về năng lượng do mùa đông đặc biệt lạnh giá vào năm 2023/2024.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-81-131-703794.html