Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong ngày tết

Tết Nguyên đán là tết đầu tiên trong năm. Trải qua nhiều đời sửa đổi, người xưa đã chọn tháng Dần làm Tết Nguyên đán. Theo nhà văn hóa Toan Ánh, chọn tháng Dần là phải, vì mùa đông lạnh lẽo vừa qua, mùa xuân ấm áp vừa tới, vạn vật như dậy lên sức sống mới xanh tươi, nên ai cũng vui, gặp nhau là chúc mừng 'vạn sự như ý'!

Một góc sân chơi bài chòi

Một góc sân chơi bài chòi

Thời khắc năm cũ chuyển qua, năm mới tiếp nối gọi là giao thừa với lễ trừ tịch. Đây là giây phút cuối cùng trong tháng Chạp, giữa giờ Hợi của cuối năm cũ và giờ Tý của đầu năm mới. Người Việt, theo cổ lệ thì làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là tự sửa mình, gột bỏ hết cái xấu, cái dở của năm cũ để đón lấy cái mới mẻ, tốt đẹp cho năm mới vừa đến.

Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, người xưa tin rằng, mỗi năm có một ông thần hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần cũ bàn giao công việc cho thần mới, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ đi và rước ông mới về. Lễ trừ tịch bao hàm ý nghĩa trọng đại, từ tư gia đến các đình chùa, chuông trống ngân vang. Mỗi nhà, mỗi đình, miếu sắm một mâm cúng mặn. Xưa thì cúng ở đình, ông tiên chỉ hay ông thủ từ đứng làm chủ lễ. Lại có nơi cúng giao thừa ở thôn xóm. Thôn xóm thì lễ này cúng tại các văn chỉ hoặc điếm canh đầu làng, do người có uy tín, được dân sở tại cử ra phụ trách. Lễ vật gồm cái đầu heo hoặc con gà luộc, bánh chưng, kẹo, mứt, trầu cau, hoa quả, chén rượu và chén trà. Đôi khi còn phải có áo mão (hàng mã) cho vị hành khiển nữa. Với tư gia thì bàn thờ cúng giao thừa đặt ở giữa sân. Người cúng thắp nhang khấn vái, cầu xin đủ điều và thật trang nghiêm, thành kính.

Ngày nay, thời kỹ thuật số, nhiều người đón giao thừa chỉ xem bắn pháo bông và nghe nguyên thủ quốc gia đọc lời chúc tết mà quên cúng hoặc cúng giao thừa qua loa. Tuy nhiên, ở một số nơi khác còn giữ cổ lệ: Sắm mâm cỗ cúng giao thừa đầy đủ để trước là “tống cựu nghinh tân” và rước vong linh ông bà về chung hưởng ba bữa tết với gia đình, sau là bữa cơm đầu năm cả nhà sum họp, vui vẻ, đầm ấm. Ở Long An, cúng rước ông bà thường vào chiều ngày cuối năm Âm lịch.

Nhìn chung, ở Nam bộ ít có những sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo phong tục, tập quán trong văn hóa dân gian. Tuy nhiên,các dân tộc miền núi mỗi nơi đều có những sinh hoạt cộng đồng mang bản sắc văn hóa riêng, như trò chơi ném còn của dân tộc Thái và các điệu hát múa khèn, lăm vông,... quy tụ số đông người vào cuộc chơi. Hay ca kịch bài chòi ở tỉnh Bình Định từng phục vụ chiến đấu trong chống Pháp, chống Mỹ và trong lao động, sản xuất, các cuộc vui chơi hội hè, đình đám, lễ, tết,... đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trò chơi bài chòi thường diễn ra suốt tết tới ra Giêng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ trước tết, người ta cất chòi trên đất trống hay sân đình, sân trụ sở xã,..., gồm 8 chòi cho người chơi đối diện nhau và 1 chòi trung tâm cho ban điều hành. Những người chơi bài đều ngồi trên chòi. Có chòi nam nữ cùng ngồi chơi chung mà thành bạn đời. Sân khấu dành cho ban nhạc và anh hiệu. Anh hiệu là nam, cũng có khi là nữ. Bài là bài tam cúc, mỗi bộ 27 cặp, mỗi lá bài mang một tên: Nhất nọc, Nhì nghèo, Tam quăn, Tứ tượng, Ba gà, Thất vung, Bát bồng,...

Mỗi bộ chia làm 2 phần như nhau. Tất cả thẻ tre đều dán giấy ghi tên con bài, chia làm 2 phần: Phần chân đỏ và phần chân xanh bằng nhau. Anh hiệu chia bài cho 8 chòi, mỗi chòi 3 thẻ. Số thẻ còn lại cắm vào một ống tre to đặt giữa sân khấu. Người chơi bài vào đặt tiền ở anh hiệu (10.000-20.000 đồng/ván) và nhận 3 thẻ bài rồi lên chòi ngồi chờ. Khán giả đứng, ngồi dưới chân chòi. Dàn diễn viên mặc cổ trang như hát bội. Anh hiệu phải là một nghệ sĩ đa năng, hô bài chòi giỏi, “xuất khẩu thành thơ” và thuộc nhiều thơ để “tùy cơ ứng biến”. Lời hô bài chòi của anh hiệu thường có nội hàm phê phán cái xấu, cái ác, ca ngợi cái tốt, cái thiện lành.

Trong chống Pháp, chống Mỹ, anh hiệu bài chòi đóng vai trò tuyên huấn, cổ vũ phong trào. Tùy con bài mà anh hiệu hô, ví dụ con Tứ cẳng thì hô: Một hai bậu nói rằng không/ Dấu chân (mà) ai đứng bờ sông hai người - cẳng uơ... là Tứ cẳng. Thế là ai có con bài Tứ cẳng thì gõ thẻ vào chòi để hiệu cầm con bài đó tới đưa. Mỗi ván, người chơi được bốc lấy 3 thẻ. Hiệu giữ ống thẻ cái. Trước mỗi lần rút thẻ, hiệu lắc ống nhiều lần, kiểu như xóc bài rồi rút bất kỳ 1 thẻ đưa lên vừa hô, vừa trình thẻ đó cho mọi người thấy. Người chơi nào trúng đủ 3 thẻ là tới. Hiệu chạy đến lấy bài trúng rồi hô: 8 chòi lẳng lặng mà nghe, hiệu hô bài tới, ăn 1 con (ví dụ) Tứ cẳng, 1 con Nhất trò, tới Bát bồng rõ ràng. Sau khi hiệu trình đủ 3 con bài trúng cho mọi người thấy, hiệu sẽ chạy đến sân khấu bê khay tiền có lá cờ đuôi nheo đánh số thứ tự ván bài, vừa chạy, vừa hô: Hai tay lãnh lấy khay tiền, hiệu cấp tốc giựt cờ đệ... (tùy theo thứ tự ván bài nhất, nhì, ba, tư,... mà hô). Trong suốt cuộc chơi, dàn nhạc trên sân khấu luôn nổi lên tạo không khí tưng bừng, rộn rã.

Đánh bài chòi không mang tính cờ bạc, vì người chơi bài bỏ ra số tiền rất nhỏ, vui là chính. Thiết nghĩ, các nơi khác cũng nên nghiên cứu, đưa trò chơi văn hóa dân gian này vào Tết Cổ truyền, để bớt đi những cuộc ăn chơi mang tính tiêu cực.../.

Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-sinh-hoat-van-hoa-cong-dong-trong-ngay-tet-a171003.html