Những phóng viên có duyên với giải: Nghề báo cần cả đam mê và trách nhiệm

Ở tỉnh vùng cao Lào Cai có những phóng viên rất 'bén duyên' với giải, trong họ không chỉ có nhiệt huyết, đam mê mà còn cả tinh thần trách nhiệm với nghề để tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng nhất.

Khơi lên Khát vọng Tả Phìn, Người dẫn lối, Hành trình của Mẩy…, những đề tài gắn với các nhân vật mang dấu ấn vô cùng đặc biệt của vùng cao đã giúp nhà báo Lê Liên - Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai 4 năm liên tiếp giành Giải Báo chí Búa liềm Vàng toàn quốc, trong đó đỉnh cao là giải A năm 2021.

Theo nhà báo Lê Liên, một bài báo thuyết phục phải có được những chi tiết đắt mà tác giả cần tinh tế để bắt dính chúng. Chính những chi tiết đó đôi khi lại là chìa khóa mở ra những cánh cửa phía sau. Chi tiết có thể được phát hiện trong các hội nghị, qua những bản báo cáo, thậm chí ngay cả trong các sản phẩm của đồng nghiệp, có điều sau phát hiện ban đầu buộc phải dấn thân mới đi được vào chiều sâu của đề tài và nhân vật.

"Nếu mình không để ý vào những chi tiết và chỉ nghe như vậy rồi bảo người ta tốt nhưng không phải. Thực ra là những con người ấy bao giờ cũng có cả một quá trình phấn đấu, cống hiến. Mình cứ chịu khó mình tìm hiểu thì mới thấy được những cái những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, lúc ấy mình mới khám phá ra, chứ bỗng dưng chỉ đến, chỉ nghe, chỉ biết như vậy xong quay về thì chắc chắn không có được những nhân vật như thế", nhà báo Lê Liên cho biết.

Nhà báo Lê Liên từng 4 lần nhận Giải báo chí búa liềm vàng toàn quốc

Nhà báo Lê Liên từng 4 lần nhận Giải báo chí búa liềm vàng toàn quốc

Còn với phóng viên Phùng Duyên của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, phát huy lợi thế của bản thân và hiểu luật chơi cũng mang lại ưu thế cạnh tranh khi tham gia các giải báo chí.

Phùng Duyên chia sẻ, tác nghiệp ở đơn vị tuyên truyền tại cơ sở theo quy định không được tính là hoạt động báo chí. Mặc dù vẫn gọi là phóng viên nhưng anh chị em ở cơ sở không ai là Hội viên Hội nhà báo, cũng không được cấp thẻ nhà báo, ít có cơ hội được bồi dưỡng, cọ xát nghề nghiệp, dẫn đến việc tham gia các giải gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần muốn dự thi phải gửi tác phẩm cộng tác ở các cơ quan như Đài, báo tỉnh để được công nhận sản phẩm.

Tuy vậy, năm nào phóng viên Phùng Duyên cũng có 3 – 4 tác phẩm đoạt giải báo chí địa phương; từng đoạt giải B và C Giải báo chí quốc gia về phòng chống thiên tai; mới đây nhất là giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Chị Duyên cho rằng, bản thân “may mắn” có giải vì được gần với cơ sở nhất.

"Anh em ở cơ sở cũng có những hạn chế nhất định. Từ những hạn chế ấy mình phải chọn đề tài nào gần gũi với cuộc sống hàng ngày, mình cảm nhận được thì sẽ thể hiện được tốt hơn. Đề tài thì vô vàn lắm, quan trọng là mình chọn cái gì và mình nuôi dưỡng nó. Khi nuôi dưỡng rồi, trong quá trình đi cơ sở sẽ phát hiện ra những nhân vật để theo đuổi, như vậy tác phẩm sẽ chất lượng hơn", nhà báo Phùng Duyên nói.

Phóng viên Phùng Duyên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Văn Bàn

Phóng viên Phùng Duyên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Văn Bàn

Vừa trở về sau chuyến xuống thủ đô nhận giải C Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất (còn gọi là Giải Diên Hồng), nhà báo Trần Tuấn Ngọc của Báo Lào Cai đùa vui rằng, bao giờ mùa đầu tiên đi thi khả năng may mắn gặt giải cũng cao hơn.

Với thế mạnh về phóng sự, bút kí, những loạt bài như Cởi trói cho phụ nữ Hà Nhì; Những đại sứ của lòng dân nơi vùng cao biên ải; Người thầy mang bếp lửa đến vùng cao… vừa hiện thực, vừa giàu chất văn chương đã giúp Tuấn Ngọc từ một giáo viên tay ngang sang làm báo có không dưới 10 lần về trung ương lĩnh giải của nhiều bộ, ngành.

Anh Ngọc chia sẻ, mỗi mảnh đất, câu chuyện, nhân vật mà nghề báo dẫn tới đều gắn với những trải nghiệm thú vị. Nhưng muốn gắn bó lâu dài với nghề và ra đời nhiều sản phẩm chất lượng không thể làm theo cảm hứng mà phải có quá trình rèn luyện nghiêm túc để vượt qua những lúc khó khăn.

"Có những lúc rất hăng hái, cũng có những lúc cảm thấy trùng xuống, mệt mỏi. Nhưng chính sau những giai đoạn trùng xuống như vậy, quan trọng là mình lại tiếp tục hành trình của đam mê. Cứ đi nhiều, gặp nhiều, trò chuyện nhiều, viết nhiều, đọc nhiều. Đọc những tác phẩm của đồng nghiệp, những tác phẩm mình tâm huyết thì ngọn lửa trong mình lại cháy lên", anh Ngọc chia sẻ.

Nhà báo Tuấn Ngọc cho rằng, nghề báo cần nêu cao trách nhiệm xã hội

Nhà báo Tuấn Ngọc cho rằng, nghề báo cần nêu cao trách nhiệm xã hội

Nhà báo Trần Tuấn Ngọc cũng cho rằng, tham gia các giải báo chí giúp bản thân có cơ hội cọ xát, khẳng định nghề nghiệp, qua mỗi mùa lại thêm nhiều kinh nghiệm và mục tiêu mới để chinh phục. Quan trọng hơn cả là những nhân vật, vấn đề được đề cập đến sẽ thay đổi ra sao qua tác động của các tác phẩm báo chí, đó cũng chính là “trách nhiệm xã hội của người cầm bút”./.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-phong-vien-co-duyen-voi-giai-nghe-bao-can-ca-dam-me-va-trach-nhiem-post1027015.vov