Những nỗi đau thầm lặng

'Giải phóng rồi nhưng chất độc để lại hậu quả rất đau đớn, rất khổ' - bà Bùi Thị Hợi có chồng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp nghẹn ngào chia sẻ. Cũng chỉ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người chăm nuôi nạn nhân da cam mới có thể hiểu thấu nỗi đau không thể diễn tả bằng lời của chính bản thân, của gia đình mình… Hơn ai hết, các nạn nhân chất độc da cam cần được chia sẻ, xoa dịu nỗi đau từ cả cộng đồng như một điểm tựa vững chắc để vươn lên.

Thảm họa da cam - nỗi đau chưa hồi kết

Trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Văn Thơi (SN 1937) ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp luôn cho đó là điều may mắn so với các đồng đội đã ngã xuống nơi rừng thiêng, nước độc. Thế nhưng, ông không hề biết trong người đã nhiễm phải một loại chất cực độc mang tên dioxin. Mãi đến khi 3 đứa con lần lượt ra đời, người tinh thần không ổn định, người gù lưng, thiếu thận, thậm chí đứa cháu nội cũng bị ảnh hưởng, bản thân liên tục đau ốm thì ông mới phát hiện mình là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

Lãnh đạo Tỉnh hội và Huyện hội Bù Đốp tặng quà động viên tinh thần nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Hòa

Lãnh đạo Tỉnh hội và Huyện hội Bù Đốp tặng quà động viên tinh thần nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Hòa

Là nạn nhân mất sức trên 81%, từ năm 2017 đến nay, ông Thơi chỉ nằm một chỗ, tinh thần bấn loạn khi khóc, khi cười, không còn giây phút tỉnh táo. Mọi việc vệ sinh cá nhân, ăn uống đều phải cậy nhờ vào người vợ đã 75 tuổi. Bà Bùi Thị Hợi, vợ ông Thơi, đau đớn: Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả để lại thật khủng khiếp! Không chỉ chồng tôi giờ nằm một chỗ mà các con trai tôi, 2 đứa cháu nội cũng bị ảnh hưởng.

Thời thanh niên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường tòng quân, rồi không may bị nhiễm chất độc da cam của đế quốc Mỹ rải. Chất độc hóa học đã để lại hậu quả nặng nề cho con, cho cháu. Tôi rất đau lòng!

Ông Lê Văn Ân , nạn nhân chất độc da cam, xã Long Hà, huyện Phú Riềng

Cũng chính sự khắc nghiệt trong chiến tranh khiến những giọt máu truyền thế hệ của ông Võ Chính ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp thành hình không lành lặn. Trong 6 người con còn sống thì anh Võ Thanh Quý bị ảnh hưởng nặng nhất. Năm nay 35 tuổi nhưng anh Quý vẫn ngô nghê như một đứa trẻ. Chỉ nghe và không nói được, tay chân bị khoèo nên mọi sinh hoạt đến vệ sinh cá nhân anh đều phải trông cậy vào mẹ. Hơn 30 năm nay, bà Trần Thị Thiệp, vợ ông Chính, phải nghỉ việc ở nhà, lặng lẽ giấu nước mắt vào trong, ân cần chăm sóc, trông nom người con bị chất độc da cam. Bà Thiệp ngậm ngùi: Con bị ảnh hưởng não nên không biết gì hết, có những lúc còn lên cơn thần kinh nên tôi luôn phải bên cạnh. Cực khổ vậy nhưng là giọt máu của mình bị khiếm khuyết nên càng thương hơn. Tôi chỉ lo khi chúng tôi già yếu không còn sức khỏe thì ai sẽ chăm sóc con?

Trong 10 năm từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống 80 triệu lít chất độc hóa học, phần lớn là chất độc da cam/dioxin. Đối với tỉnh Bình Phước, từ năm 1961 cũng là thời điểm đế quốc Mỹ rải chất độc từ thị xã Thủ Dầu Một lên Hớn Quản, sau đó ra khắp các tỉnh miền Nam. Hậu quả, hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hàng trăm ngàn người tham gia kháng chiến và con cháu của họ đã được xác nhận là nạn nhân chất độc da cam. Ở Bình Phước, chúng tôi khảo sát có trên 4.000 người bị ảnh hưởng, hiện có 1.098 nạn nhân đang được hưởng chế độ.

Ông Bùi Văn Thành,
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh

Xoa dịu nỗi đau da cam

Không thể kể hết nỗi bất hạnh và bi kịch của 814 gia đình với 1.098 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Nhiều gia đình có 1 nạn nhân nhưng cũng không ít gia đình từ 2 nạn nhân da cam trở lên, thậm chí một hộ có 5 nạn nhân.

35 tuổi, anh Võ Thanh Quý vẫn ngô nghê như đứa trẻ

35 tuổi, anh Võ Thanh Quý vẫn ngô nghê như đứa trẻ

Hiểu những nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân chất độc da cam, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo giúp đỡ nạn nhân da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan nắm chắc số lượng hội viên, nạn nhân khó khăn già yếu, mất sức lao động trên 81% để giúp đỡ, chăm sóc, động viên. Từ năm 2016 đến nay, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã vận động hơn 25.200 phần quà, trị giá trên 10 tỷ đồng; xây dựng 43 căn nhà tình nghĩa trị giá trên 2,2 tỷ đồng; khoan 14 giếng nước; hỗ trợ vay vốn sản xuất 19 trường hợp với tổng trị giá 365 triệu đồng và cấp 34 xe lăn, dụng cụ y tế... hỗ trợ gia đình và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trên địa bàn huyện có 60 nạn nhân chất độc da cam, trong đó 15 nạn nhân da cam mất sức trên 81%. Để chia sẻ và xoa dịu nỗi đau của nạn nhân da cam, chúng tôi thường xuyên đến từng gia đình tìm hiểu về từng hoàn cảnh để có giải pháp phù hợp. Từ năm 2013 đến nay, ngoài tặng quà ngày 10-8 và lễ, tết các nạn nhân nói chung, chúng tôi cũng đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ lâu dài 2 nạn nhân 300 ngàn đồng/nạn nhân/tháng; hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, nhà ở cho hộ khác...

Bà Nguyễn Thị Diệu Quỳnh , Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bù Đốp

Ông Lê Lý Trịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Phước Long, cho biết: Để chia sẻ với nỗi đau da cam, hội đã khảo sát, kết nối được 365 người và tổ chức 8 lần đưa 256 người về thành phố Đồng Xoài khám sức khỏe tìm ra căn bệnh da cam theo tiêu chí Bộ Y tế. Đến nay, trên địa bàn thị xã Phước Long có 40 trường hợp được hưởng chế độ. Chúng tôi đã vận động các mạnh thường quân ở thị xã ủng hộ gần 1 tỷ đồng. Qua đó đã đi tặng quà 1.360 người gồm nạn nhân, người chăm sóc nạn nhân và hội viên nạn nhân tình nguyện - tức cựu chiến binh nghèo khó; làm nhà tình thương trị giá 83 triệu đồng tặng 1 gia đình có 2 nạn nhân...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết tích của chiến tranh vẫn đang hiện hữu trên những con người bằng xương, bằng thịt với nỗi đau không thể diễn đạt bằng lời - những nỗi đau chưa có hồi kết. Mức độ nguy hại của chất độc da cam/dioxin đến sức khỏe, tính mạng con người được minh chứng bằng những cơ thể sống đang bị bệnh tật tàn phá, những hình hài không lành lặn... Sự khủng khiếp của chất độc này còn ở khả năng di truyền liên thế hệ và hậu quả ở thế hệ sau là chưa thể đo đếm được…

Thế nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, những nạn nhân chất độc da cam vẫn đang nỗ lực vươn lên. Chặng hành trình ấy sẽ bớt gian nan hơn nếu chúng ta dành cho họ sự sẻ chia ấm áp. Sự chung tay của cả cộng đồng sẽ góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau mà những nạn nhân da cam - người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ - đang âm thầm gánh chịu.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125983/nhung-noi-dau-tham-lang