Những nhóm cộng đồng giúp người có HIV 'bước ra ánh sáng'

Hiện nay, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Dịch HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Dịch HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trên toàn quốc khoảng 242.000 người. Đáng lưu ý, dịch HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc.

Hiện nay, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng hành vượt qua cơn bạo bệnh

Thực tế cho thấy, tại nhiều tỉnh/thành phố các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng một vai trò quan trọng khi những người tình nguyện viên hàng ngày đi tìm kiếm, thuyết phục người có HIV đi điều trị, kéo họ từ "cõi chết" trở về, hoặc cùng họ vượt qua cơn bạo bệnh để tái nhập với cuộc sống.

Nguyễn Cao Thanh - Trưởng Nhóm CBO Hạt giống (Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho hay từ năm 2022, Dự án Bước ra ánh sáng do nhóm Hạt giống khởi xướng đã triển khai được 12 buổi truyền thông cho 200.000 sinh viên. Sau những buổi truyền thông này, đã có 18 bạn sử dụng dịch vụ PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV).

Thanh cho hay thông qua mạng xã hội, Nhóm Hạt giống cũng đang tìm cách để tiếp cận các bạn trẻ. Mỗi tháng, dự án này tiếp cận khoảng 60-100 người, thông qua ứng dụng hẹn hò BlueD của cộng đồng những người đồng tính nam. Nhóm cũng dự định mỗi tháng tổ chức 2 buổi truyền thông định kỳ cho các nhóm nhỏ.

Nguyễn Cao Thanh - Trưởng Nhóm CBO Hạt giống (Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nguyễn Cao Thanh - Trưởng Nhóm CBO Hạt giống (Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đến nay, nhóm tiếp cận được mỗi tháng khoảng từ 6-9 ca dương tính đưa vào điều trị ARV (ARV - thuốc kháng HIV) và 10-14 ca điều trị PrEP. Hiện nhóm mới chỉ có 3 người, chúng tôi đang mong muốn mở rộng hơn nữa mạng lưới cộng tác viên, đặc biệt là các bạn sinh viên trong trường để tiếp cận nhiều hơn các bạn trẻ,” Cao Thanh cho biết.

Tỉnh Bình Dương đang duy trì 4 nhóm CBO hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương trong việc tìm ca nhiễm mới tại cộng đồng với nhóm đích là những người đồng tính nam. Sau thời gian dài hoạt động, các nhóm hoạt động rất hiệu quả với các chỉ tiêu đều đạt trên 100%. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 nhóm CBO là các doanh nghiệp tư nhân, cung cấp được các dịch vụ đa dạng.

Tại tỉnh Kiên Giang, dù mới chỉ có 2 nhóm CBO hoạt động cùng các đồng đẳng viên ở các trung tâm y tế huyện cũng mang lại những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, Nhóm The Sun (tại tỉnh Kiên Giang) đã tiếp cận được vài trăm bạn trẻ, trong đó phát hiện 28 ca mắc HIV đưa vào điều trị ARV và 53 ca PrEP.

Là một trong hai nhóm hoạt động vì cộng đồng tại Kiên Giang, Danh Tùng - Trưởng nhóm CBO The Sun - chia sẻ các tuyên truyền viên, đồng đẳng viên là những người tự nguyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ cho các đối tượng có cùng cảnh ngộ, lối sống như mình hiểu và thực hiện các biện pháp điều trị, phòng, chống HIV/AIDS.

 Danh Tùng - Trưởng nhóm CBO The Sun tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Danh Tùng - Trưởng nhóm CBO The Sun tại tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tùng cho hay chỉ trong 6 tháng năm 2023, trong gần 20 ca dương tính nhóm đưa vào điều trị tất cả đều dưới 25 tuổi, trong đó có 1-2 ca dưới 16 tuổi.

Những cánh tay nối dài

Bác sỹ Lưu Thị Quỳnh Nga - Trưởng phòng Phòng khám Điều trị ngoại trú Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết tại Phòng khám ngoại trú Rạch Giá đang quản lý 953 bệnh nhân điều trị ARV, 22 ca PrEP. Từ đầu năm đến nay, phòng khám tiếp nhận 88 bệnh nhân mới, trong đó khoảng gần 40 bạn là đồng tính nam, có trường hợp sinh năm 2008, chỉ mới 15 tuổi.

Bác sỹ Nga đánh giá, các CBO là "cánh tay nối dài" của nhân viên y tế, họ tiếp cận đối tượng nguy cơ, giới thiệu đến các cơ sở y tế để đưa khách hàng vào điều trị. Nhờ "cánh tay nối dài" của các đồng đẳng viên, nhiều bạn trẻ đã được đưa đến phòng khám để tiếp cận xét nghiệm HIV và điều trị.

Bà Võ Thị Lợt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang cho hay, nếu không có những đồng đẳng viên, việc tiếp cận nhiều đối tượng nguy cơ là thách thức lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm ở nhóm đồng tính nam đang tăng rất báo động. Các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ không phải là điều dễ dàng. Nếu không có đồng đẳng viên, cộng tác viên của các nhóm CBO, việc tìm ra các ổ dịch, khống chế ổ dịch là điều bất khả thi.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng lực lượng truyền thông viên đồng đẳng/tiếp cận cộng đồng các nhóm gồm 69 người, trong đó có 7 người nhiễm HIV tham gia làm đồng đẳng viên. Công tác can thiệp giảm tác hại được duy trì thực hiện, tập trung cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV cao.

Bác sỹ Vương Thế Linh - Trưởng khoa phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bình Dương) phân tích, do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chính vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Họ chính là lực lượng chủ đạo cùng với ngành y tế, đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo bác sỹ Linh, công việc này rất cần những người nhiệt tình, tâm huyết, bởi dù có dự án đã chi trả tìm ca cho các CBO với chi phí 120.000 đồng cho một ca PrEP và 1.800.000 đồng cho một ca ARV, nhưng nếu những cán bộ này không nhiệt tình tham gia thì các trung tâm y tế dự phòng có trả bao nhiêu tiền họ cũng không làm.

Hiện nay, các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-nhom-cong-dong-giup-nguoi-co-hiv-buoc-ra-anh-sang/888020.vnp