Những nhiệm vụ khẩn từ trái tim

Làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, thời gian qua, cán bộ, nhân viên các tổ chức, dự án phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Quảng Trị đã dồn toàn tâm, toàn sức để mang lại sự an toàn cho những miền quê. Không dừng lại ở đó, trên đường làm nhiệm vụ, họ còn thường xuyên giúp đỡ những người dân gặp tai nạn, sự cố không mong muốn. Đối với các cán bộ, nhân viên dự án, đây là nhiệm vụ khẩn từ trái tim.

Trên đường đi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên Tổ chức NPA/RENEW giúp một trường hợp bị tai nạn giao thông - Ảnh: NPA/RENEW

Làm việc ngoài kế hoạch

Một buổi sáng cuối tháng 1/2024, trên đường đến hiện trường rà phá bom mìn, vật nổ, cán bộ, nhân viên Đội EOD2, Tổ chức PeaceTrees Vietnam (PTVN) phát hiện một người đàn ông bị tai nạn giao thông ở Quốc lộ 9, TP. Đông Hà. Bấy giờ, mặt trời còn chưa ló dạng. Thấy người bị nạn máu me be bét, lịm dần, bà con xung quanh đều lo sợ.

Không chần chừ, các cán bộ, nhân viên Đội EOD2 nhanh chóng xuống xe, sơ cấp cứu, rồi đưa người đàn ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi biết bệnh nhân đã ổn định, họ mới yên tâm tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Nhắc lại sự việc vừa xảy ra, Đội trưởng Đội EOD2 Võ Kim Hưng và các nhân viên dự án vẫn mang nhiều cảm xúc. Sau khi nhận được cuộc gọi của người đội phó báo cáo sự việc, Đội trưởng Hưng đã thúc giục các thành viên nhanh chóng hỗ trợ. Mỗi người bắt tay ngay vào một việc như đã được lập trình sẵn từ lâu. “May mắn là trong đội của chúng tôi có một nhân viên y tế giỏi chuyên môn. Vì thế, người bị nạn được sơ cấp cứu rất nhanh và an toàn”, Đội trưởng Hưng nói.

Tình huống mà Đội EOD2, Tổ chức PTVN gặp khiến nhiều người nhớ đến hành động đẹp của cán bộ, nhân viên Tổ chức NPA/RENEW cách đây không lâu. Trên đường đi làm nhiệm vụ, thành viên các đội khảo sát kỹ thuật của dự án thấy hai mẹ con bị thương nặng sau cú va chạm với chiếc xe tải đang đỗ bên vỉa hè. Sự cố xảy ra khi hai người vừa rời cánh đồng sau một đêm trắng gặt lúa thuê.

Tại hiện trường vụ tai nạn, các cán bộ, nhân viên dự án lo sợ tình huống xấu có thể xảy ra nếu mất quá nhiều thời gian chờ đợi xe cứu thương. Vì vậy, họ đã cùng nhau kiểm tra các dấu hiệu của người gặp nạn, tiến hành những bước sơ cứu cần thiết. Nhờ thế, khi xe cấp cứu tới, nhân viên y tế không mất thêm thời gian, có thể đưa ngay người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện.

Hai vụ việc kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều tình huống mà cán bộ, nhân viên Tổ chức NPA/RENEW và Tổ chức PTVN gặp trên đường làm nhiệm vụ. Điều đáng quý là trong bối cảnh nào, các cán bộ, nhân viên dự án cũng ưu tiên chọn phương án giúp người bị nạn. Họ không chần chừ, do dự dẫu biết mình có thể gặp những điều không mong muốn. Vì cứu người, có thể công việc của cá nhân và toàn đội có thể bị chậm tiến độ. Trong một số trường hợp, họ dễ bị hiểu lầm và gặp những rắc rối không đáng có. Điều giúp các cán bộ, nhân viên dự án vượt qua những tính toán thiệt hơn chính là lòng trắc ẩn, tình yêu thương.

Gieo hạt nắng vô tư”

Nối tiếp dòng tâm sự, ông Võ Kim Hưng cho biết, một tuần trước khi giúp người đàn ông bị tai nạn trên Quốc lộ 9, TP. Đông Hà, các thành viên trong đội cũng đã kịp thời hỗ trợ hai người dân ở huyện Cam Lộ bị thương sau vụ va chạm giao thông.

20 năm gắn bó với nghề, Đội trưởng Hưng không thể nhớ hết số lần giúp người trên đường đi làm nhiệm vụ. Đối với ông, đây cũng là nhiệm vụ của mình. Đội trưởng Hưng cho biết: “Phần lớn trường hợp chúng tôi gặp và giúp đỡ đều bị tai nạn giao thông. Tùy vào tình hình, các cán bộ, nhân viên dự án sẽ hỗ trợ tại chỗ hoặc sơ cứu, rồi đưa đến bệnh viện”.

Theo Đội trưởng Võ Kim Hưng, ngoài trái tim mách bảo, sở dĩ bản thân và đồng nghiệp nhanh chóng đi đến quyết định giúp người là nhờ sự ủng hộ, động viên của lãnh đạo Tổ chức PTVN. Sau ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, năm 1996, Tổ chức PTVN có mặt tại Quảng Trị để hỗ trợ rà phá bom mìn, trồng cây xanh.

Đây là dấu mốc khởi đầu cho một loạt hoạt động hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn của nhiều tổ chức phi chính phủ khác như: SODI, MAG, CPI, CRS, RENEW/NPA... 28 năm nay, bên cạnh động viên cán bộ, nhân viên làm tốt nhiệm vụ, lãnh đạo PTVN luôn khuyến khích họ giúp đỡ người dân gặp những sự cố không mong muốn.

“Sự gợi mở, khuyến khích của lãnh đạo PTVN được chúng tôi ghi nhớ, nhắc nhủ nhau thực hiện. Từ lâu, giúp người gặp hoạn nạn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dự án”, Đội trưởng Hưng nói.

Cũng giống như lãnh đạo PTNV, những người đứng đầu các tổ chức, dự án liên quan đến lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh như: NPA/RENEW, MAG... luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên giúp người gặp tai nạn, sự cố không mong muốn. Họ luôn mong muốn, bên cạnh đảm đương tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên dự án còn làm tròn trọng trách của một công dân, một con người thiện lương. Vì thế, trong nhiều trường hợp, họ chấp nhận cho các cán bộ, nhân viên gác công việc chính sang bên để tập trung vào việc giúp người.

Ông Nguyễn Đức Quang, Quản lý Dự án PTVN cho biết: “Hiện nay, PTVN có 7 đội rà phá hiện trường, 2 đội rà phá lưu động. Mỗi đội đều được trang bị tốt về phương tiện, trang thiết bị và cả dụng cụ sơ cấp cứu. Đặc biệt, đội nào cũng có một nhân viên y tế thường xuyên túc trực, hỗ trợ. Nhờ thế, chúng tôi khá thuận lợi để giúp những người dân gặp sự cố không mong muốn”.

Bao giờ cũng vậy, trong quá trình giúp người trên đường khi đi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên các tổ chức, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh hiếm khi tìm hiểu cụ thể tên tuổi, công việc, hoàn cảnh... của người bị nạn.

Với mọi trường hợp, họ đều giúp đỡ như nhau, bằng tất cả trách nhiệm và tình thương. Tuyệt nhiên, không ai yêu cầu người được giúp đỡ phải cảm ơn, báo đáp... Sau mỗi lần hỗ trợ người dân gặp những sự cố, tình huống không mong muốn, các cán bộ, nhân viên dự án lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ chính. Họ giống như ánh mặt trời, miệt mài “gieo hạt nắng vô tư”.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nhung-nhiem-vu-khan-tu-trai-tim/183498.htm