Những nhận định về giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Nga - Ukraine

Giới quan sát đánh giá, 4 tháng đầu năm 2024 là một trong những thời điểm căng thẳng nhất trong cuộc xung đột Nga – Ukraine vốn đã kéo dài hơn 2 năm. Các chuyên gia quân sự đã đưa ra những nhận định về thế trận của Nga và Ukraine trong các trận chiến trên bộ, trên không và trên biển vào thời gian tới.

Quân đội Ukraine đối mặt với nhiều khó khăn dọc theo tiền tuyến do thiếu hụt đạn dược và vũ khí. Kiev đang đợi gói viện trợ quân sự mới từ Washington. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine cũng có dấu hiệu rạn nứt khi các quốc gia phương Tây dành thời gian bổ sung kho vũ khí của chính mình và tổ chức hàng loạt cuộc bầu cử. Trong khi đó, Nga đang nỗ lực tái thiết quân đội, tăng cường sản xuất vũ khí và mua thêm máy bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo từ các nước đối tác.

Binh sĩ Ukraine theo dõi hệ thống tên lửa phóng loạt Grad bắn gần Bakhmut. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia quân sự, năm 2024 được cho sẽ là thời điểm khó khăn đối với Ukraine, sau khi cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái của nước này mang lại kết quả không như mong đợi.

Kusti Salm, Thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Estonia, cho rằng năm 2024 sẽ rất khó khăn đối với Ukraine. “Ukraine cần phải phòng thủ nhiều hơn”.

Trong chuyến thăm Ukraine gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh thực hiện cam kết viện trợ quân sự cho Kiev và tuyên bố: “Vẫn chưa quá muộn để Ukraine giành chiến thắng”.

Trận chiến trên bộ

Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công mạnh mẽ dọc theo mặt trận phía Đông nhằm giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ mới ở các khu vực Donetsk, Lugansk, Kharkiv và Zaporizhzhia. Việc giành quyền kiểm soát toàn bộ Donetsk và Lugansk là mục tiêu quan trọng của Nga.

Những đợt tấn công dồn dập của Nga là tín hiệu cho thấy Moscow sắp triển khai một chiến dịch tấn công mới vào mùa hè. Một trong những mục tiêu tiềm năng của Nga trong đợt tấn công mới là thành phố Chasiv Yar của Donetsk và thành phố Kupiansk của Kharkov.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng việc Moscow giành quyền kiểm soát và ổn định tình hình khu vực ở phía Tây Bắc Avdiivka đã “đặt ra cho Nga hai lựa chọn”, đó là tiếp tục tiến về phía Tây hướng tới Pokrovsk hoặc cố gắng tiến về phía Bắc để tiến hành các hoạt động tấn công bổ sung xung quanh Chasiv Yar.

Chasiv Yar chỉ cách Bakhmut khoảng 9,6km về phía Đông. Bakhmut từ lâu đã trở thành một trong những điểm nóng tại mặt trận Donetsk, ngay cả sau khi Nga giành quyền kiểm soát thành phố này vào tháng 5/2023. Hiện tại, thành phố này là một điểm tập kết quan trọng cho lực lượng Ukraine. Đây cũng là cửa ngõ dẫn vào các thành phố Kramatorsk và Slovyansk, cả hai đều là mục tiêu chiến lược của lực lượng Nga trong nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk.

Pavel Luzin, nhà phân tích quân sự Nga, cho rằng rất khó để đánh giá liệu lực lượng Nga có thể mở rộng nỗ lực tấn công hiện tại để tiến hành một chiến dịch lớn hơn vào mùa hè hay không.

“Nga không có quá nhiều nguồn lực cho một cuộc tấn công lớn hơn. Những gì chúng tôi thấy là Nga đang cố gắng bao vây một nhóm quân đáng kể của Ukraine ở Avdiivka, nhưng không thể thực hiện được điều này. Có lẽ, Nga sẽ thực hiện một nỗ lực khác vì Moscow cần những vị trí vững chắc hơn để tạo ra bước đột phá trên chiến trường”, ông Luzin cho hay.

Trong thời gian gần đây, Ukraine đang tìm cách làm gián đoạn hoạt động liên lạc, tuyến hậu cần và ngành công nghiệp của Nga nhiều nhất có thể. Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu bên trong nước Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Sự xuất hiện của phiên bản tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn xa hơn trên chiến trường sẽ giúp Ukraine có phạm vi tiếp cận các mục tiêu của Nga lớn hơn. Mỹ đầu tháng 4 đã bí mật chuyển giao hệ thống ATACMS với tầm bắn 300km, giúp Kiev tập kích hàng loạt mục tiêu sâu trong khu vực do Nga kiểm soát.

Tuy nhiên, Ukraine thừa nhận họ chỉ có thời gian ngắn để tận dụng ưu thế của tên lửa ATACMS trước khi Nga tìm ra phương án đối phó.

Ivan Stupak, cố vấn Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của quốc hội Ukraine, cho biết nước này đang phải chạy đua với thời gian để tận dụng tối đa ưu thế của hệ thống ATACMS, trong bối cảnh lực lượng Nga bắt đầu vòng lặp hứng chịu thiệt hại và tìm ra biện pháp đối phó vũ khí mới của đối phương.

“Tất cả đều biết quân đội Nga có khả năng thích ứng trong thời gian rất ngắn. Chúng tôi còn khoảng 2 tháng để tập kích mục tiêu nhiều hết mức trước khi họ tìm ra cách đối phó”, ông Stupak nói.

Nga hay Ukraine sẽ giành ưu thế trong trận không chiến?

Năm 2024 có thể chứng kiến sự thay đổi đáng kể về sức mạnh không quân khi Ukraine đang chờ nhận hàng chục máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Ukraine cho biết loại máy bay chiến đấu này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trước tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga, đồng thời cung cấp cứu trợ cần thiết cho quân đội tại tiền tuyến.

Bom lượn đã giúp Nga giành được một số lợi thế trong những tháng đầu năm 2024, cho phép máy bay thả lượng lớn đạn dược xuống các vị trí của Ukraine từ khoảng cách tương đối an toàn. Tuy nhiên, tiêm kích F-16 có thể sẽ khiến các khu vực tiền tuyến trở nên nguy hiểm hơn đối với phi công Nga, do Ukraine dự kiến sẽ sử dụng tên lửa không đối không với tầm bắn lên tới gần 500km.

Trong khi Ukraine đang chờ F-16 được chuyển giao, Nga đang chịu tổn thất về máy bay trên chiến trường. Trong những tháng gần đây, số lượng lớn máy bay Nga đã bị phá hủy, bao gồm cả những máy bay ở xa tiền tuyến. Điều này có đặt ra thách thức đối với lực lượng không quân Nga trong các trận chiến trên không sắp tới.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và một số đồng minh đã nhiều lần cảnh báo rằng số lượng nhỏ máy bay chiến đấu F-16 sẽ không giúp Ukraine thay đổi diễn biến cuộc xung đột. Liệu các quốc gia phương Tây có thể cung cấp số lượng lớn máy bay chiến đấu để giúp Kiev giành ưu thế trên chiến trường hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Mặc dù vậy, F-16 vẫn sẽ giúp củng cố lực lượng không quân Ukraine đã bị suy giảm sau hơn 2 năm xung đột với Nga.

Hạm đội Biển Đen có phải thách thức với Ukraine?

Nga và Ukraine vẫn sẽ tiếp tục thế trận “mèo vờn chuột” trong các trận chiến trên biển vào thời gian tới. Máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Ukraine đã chứng tỏ là vấn đề nghiêm trọng đối với Hạm đội Biển Đen của Nga.

Ukraine đã nhắm mục tiêu thành công vào các tài sản của Nga ở Biển Đen bằng cách sử dụng tên lửa chống hạm Neptune sản xuất nội địa và tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không do phương Tây cung cấp.

Giới chức Ukraine ước tính Nga hiện đã mất tới 1/3 Hạm đội Biển Đen. Các cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực Tây Bắc Biển Đen đã buộc Nga phải di chuyển nhiều tài sản hải quân ra xa Ukraine hơn, bao gồm việc chuyển một số tàu chiến tới căn cứ Novorossiysk.

Trong khi đó, Ukraine không sở hữu lực lượng hải quân mạnh mẽ, dù các quan chức nước này từ lâu đã làm việc với các đối tác phương Tây để có được các tàu mới, bao gồm cả các tàu bọc thép của Mỹ. Tuy nhiên, những con tàu của Ukraine sẽ không thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hạm đội Biển Đen của Nga. Ukraine sẽ sử dụng khoảng thời gian còn lại của năm 2024 để làm căng thẳng thêm các cuộc chiến trên biển với Nga.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-nhan-dinh-ve-giai-doan-tiep-theo-cua-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post1093272.vov