Những nhận định, đánh giá thiếu khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Một lần nữa, vấn đề tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng lại bị lợi dụng để gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời tạo sức ép để buộc Việt Nam phải thay đổi theo ý muốn chủ quan từ bên ngoài. Thực tế đó đòi hỏi phải lên tiếng tái khẳng định chính sách đúng đắn cũng như những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Những luận điệu xa lạ với thực tiễn tại Việt Nam

Mới hôm 1-5 vừa rồi, Ủy hội Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã cho công bố Báo cáo tự do tôn giáo 2024 với những thông tin phiến diện, sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2023, USCIRF cho rằng “không có gì thay đổi” so với năm 2022, đồng thời cáo buộc chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận.

Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam, USCIRF tự đưa ra đánh giá rằng “Nhà chức trách tiếp tục ngược đãi, phân biệt đối xử các nhóm tôn giáo sắc tộc như người Thượng và người Mông theo đạo Tin lành, các Phật tử Khmer Krom và những người Mông theo đạo Dương Văn Mình”. Báo cáo của USCIRF còn nhận định chính quyền Việt Nam tiếp tục gây áp lực lên các tín đồ Cao Đài độc lập, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo quyết giữ đạo gốc, buộc họ phải tham gia vào những tổ chức do Nhà nước kiểm soát, ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập.

Chưa dừng ở đó, trên cơ sở những thông tin sai lệch, bịa đặt trên, USCIRF khuyến nghị rằng, Việt Nam nên bị đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) do các “vi phạm gia tăng”. Mục tiêu của USCIRF là một khi đưa được Việt Nam vào danh sách CPC, các cơ quan chức năng của Mỹ có thể tiến hành các biện pháp chính thức về ngoại giao, hoặc là trừng phạt kinh tế, để buộc Việt Nam phải cải thiện vấn đề tự do tôn giáo.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam bị lợi dụng. Trong những năm qua, các báo cáo nhân quyền, tôn giáo quốc tế của một số nước phương Tây thường xuyên có nội dung xuyên tạc, vu cáo “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”. Những luận điệu trên hoàn toàn xa lạ với thực tiễn đời sống tôn giáo đa dạng, phong phú, tự do tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những những luận điệu vu cáo và đánh giá thiếu khách quan này ít nhiều cũng khiến một bộ phận công chúng trong và ngoài nước nghi ngờ, thậm chí hiểu sai về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Các thế lực thù địch, đối tượng chống đối cả trong và ngoài nước thì lợi dụng tình hình đó để kích động, gây rối nhằm chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đây là những việc làm sai trái, nguy hiểm, cần phải được ngăn chặn.

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động và đa dạng

Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Trước hết, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được hoàn thiện. Có thể kể đến Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Đất đai sửa đổi (trong đó có nội dung đất đai liên quan đến tôn giáo).

Cùng với sự phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 2 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam); quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam.

Tính đến tháng 12-2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; hàng ngàn điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021 - 2023 khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.

Hiện nay, Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo.

Các chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và mở mang, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế. Các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống như Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành... được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia. Tuy nhiên, cũng như ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, chứ không thể có sự tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc.

Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã nêu rõ quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác. Nói cách khác, quyền tự do tôn giáo hay bất cứ một quyền nào khác trên phương diện pháp lý đều bị giới hạn bởi khuôn khổ luật pháp.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các lực lượng chức năng Việt Nam nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định pháp luật các hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức tôn giáo chưa được phép, điển hình như các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành truyền vào Việt Nam như Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, Tân Thiên Địa... Hoạt động của đa phần các tổ chức này đều trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, nhuốm màu mê tín dị đoan, hoạt động lén lút, có dấu hiệu trục lợi và nhìn chung là vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án. Ở đây không có việc Việt Nam đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-nhan-dinh-danh-gia-thieu-khach-quan-ve-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-post575203.antd