Những nhà máy trên 'đất vàng' nào sau di dời sẽ thành khu đô thị?

Một số khu 'đất vàng' với diện tích lớn sau khi di dời các nhà máy có thể biến thành các khu đô thị, trường học, nhà ở, bãi đỗ xe.

Video hàng loạt nhà máy, công ty trên 'đất vàng' ở Hà Nội phải di dời:

Nhiều khu đất nhà máy quy mô lớn sau di dời sẽ xây dựng các khu đô thị.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được UBND thành phố Hà Nội trình Bộ Nội vụ, thành phố có 67 phường, xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không sáp nhập trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, tại quận Thanh Xuân, hiện có nhiều nhà máy, trường học thuộc diện di dời.

Cụ thể là các nhà máy lớn như Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội,... Dự kiến, sau khi di dời, trên diện tích các nhà máy này sẽ được xây dựng các khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người, đạt 306,7% so với tiêu chuẩn.

Ngoài ra còn có nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình cũng thuộc diện di dời. Theo phương án của UBND thành phố Hà Nội, sau khi di dời sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người, đạt 320% so với tiêu chuẩn.

Công ty Thuốc lá Thăng Long là 1 trong những cơ sở thuộc diện phải di dời đang nằm trên mảnh đất vàng với giá trị rất lớn.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã lên danh sách nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND thành phố đề xuất di dời 10 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp được nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch (do không phù hợp với hoạch xây dựng).

Trong số 10 cơ sở này, quận Hoàn Kiếm có 3 cơ sở, gồm: Công ty In báo Nhân dân, địa chỉ tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500 m2; tòa soạn báo Lao Động, địa chỉ tại 51 Hàng Bồ, diện tích 359 m2; Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội mới, địa chỉ tại 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800 m2.

Quận Ba Đình có 1 cơ sở là nhà máy bia Hà Nội (Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội), địa chỉ tại 183 Hoàng Hoa Thám, diện tích hơn 52.000 m2. Đáng chú ý, theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe.

Tại quận Thanh Xuân, các nhà máy, công ty sau khi di dời đi nơi khác thì khu đất còn lại sẽ được quy hoạch thành khu đô thị.

Các cơ sở nhà, đất thuộc diện phải di dời được thành phố lập danh sách đều do không phù hợp quy hoạch.

Việc chậm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô gây áp lực về hạ tầng, dân cư, môi trường cho khu vực trung tâm. Một số vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Tiếp đến là quận Thanh Xuân có 2 cơ sở, gồm: Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, diện tích hơn 64. 000 m2. Theo quy hoạch được UBND TP phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của thành phố và khu vực hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Cơ sở thứ 2 phải di dời là Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Quận Long Biên có 2 cơ sở, gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 200 m2. Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000 m2. Theo quy hoạch, khu đất sẽ có chức năng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.

Quận Đống Đa có 1 cơ sở là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, địa chỉ tại số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800 m2. Quận Bắc Từ Liêm có 1 cơ sở là Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, địa chỉ tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000 m2. Theo quy hoạch, vị trí này sẽ là đất cơ quan, viện nghiên cứu.

Được biết, từ đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Để triển khai Quyết định 130, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời; xây dựng danh mục công trình cần di dời cụ thể, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành...

Theo lộ trình từ 2016 - 2020, Thành phố di dời tổng cộng 117 cơ sở ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, con số mới nhất từ Sở TN&MT thành phố Hà Nội, mới có 67 cơ sở sản xuất di dời ra ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.

Dự báo thời tiết ngày 7/3: Bắc Bộ kết thúc nắng ấm, trời chuyển rét.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-nha-may-tren-dat-vang-nao-sau-di-doi-se-thanh-khu-do-thi-169240307075019703.htm