Những người 'truyền lửa' cho thanh niên quân đội qua những trang sách

Văn hóa đọc của thanh niên nói chung và thanh niên quân đội nói riêng hiện nay như thế nào? Có ý kiến cho rằng văn hóa đọc của thanh niên hôm nay đang trên đà sa sút. Biện minh cho điều đó, người ta hay đổ lỗi cho việc bùng nổ các phương tiện thông tin, các kênh truyền hình...

Những lý giải, biện minh đó hoàn toàn không sai. Bằng cách nào để thu hút thanh niên nói chung và thanh quân đội nói riêng đến với sách? Đây là một “bài toán” không dễ tìm ra lời giải…

Từ năm 2012, được Ban Giám đốc Thư viện Quân đội phân công làm công tác tổ chức giới thiệu sách giao lưu giữa tác giả, tác phẩm với bạn đọc là cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong toàn quân, tôi có thêm điều kiện nghiên cứu tài liệu, sách vở, thơ văn về lịch sử truyền thống hào hùng của quân đội ta. Và tôi cũng thấy, dường như “bài toán” nêu trên đã dần có lời giải. Được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, các tướng lĩnh, các anh hùng trong quân đội... tôi thấy mình thật may mắn khi được gặp những nhân chứng sống, những người trực tiếp cầm súng đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trung tướng Phạm Phú Thái, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương, Đại tá Hoàng Đăng Vinh... Đó chính là những người “truyền lửa” nhiệt huyết và hứng thú đọc sách cho cho thế hệ trẻ hôm nay.

Những nhân chứng lịch sử tại tọa đàm, giao lưu 65 năm - Bản hùng ca Điện Biên tổ chức năm 2019.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong một buổi giao lưu đã tâm sự: “Tôi đã tự hứa với lòng mình, nếu còn sống trở về tôi sẽ viết về những năm tháng chiến tranh đau thương và oanh liệt mà tôi đã trải qua, được chứng kiến, đồng thời tin rằng: Những điều dang dở mà thế hệ trước chưa làm được thì thế hệ sau nhất định sẽ làm được, lòng yêu nước vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi người lính trẻ”. Và ông đã viết kịch bản phim “Mùi cỏ cháy” dựa trên các cuốn nhật ký chiến tranh như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, “Tài hoa ra trận” của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc... Đó là một bộ phim thật ý nghĩa và xúc động viết về tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận trong những năm tháng cam go nhất của cuộc chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Những người lính trẻ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ công nghệ thông tin, tưởng chừng họ chỉ thích đọc sách điện tử, tin tức trên mạng, thì nay họ truyền tay nhau từng cuốn sách: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, “Tài hoa ra trận” của Hoàng Thượng Lân…với tấm lòng trân trọng. Khi được hỏi, những chiến sĩ hôm nay có gì khác với lớp cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa, Đại tá, nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Lai chia sẻ: “Khi đất nước lâm nguy, thanh niên thời nào cũng sẽ giống nhau, sẽ kế tục truyền thống của thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà.

Các khách mời trong giao lưu "Đỏ rực - Bầu trời Hà Nội" năm 2017

Đại tá Hoàng Đăng Vinh - người trong tổ bắt sống tướng Đờ-cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa chia sẻ: “Tôi rất thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Cho nên sự hy sinh đó là xứng đáng, đáng được trân trọng và vô cùng biết ơn. Những sự hy sinh đó sẽ tiếp tục tạo nên ngọn lửa, thôi thúc thế hệ trẻ rèn luyện và phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh đất nước, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc”.

Những câu chuyện của thế hệ cha anh đi trước đã làm thanh niên quân đội thấy rõ hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Qua câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ, những nhân chứng lịch sử, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội như được sống lại một thời kỳ đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Từ đó, mỗi người lính thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với quá khứ, lịch sử dân tộc, với máu xương của cha anh đã ngã xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Đúng như câu nói nổi tiếng của Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Vũ Xuân mà nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hay nhắc cho thanh niên quân đội nghe cuối mỗi buổi giao lưu: “Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một tấm gương sáng còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, những câu chuyện về chính cuộc đời của những người anh hùng, những nhân vật có thật qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc đã kích thích lòng ham mê đọc sách về lịch sử chiến tranh, hay về những mẩu chuyện của các diễn giả tham gia giao lưu.

Những buổi giao lưu mỗi khi kết thúc, đều đọng lại trong mỗi người, nhất là các chiến sĩ trẻ niềm tự hào được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh, được cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Mỗi người một cảm xúc nhưng qua ánh mắt của họ, chúng ta thấy rằng, những ngọn lửa của lòng yêu nước sẽ mãi cháy, truyền lại qua các thế hệ.

Thực tế cho thấy, chúng ta cần đổi mới phương pháp tuyên truyền giới thiệu sách bằng các hình thức giao lưu tác giả, tác phẩm, giao lưu với nhân chứng lịch sử có “sân khấu hóa” (kèm các tiết mục văn nghệ của chính các chiến sĩ tại đơn vị) để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Vấn đề là đổi mới như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và kích thích được niềm đam mê đọc sách còn tiềm ẩn trong chiến sĩ trẻ. Mỗi cuộc phát động phong trào đọc sách hằng năm vào dịp Ngày Sách Việt Nam 21-4, bên cạnh những hình thức giao lưu tác giả, tác phẩm nêu trên, ở những đơn vị không có điều kiện tổ chức thì nên chọn ra những cuốn sách tiêu biểu hay nên đọc để xây dựng các clip sách nói, hoặc viết các bài giới thiệu sách giới thiệu trên trang web của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ trẻ. Ví dụ, giới thiệu những cuốn sách hay nên đọc trong thời gian quân ngũ để định hướng cho bạn đọc trẻ và thanh niên quân đội hiện nay, trong bối cảnh hiện nay khi văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc.

Trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách, thay vì đọc những bài giới thiệu sách dài lê thê, chúng ta nên lồng ghép trình chiếu các clip và các tiết mục văn hóa, văn nghệ phù hợp với chủ đề tuyên truyền. Quan trọng nhất là phải biết cách thiết kế nội dung, xây dựng kịch bản phù hợp với từng chương trình. Người nghe sẽ cảm thấy hứng thú và mong muốn được đọc các cuốn sách mà diễn giả giới thiệu. Những bài học chính trị khó thấm vào những chiến sĩ trẻ nhưng những lời giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ thời chiến sẽ ngấm vào những người lính trẻ qua các câu diễn thuyết, những câu chuyện kể về cuộc sống, chiến đấu, những bài thơ viết về thời chiến tranh của các nhà văn, nhà thơ và những nhân chứng lịch sử!

NGUYỄN THÚY CÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nhung-nguoi-truyen-lua-cho-thanh-nien-quan-doi-qua-nhung-trang-sach-657652