Những người thầy 'đặc biệt': Hết lòng vì học trò khuyết tật (bài 2)

Từ một vận động viên (VĐV) khuyết tật, để được gắn bó với tên gọi huấn luyện viên (HLV), đối với họ là cả một chặng đường dài phấn đấu đầy mồ hôi và nước mắt. Để rồi, họ lại truyền cho nhau động lực vươn lên trong cuộc sống. Bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể dường như đã bị khuất phục trước ý chí, nghị lực để được sống vui, sống khỏe cũng như thỏa mãn đam mê thể thao của cả thầy và trò...

Lớp điền kinh của thầy luận

Hẹn gặp anh Trịnh Công Luận (SN 1972, quê Cà Mau) vào một buổi chiều nhá nhem tối tại sân vận động Phú Thọ, ngay từ cổng vào chúng tôi đã nhìn thấy cảnh một đám trẻ đang háo hức với buổi tập luyện, cạnh đó là bóng dáng của một số phụ huynh theo dõi quá trình luyện tập của con em mình. Xuất hiện trên chiếc xe lăn, anh Luận nở nụ cười tươi tắn rồi bắt tay ngay vào việc. Tuần nào cũng vậy, anh sẽ có mặt tại đây khoảng 2 buổi để hướng dẫn các bạn nhỏ môn điền kinh và ném đẩy.

Cuộc trò chuyện bắt đầu cởi mở khi anh Luận cho biết: mình quê ở Cà Mau, sinh ra ở Huế nhưng giờ đang sống tại TPHCM. Kể lại khoảnh khắc khiến cuộc đời gắn bó với chiếc xe lăn, anh Luận chùng xuống. 11 tháng tuổi anh bị sốt bại liệt dẫn đến teo cơ 2 chân. Khoảng 3 - 4 tuổi, anh được đưa về Cà Mau để học. Không thể chạy nhảy, chơi đùa được như các bạn đồng trang lứa, đã có lúc anh cảm thấy tủi thân vô cùng. Nhưng rồi anh đã cố gắng học tập để không phí phạm tuổi trẻ. Tốt nghiệp cấp 3, anh Luận lên TPHCM ôn thi và trúng tuyển vào ĐH Mở bán công, chuyên ngành vi tính. Vì kinh tế gia đình quá khó khăn nên anh Luận đành bỏ học giữa chừng, chuyển sang học đồ họa vi tính để có thể đi làm kiếm thêm chút tiền đỡ đần cho ba mẹ.

Thầy Trịnh Công Luận

Thầy Trịnh Công Luận

Anh Huỳnh Hồng Sơn (ngồi giữa) cùng các VĐV khuyết tật

Anh Huỳnh Hồng Sơn (ngồi giữa) cùng các VĐV khuyết tật

Vừa học vừa làm được một thời gian thì năm 1992, cơ duyên đưa đẩy anh đến với bộ môn xe lăn đua dành cho người khuyết tật. Lúc này, anh Luận mới cảm nhận được niềm đam mê thể thao trỗi dậy và anh muốn được sống hòa nhập với những người đồng cảnh ngộ.

Kể từ đó, anh bắt đầu tham gia CLB thể thao người khuyết tật tại trung tâm Tân Bình. Những ngày đầu tập luyện, anh cũng không tránh khỏi những trở ngại, mỏi mệt, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ mình từ bỏ. Mỗi ngày tập luyện một chút, rồi tốc độ cứ tăng dần lên. Được đánh giá cao về năng lực, anh Luận được chấm chọn vào đội tuyển VĐV khuyết tật tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc môn xe lăn đua vào những năm sau đó và đạt được nhiều thành tích khả quan.

Năm 2001, anh bắt đầu chuyển qua chơi môn đẩy tạ, ném lao, ném đĩa. Dù mỗi bộ môn đều phải có kĩ thuật riêng và những khó khăn nhất định nhưng anh Luận không ngại thử sức mình. Một năm sau, trong lần dự thi Giải đấu Châu Á, anh đạt HCĐ bộ môn ném lao. Khi có thêm kinh nghiệm "chinh chiến", trong giải đấu Paragame năm kế tiếp, anh tiếp tục dành 1 HVC và 1 HCB cho môn đẩy tạ và ném lao. Tính sơ bộ đến thời điểm này, anh Luận đã có "tài sản" lớn gồm 15 HCV tại nhiều giải đấu trong và ngoài nước cùng 3 chiếc HCB tại các giải đấu Châu Á.

Với sự nỗ lực vươn lên và bề dày kinh nghiệm tích cóp trong nhiều năm, anh Luận được giao trọng trách huấn luyện cho những bạn trẻ khuyết tật. Lớp điền kinh và ném đẩy của anh dù chỉ mới hoạt động được vài tháng, nhưng đã trở thành nơi ươm mầm và là sân chơi bổ ích cho các học trò "đặc biệt".

Đến hẹn lại lên, mỗi tuần đều đặn từ 1 - 2 buổi tập (từ 16 - 18 giờ), trong khoảng sân dài sau cánh cổng, 1 thầy cùng 14 - 15 bạn tham gia tập luyện. Vẽ điểm xuất phát, căng băng rôn về đích kèm chiếc đồng hồ đo thời gian được anh Luận chuẩn bị chu đáo để phục vụ cho các học trò tập luyện. Những đứa trẻ mắc bệnh down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ trong phút chốc đã không còn mặc cảm về khiếm khuyết của mình, lao ra cuộc đua để làm sao có thể về được đích nhanh nhất.

Anh Luận chia sẻ: Đứng trước các bạn, bản thân mình càng phải học cách kiên trì, nhẫn nại để khuyến kích, động viên họ tham gia tập luyện. Nhìn thấy nỗ lực của các em, chưa bàn đến vấn đề thành tích khi trở thành VĐV tham gia các giải đấu dành cho người khuyết tật, tôi muốn mình đóng góp chút công sức để tạo sân chơi giúp các em có thể khỏe hơn, hòa đồng hơn và tự tin hơn trong cuộc sống. Hỗ trợ tập luyện cho các em cũng chính là cách tập luyện cho chính mình.

Nhìn lại quãng đường 30 năm gắn bó với các môn thể thao dành cho người khuyết tật cùng lịch trình tập luyện mỗi ngày gần 6 tiếng, anh Luận cảm thấy cuộc sống của mình thật sự có ý nghĩa vì được thỏa mãn đam mê. Càng hạnh phúc hơn khi anh cũng đã có một mái ấm gia đình thật sự, vợ anh lại luôn sẵn sàng đồng hành, cảm thông, sẻ chia với anh trong cuộc sống.

Thầy Luận hướng dẫn các VĐV khuyết tật khởi động trước khi tập luyện

Thầy Luận hướng dẫn các VĐV khuyết tật khởi động trước khi tập luyện

Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi cảm nhận được sự đam mê đối với thể thao trong từng lời nói, hành động của anh Luận. Anh khoe: "Tụi nhỏ đang ráng tập luyện tăng cường để chuẩn bị cho giải đấu cấp thành phố".

Bên ngoài, đám trẻ vẫn chia ra từng nhóm nhỏ để chạy đua với thời gian trong ánh mắt dõi theo của những người làm cha, làm mẹ. Chúng tôi chợt thấy mắt cay cay khi chứng kiến cảnh tượng này và cũng bất giác cảm thấy vui vì cả thầy, trò, phụ huynh đều tìm được chút niềm vui để ủi an, cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống...

Chỉ vì đam mê

Từ nhỏ đến lớn phải ngồi trên xe lăn, nhưng những gì anh Huỳnh Công Sơn (SN 1969, ngụ TPHCM) đạt được cho đến ngày hôm nay chính là minh chứng cho một nghị lực phi thường khi biến công cụ hỗ trợ này thành một niềm đam mê để có thể sống một cuộc đời ý nghĩa.

Chúng tôi hẹn gặp anh tại sân tập môn Pickleball cho người khuyết tật. Lúc này, ngoài anh ra, còn có một số thành viên khác đang hăng say tập luyện. Đây là bộ môn "khó nhằn", đòi hỏi sự linh động, khéo léo và hơn hết thảy là phải có niềm đam mê mới có thể theo đuổi và gắn bó với nó.

Những người có mặt tập luyện rất hứng thú, chuyện trò, nói cười rất vui vẻ. Nếu chỉ thoáng qua, không ai đoán được họ từng là những người đối mặt với bất hạnh với hình hài không lành lặn. Vậy mà với tất cả niềm đam mê thể thao, họ đã xích lại gần nhau hơn để cùng xoa dịu những thương tổn tưởng chừng không gì có thể nguôi ngoai được.

Tuy bị thương tật phải ngồi xe lăn từ nhỏ, anh đã từng có những tháng ngày buồn bã nhưng không vì thế mà thu mình lại. Để vực dậy tinh thần, anh Sơn đã tập trung sức lực vào việc học. Kết quả là anh đã đậu vào Khoa kinh tế, trường ĐH Mở TPHCM. Ra trường năm 1994, anh tự mở xưởng để dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ. Sau đó, nghề dạy nghề, anh tiếp tục mở cơ sở thiết kế in ấn để trang trải cuộc sống.

Tiếp xúc với anh Sơn, chúng tôi cảm nhận anh là một người cực kỳ lạc quan. Đó cũng có thể là lý do khiến anh chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình. Trước đây nhờ nỗ lực tham gia các hoạt động phong trào đoàn thể nên anh chính là một trong những người sáng lập Hội thanh niên khuyết tật TP nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Khi chuyển sang làm quen với các môn thể thao dành cho người khuyết tật, anh cũng không ngại thử sức với nhiều thể loại như: xe lăn đua, bóng bàn, cầu lông... Trên chiếc xe lăn 3 bánh, anh từng đứng ra tổ chức nhiều cuộc chơi cho người khuyết tật bằng những chuyến đi xa, chẳng hạn như: lăn xe từ TPHCM đến Vũng Tàu; từ TPHCM đi Phan Thiết hoặc một số tỉnh miền Tây; đặc biệt là có những chuyến lăn xe xuyên Việt. Anh cười giòn cho biết: "Nếu không có đủ đam mê, sự kiên trì, bền bĩ thì cả tôi và những người đồng cảnh ngộ sẽ không bao giờ đến được đích của những chặng đua, hay sâu hơn là hành trình của cuộc đời này".

Khi trở thành "tay đua xe lăn kiệt xuất", anh Sơn tiếp tục làm quen với môn quần vợt dành cho người khuyết tật. Nhờ sự siêng năng tập luyện và có thừa sự đam mê, anh đã tiếp thu rất nhanh.

Năm 1997, TPHCM đã đưa quần vợt vào giải đấu, anh nhớ có 3 VĐV được chọn cử đi tham gia, TP 1 người là anh, 2 VĐV còn lại ở Hà Nội. Bảng thành tích sau đó cứ dài theo từng năm. Ánh mắt đầy tự hào, anh cho biết: "10 năm liên tục, anh giành giải vô địch quần vợt xe lăn tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật".

Trước những thành tích đạt được, anh Sơn được giao trọng trách làm HLV CLB Pickleball (quần vợt xe lăn). Dù mới thành lập từ tháng 4/2023, nhưng hiện CLB có khoảng mười mấy thành viên, đều là người khuyết tật về chân. Cứ đều đặn vào cuối tuần, anh Sơn có mặt để hướng dẫn "học trò”.

Nói đến đây, anh Sơn giải thích: Thật sự tôi không nghĩ mình là HLV, chỉ là người đi trước hiểu được gì về môn này thì vui vẻ chia sẻ hết cho anh em. Bởi, riêng với bộ môn này, chỉ những ai từng ngồi trên xe lăn mới hiểu được cái khó của người trên xe lăn để đưa ra phương pháp, kĩ thuật tập luyện phù hợp. Cái khó nhất khi gắn bó với môn quần vợt xe lăn đó là chiếc xe chuyên dụng có giá khá cao, nếu không đủ đam mê e rằng cũng không thể theo nỗi. Có nhiều anh em rất mê Pickleball nhưng điều kiện không cho phép. Nhiều khi thấy thương họ, anh Sơn cũng ráng tìm kiếm các mối quan hệ xin vận động tài trợ xe lăn để họ được tiếp tục thỏa sức với niềm vui thể thao mỗi ngày và vươn lên trong cuộc sống.

(Còn tiếp...)

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhung-nguoi-thay-dac-biet-bai-2-het-long-vi-hoc-tro-khuyet-tat_155547.html