Những người phụ nữ miệt mài bám biển, phủ xanh cho rừng ngập mặn

Dành hết tâm huyết, tình yêu cho vùng biển quê hương, các chị em trong đội trồng rừng xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Các thành viên trong đội trồng rừng ngập mặn ở xã biển Thụy Hải đang ngày ngày phủ xanh cho quê hương

Nếu có dịp về với xã Thụy Hải, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bạn sẽ được lạc vào không gian xanh mướt, đầy sức sống của những cánh rừng ngập mặn. Không chỉ làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn bão, phòng ngừa thiên tai, những cánh rừng này còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thấy những vai trò, lợi ích to lớn của rừng ngập mặn nên trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường quản lý và tuyên truyền đến người dân bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có và mới trồng, góp phần tăng diện tích, cải thiện chất lượng rừng, phát huy vai trò phòng hộ ven biển, phát triển sinh kế cho bà con trong xã.

Góp công không nhỏ trong hành trình mang màu xanh về với quê hương là những người phụ nữ của đội trồng rừng ngập mặn ở xã biển Thụy Hải.

Gắn bó với việc trồng rừng ngập mặn từ năm 16 tuổi, suốt hơn 50 năm qua, bà Tô Thị Minh (sinh năm 1955 - thành viên đội trồng rừng ngập mặn xã Thụy Hải) vẫn miệt mài cùng chị em trong đội và người dân địa phương phủ màu xanh cho biển.

Hàng năm, cứ từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, khi thủy triều rút cạn ra xa, lúc mọi người đang chìm vào giấc ngủ, bà Minh lại cùng các thành viên trong đội trồng rừng lặng lẽ dời nhà lội và đi bộ xuyên qua những cánh rừng ngập mặn dài hàng km ra phía biển để trồng rừng. Thời gian làm việc của họ chủ yếu từ 12 giờ đêm đến trưa ngày hôm sau. Và đặc biệt, 100% thành viên trong đội đều là những người phụ nữ miền biển, cả cuộc đời gắn bó với nghề trồng rừng ngập mặn.

Bà Minh chia sẻ: Trồng rừng là công việc lao động vất vả, nhưng trồng rừng ven biển càng vất vả hơn. Nam giới phần lớn không ai chọn làm công việc này vì do phải thức đêm, đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ…

Bà Tô Thị Minh hơn 50 năm gắn bó với việc trồng rừng ngập mặn

Nhưng với tình yêu quê hương, gắn bó với biển, dù khó khăn, vất vả, bà Minh và chị em trong đội vẫn hằng đêm thực hiện công việc thầm lặng của mình. Những người phụ nữ vốn được coi là chân yếu tay mềm này đã trở thành lực lượng chính tham gia trồng cây, tạo nên những cánh rừng ngập mặn xanh tốt - là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật biển; hình thành những "triền đê xanh" che chở cho đất liền trước thiên tai, sóng giữ, mang lại cuộc sống bình yên, sung túc cho người dân.

Để trồng được một cây xanh đứng thẳng và không bị đổ, ngã hay bị sóng đánh trôi, bà Minh và các chị em trong đội luôn miệt mài làm việc, không quản nắng mưa, dông, gió. Đi trồng rừng trong đêm tối, nên điều quan trọng nhất là phải xác định được phương hướng, để có thể về đất liền được. Vất vả nhất là những khi trời mưa, các thành viên trong đội cho biết. Khi đó, điện thoại cũng phải tắt nguồn và các thành viên trong đội phải đứng cách xa nhau từ 1-2m để phòng sét đánh. Chỉ khi nào thời tiết quá khắc nghiệt, không làm nổi thì đội mới nghỉ.

Những người phụ nữ dù vóc dáng nhỏ bé nhưng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Công việc chỉ làm về đêm, trái với quy luật nghỉ ngơi sinh học, nhưng không ai cảm thấy buồn ngủ, hay mệt mỏi. Giữa biển khơi, nhiều chị em bỗng trở thành những diễn viên, những ca sĩ bất đắc dĩ. Họ mang lại niềm vui, tiếng cười cho nhau… Và có những lúc khó khăn, bất lực trước sóng to, gió cả, những vần thơ như ý chí, khát vọng vươn lên để họ tiếp tục làm công việc phủ màu xanh cho biển duy trì suốt mấy chục năm qua, giúp cho biển hiền hòa hơn.

Tâm huyết, tình yêu dành cho vùng biển với biển, với quê hương; tình yêu với rừng, ý thức bảo vệ rừng đã tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng và kiên trì, bền bỉ của những chị em trong đội trồng rừng cùng người dân vùng biển huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhỏ bé, thầm lặng đi trong đêm tối, họ đã góp phần giúp cho những cánh rừng ngập mặn không ngừng được mở rộng ra biển, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Bài, ảnh: Phượng Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-phu-nu-miet-mai-bam-bien-phu-xanh-cho-rung-ngap-man-20231201085047365.htm