Những người Pháp ăn mừng chiến thắng của Morocco

Trước trận bán kết giữa Pháp và Morocco, người Morocco sinh sống ở xứ sở lục lăng bỗng thấy cảm xúc khó phân định rạch ròi, khi họ yêu mến cả hai bên tương đương nhau.

Jamel Debbouze, một trong những diễn viên hài độc thoại nổi tiếng nhất của Pháp, cảm thấy khó xử khi được hỏi về cảm nghĩ giữa trận bán kết World Cup khi Pháp gặp Morocco, theo Financial Times.

"Tôi vừa háo hức xem trận đấu lại vừa thấy lo sợ", người đàn ông 47 tuổi, mang quốc tịch của cả hai nước nói trên, bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn truyền hình. Jamel sinh ra ở Paris, với cha mẹ là người Morocco di cư.

"Cứ như thể chọn giữa một bên là bố, một bên là mẹ tôi vậy. Một tình thế tiến thoái lưỡng nan", nam diễn viên cảm thán.

Giống với Jamel, nhiều người thuộc cộng đồng Morocco rộng lớn đang sinh sống tại Pháp cũng có những cảm xúc lẫn lộn như vậy, sau khi biết "sư tử Atlas" sẽ đối đầu với "những chú gà trống Gaulois".

Đội tuyển Morocco ăn mừng sau khi đi tiếp vào vòng bán kết World Cup.

Tâm trạng lẫn lộn

Do bối cảnh lịch sử, Pháp giờ là quốc gia có số lượng lớn người Morocco sinh sống. Không đất nước nào khác trên thế giới nhận nhiều giấy phép cư trú tại Pháp hơn Morocco vào năm 2022, với hơn 35.000 công dân đủ điều kiện.

Cộng đồng gốc Morocco là nhóm nhập cư lớn thứ 2 tại Pháp, trong đó nhiều người là con lai và có quốc tịch Pháp. Sự giao thoa lớn giữa hai nền bóng đá khiến cho cuộc so tài tại Al Bayt trở nên đặc biệt.

Tại Vincennes, một thị trấn nằm ở phía đông Paris, Mina Nssaiss - chủ một cửa hàng gốc Morocco - vẫn bất ngờ khi biết tin hai đội sẽ gặp nhau.

"Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng được điều đó. Hai đất nước đều rất yêu quý, chúng tôi không thể lựa chọn. Thực tế, có một chút nghiêng về Morocco, chúng tôi muốn đội nhà vô địch World Cup. Nó sẽ rất có ý nghĩa cho giới trẻ, cho toàn bộ châu Phi và cộng đồng các nước Arab", người phụ nữ nói.

Với Fatia Karayan, một cư dân ở Vincennes đã sống ở Morocco 20 năm trước khi sang Pháp định cư 40 năm, bà quyết định ủng hộ cả hai.

"Chúng tôi sẽ hát quốc ca của cả hai nước", bà nói thêm mình tin cộng đồng song tịch Morocco-Pháp sẽ hạnh phúc dù kết quả chung cuộc thế nào.

Nssaiss với bộ móng được trang trí theo quốc kỳ của cả Pháp và Morocco. Ảnh: AP.

Ở Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan và Bỉ, cộng đồng Morocco cũng có số lượng đáng kể.

Kỳ World Cup này đã mang đến cho những người Morocco sống ở nước ngoài cơ hội để công khai tôn vinh di sản văn hóa của họ. Sau khi Morocco đánh bại Bồ Đào Nha, khoảng 25.000 người hâm mộ đã đổ về đại lộ Champs-Élyseés ở Paris để ăn mừng.

Tại thủ đô Brussels (Bỉ), mỗi chiến thắng của các cầu thủ Morocco đều kéo theo nhiều đám đông mang theo pháo sáng và pháo hoa xuống đường.

Bilal Abdoun, người làm công việc quản lý văn phòng có ông bà di cư sang Bỉ, không kiềm được những giọt nước mắt. Người đàn ông tin rằng màn trình diễn chói sáng của "sư tử Atlas" sẽ giúp cải thiện hình ảnh và danh tiếng của cộng đồng Morocco ở nước ngoài.

"Chúng tôi thường bị gán với những điều tiếng xấu. Nhưng bây giờ, các cầu thủ đã cho thế giới thấy khía cạnh khác", ông nói.

Sofiane Boufal chia sẻ niềm vui chiến thắng với mẹ. Ảnh: AP.

Ở Pháp, sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha, đoạn video ghi lại cảnh Sofiane Boufal, cầu thủ Morocco sinh ra ở Paris, nhảy múa trên sân với mẹ anh, người đội khăn trùm đầu truyền thống của đạo Hồi, lan truyền chóng mặt.

Amina Touil (23 tuổi), lớn lên ngay bên ngoài Paris và có cha mẹ đến từ thành phố Casablanca, không giấu được sự xúc động: “Xem đoạn video đó khiến tôi thấy hạnh phúc, như thể mẹ, bà và các dì của tôi đang ở ngoài đó ăn mừng".

“Việc các bà mẹ ngồi trong sân vận động cầu nguyện cho các con trai và các cầu thủ cầu nguyện trên sân là điều tự nhiên và thiêng liêng đối với người dân Morocco", Sahar Amarir, một công dân Pháp và Morocco đang làm việc tại một công ty quản lý rủi ro, cho biết.

Niềm vui san đều

Bản thân đội tuyển Morocco cũng được gọi với cái tên "đội bóng không biên giới", với 14/26 tuyển thủ là những kiều bào.

Điển hình nhất là Hakim Ziyech - ngôi sao số một của đội. Tiền vệ 29 tuổi sinh tại Dronten (Hà Lan), là một thành viên trong cộng đồng hơn 300.000 người Morocco sinh sống tại xứ sở cối xay gió.

Người hâm mộ Morocco ăn mừng trên con đường thuộc đại lộ Champs-Elysees (Paris). Ảnh: Reuters.

Hậu vệ Achraf Hakimi, sinh ra và lớn lên tại Madrid (Tây Ban Nha), từng từ chối cơ hội thăng tiến trong đội tuyển trẻ của Tây Ban Nha để về thi đấu cho quê hương.

Huấn luyện viên Walid Regragui, sinh ra ở vùng ngoại ô Corbeil-Essonnes của Paris, đã ca ngợi những giá trị mà ông gọi là đội bóng “sữa lắc”: sự pha trộn giữa các tài năng Morocco được in dấu bởi các nền văn hóa bóng đá khác.

Tuy vậy, bạo loạn đã xảy ra ở Bỉ và Pháp sau khi đám đông kéo xuống đường ăn mừng thành tích của Morocco, khiến giới chức các quốc gia này lo ngại về sự an toàn.

“Tôi chỉ nghĩ thật kỳ lạ khi có những người được cho là người Pháp lại ăn mừng chiến thắng của Morocco vào ngày mà đội tuyển Pháp cũng chiến thắng", Eric Zemmour, người tranh cử tổng thống Pháp năm nay, phát biểu.

Rachid Zerrouki, giáo viên 30 tuổi người Morocco đã chuyển đến Pháp sống từ tuổi thiếu niên, cho rằng những suy nghĩ như vậy không còn phù hợp trong một đất nước có hàng triệu người có nguồn gốc khác nhau.

"Ở Pháp, sự tôn trọng giá trị đa văn hóa vẫn còn hạn chế. Có lẽ sự kiện này có thể thay đổi điều đó một chút", anh nói.

Người đàn ông cho biết trong mọi trường hợp, không có gì có thể phá hỏng niềm vui của anh ấy đối với trận đấu. “Thật ngạc nhiên khi hai quốc gia đều được coi là quê hương của tôi lại cùng tiến xa như vậy ở World Cup. Dù chuyện gì xảy ra, một trong hai bên tôi yêu sẽ vào chung kết".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-phap-an-mung-chien-thang-cua-morocco-post1384865.html