Những người 'giữ hồn' văn hóa dân tộc Bahnar

'Giữ hồn' văn hóa, các nghệ nhân người dân tộc Bahnar dành cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân gian dân tộc mình.

Người nghệ nhân dân tộc Bahnar đa tài

Những ngày đầu tháng 11, mặt trời bắt đầu lên muộn, vài tia nắng yếu ớt vắt lửng lơ nơi bậu cửa. Mùa đông len lỏi trở về trong cơn gió chuyển mùa hanh hao. Khi đợt gió lạnh đầu tiên đang ùa về qua từng ngôi làng ở Tây Nguyên. Chúng tôi đến thăm nghệ nhân Đinh Bi ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vào lúc ông đang miệt mài đan gùi bên hiên nhà nhỏ.

Nghệ nhân Đinh Bi luôn định hướng và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân Đinh Bi luôn định hướng và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân Đinh Bi mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên nghề đan gùi ông học được từ những người đàn ông trong làng. Cùng với việc chăm chỉ tập tành, qua thời gian tay nghề cũng được nâng cao. Khi còn có sức khỏe, ông thường lên rừng để tìm nguồn nguyên liệu về đan lát. Đến nay, đôi chân ông đã mỏi, sức khỏe cũng yếu hơn nên con trai của ông đã thay cha đi lấy.

Để hoàn thành một chiếc gùi họa tiết nghệ nhân Đinh Bi làm mất hơn 20 ngày, giá bán ra được khoảng 1.500.000 ngàn đồng/chiếc. Còn gùi thường thời gian làm ngắn hơn, giá dao động khoảng 300.000-600.000 ngàn đồng.

“Thông thường một chiếc gùi được hoàn thiện phải mất rất nhiều công đoạn như đi lấy nguyên liệu, chặt, ngâm, phơi vót,… Muốn đan gùi đẹp, rổ đẹp thì nan vót phải đều tay. Từ cách đan lát cơ bản, mình cũng tự học hỏi thêm để làm gùi họa tiết. Gùi họa tiết thường khó và yêu cầu cao nên ít người biết làm. Hiện nay ở làng chỉ có khoảng 5 người biết đan loại gùi này.” - Nghệ nhân Đinh Bi cho biết thêm.

Bên cạnh công việc gìn giữ và phát huy nghề đan lát truyền thống, nghệ nhân Đinh Bi còn được mệnh danh là bậc thầy đánh chiêng. Năm 15 tuổi ông đã thuộc lòng và đánh thuần thục các bài chiêng. Ông luôn tâm niệm cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống bao đời của ông cha để lại và không thể thiếu trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Bahnar nói riêng. Chính vì vậy, nhiều năm qua ông đã cùng với các nghệ nhân đánh chiêng trong làng tích cực góp sức mình vào việc giữ gìn văn hóa quý báu của người Bahnar.

Đội chiêng nữ do Nghệ nhân Đinh Bi truyền dạy đã biết đánh nhiều bài chiêng truyền thống

Đội chiêng nữ do Nghệ nhân Đinh Bi truyền dạy đã biết đánh nhiều bài chiêng truyền thống

Bà Đinh Thị Lăm cùng làng chia sẻ, ngày trước đàn bà chỉ múa xoang thôi, nhưng hiện nay có rất nhiều làng có phụ nữ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng đã biết đánh chiêng. Nhận thấy điều này, tôi cùng với các chị em nhờ nghệ nhân Đinh Bi dạy. Hơn một tháng nay, được nghệ nhân chỉ dạy, chị em trong làng đã biết đánh nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Đinh Bi cho rằng, văn hóa truyền thống càng được nhiều người học, gìn giữ là điều đáng mừng. Bởi vì hiện nay cùng với sự đi lên của xã hội hiện đại, nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn gìn giữ được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Với tài năng và sự cống hiến của mình, nghệ nhân Đinh Bi vinh dự là một trong mười nghệ nhân của tỉnh Gia Lai được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt thứ 3/2022 vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

“Bảo vật quý” giữ hồn văn hóa Bahnar

Ở tuổi 65, Nghệ nhân ưu tú A Biu ở làng Plei Klech, xã Ngọc Bay (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được coi là “bảo vật quý” trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa dân tộc truyền thống của người Bahnar. Ông không chỉ đam mê sưu tầm những bộ chiêng cổ, quý mà trong ông luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để thế hệ trẻ tiếp nối ngon lửa đam mê, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân ưu tú A Biu am hiểu, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc truyền thống

Nghệ nhân ưu tú A Biu am hiểu, chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc truyền thống

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân ưu tú A Biu kể, cha ông là một nghệ nhân chơi cồng chiêng giỏi, từ nhỏ ông đã được đi theo cha xem biểu diễn cồng chiêng ở các lễ hội, dần dà ông đam mê cồng chiêng lúc nào không hay. Mỗi lần cha đi vắng, ông đều lấy bộ chiêng của cha ra lén tập đánh.

Trải qua nhiều biến cố, ông cố gắng học và tốt nghiệp ngành sư phạm, trở về công tác trong ngành giáo dục từ năm 1975 đến 1986 thì về nghỉ do sức khỏe yếu. Ông tiếp tục công tác ở ban ngành đoàn thể ở xã Ngọc Bay đến năm 2003 thì chính thức nghỉ hẳn công tác nhà nước. Trong khoảng thời gian này, ông bỏ công đi khắp các tỉnh Tây Nguyên để sưu tầm chiêng quý, cứ nghe tin chỗ nào có người bán chiêng là ông có mặt.

“Những nhạc cụ như cồng, chiêng đối với người Tây Nguyên rất quý báu, không như các vật dụng khác vì nó là bản sắc, mang trong mình âm thanh linh thiêng của dân tộc” – Nghệ nhân A Biu tâm sự.

Đến nay, nghệ nhân ưu tú A Biu đã sưu tầm được 12 bộ chiêng, ông đã bán 5 bộ cho các huyện và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, gia đình ông đang lưu giữ 7 bộ.

Bộ chiêng quý nhất được ông lưu giữ có tên Klang Brông (còn được gọi là chiêng Đại Bàng) gồm 12 lá, chiêng cái (chiêng mẹ) được gò đồng với vân nổi khắc trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng. Đây là một trong “tứ đại kỳ chiêng” vô cùng quý giá. Ngoài ra, ông còn sưu tầm được bộ chiêng quý Bom Par cổ, có giá trị vài trăm triệu đồng.

Những giấy khen, bằng khen ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân ưu tú A Biu

Những giấy khen, bằng khen ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân ưu tú A Biu

Lo sợ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, từ nhiều năm nay, nghệ nhân ưu tú A Biu đi đến các thôn, làng, tới các trường học để truyền dạy cồng chiêng. Ông đã thành lập được đội cồng chiêng - múa Xoang cho các học sinh ở trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Ngọc Bay. Đội cồng chiêng “nhí” của ông tham gia biểu diễn trong dịp lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc, các sự kiện văn hóa do xã, thành phố, tỉnh và Trung ương tổ chức.

Năm 2019, ông là 1 trong 3 nghệ nhân được Trường Đại học Tây Nguyên ở Đắk Lắk mời tham gia lớp truyền dạy diễn tấu cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tại trường.

Dù sức khỏe đã yếu đi nhưng những người nghệ nhân như ông Đinh Bi (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và ông A Biu (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vẫn sẽ vẹn nguyên đam mê, miệt mài với công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar. Bởi với họ, "giữ hồn" dân tộc, đó không chỉ là vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, với xã hội và những thế hệ đi sau.

Phúc Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-nguoi-giu-hon-van-hoa-dan-toc-bahnar-226519.html