Những 'ngón đòn' của Trung Quốc thời Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới. Trong bối cảnh nhiều nước lo tập trung đối phó dịch bệnh, Trung Quốc lại liên tiếp tung ra những 'ngón đòn' mới.

Đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới. Trong bối cảnh nhiều nước lo tập trung đối phó dịch bệnh, Trung Quốc lại liên tiếp tung ra những “ngón đòn” mới.

“Quảng bá một Trung Hoa hào phóng và thân thiện”

Khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, nhất là Châu Âu, Trung Quốc tung ra chiến dịch “trợ giúp”: gởi hàng triệu khẩu trang, thiết bị y tế đến để gọi là “hỗ trợ” cho các nước phòng chống dịch bệnh. Nhưng oái ăm thay, trong số những khẩu trang, thiết bị y tế mà Trung Quốc “viện trợ”, hoặc các nước đặt mua đã không đảm bảo chất lượng bị trả lại với số lượng lớn. Nhưng điều đáng quan tâm là khi nhiều nước đặt câu hỏi về nguồn gốc phát sinh Covid-19, sao không công bố kịp thời và có những biện pháp mạnh để ngăn sự lây lan..., Trung Quốc lại không thừa nhận và tìm mọi cách để biện minh. Lợi dụng Covid-19 để gia tăng hình ảnh ấn tượng về đất nước Trung Hoa, nhưng trên thực tế Bắc Kinh lại gây nên sự bất bình của nhiều nước.

Khuấy động Biển Đông và Biển Hoa Đông

Trong khi nhiều nước oằn mình chống dịch, thì Trung Quốc tăng tốc các biện pháp nhằm thâu tóm hai vùng biển này. Sau nhiều năm bồi đắp, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các căn cứ quân sự... tại các đảo mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam, Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động tại đây như: đưa vũ khí, các máy bay quân sự, xây dựng các trạm radar để kiểm soát không lưu, khống chế vùng biển Đông. Đáng chú ý là ngày 18-4, Bắc Kinh ngang nhiên loan báo thành lập hai “quận” hành chính để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc tự cho là của họ, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Còn ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng cho tàu hải cảnh xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản và ngày 25-6 cũng tuyên bố đặt tên cho 50 thực thể trên vùng biển tranh chấp với Tokyo. Đây là một sự chuẩn bị từ nhiều năm qua khi Bắc Kinh “cải thiện, mở rộng và tăng cường” đáng kể khả năng can thiệp của các lực lượng hải quân để thực hiện âm mưu bá quyền Biển Đông và biển Hoa Đông. Đó là chưa kể tới chiến lược xây dựng cơ sở trên các đảo mà họ cưỡng chiếm trái phép để đặt thế giới trước “chuyện đã rồi”.

Gây xung đột biên giới với Ấn Độ

Vấn đề biên giới Trung-Ấn cũng đã trở thành đề tài nóng ngay trong mùa dịch bệnh Covid-19. Đỉnh điểm căng thẳng xảy ra ngày 15-6, khi hai bên xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa tại khu vực LAC, mà phía Ấn Độ thông báo có tới 20 binh lính của họ thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cấp tá. Còn truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin có tới 43 quân nhân Trung Quốc cũng thiệt mạng hoặc thương tích trong cuộc chạm trán nói trên. Ngày 3-7 vừa qua, trong chuyến thị sát bất ngờ tại một đơn vị quân đội ở vùng biên giới với Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ đã gián tiếp gọi Bắc Kinh là quân bành trướng, và cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ. Có thể nói, xung đột ở biên giới Ấn -Trung dù đến nay đã được lắng dịu, viễn cảnh chiến tranh ở biên giới tạm thời được xua tan, nhưng cuộc giao tranh nói trên là một bước ngoặt quyết định trong quan hệ chẳng những giữa Bắc Kinh và New Delhi mà còn ảnh hưởng cả đến toàn Châu Á.

Ban hành Luật an ninh Hồng Kông

Để đối phó với những diễn biến bất ổn tại Hồng Kông, ngày 30-6 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đại lục đã bất chấp các thỏa thuận, ban hành Luật an ninh Hồng Kông, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản nhất đối với đặc khu này kể từ khi nơi này được Anh trao lại cho Trung Quốc 23 năm trước. Luật an ninh Hồng Kông định nghĩa 4 loại tội: hoạt động ly khai, lật đổ nhà nước, hoạt động khủng bố và thông đồng với lực lượng nước ngoài. Bắc Kinh nói rằng Luật an ninh là cần thiết sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống Bắc Kinh đã liên tục làm rung chuyển xứ Cảng Thơm. Nhưng các nhà phân tích chính trị trên thế giới cho rằng, luật này thực chất là một bản Hiến pháp nhỏ, một bước tiến tới chấm dứt quyền tự trị của Hồng Kông, cho Bắc Kinh quyền kiểm soát lớn hơn đối với khu vực hành chính đặc biệt này.

Gia tăng căng thẳng với Mỹ

Quan hệ Mỹ-Trung được xem là rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Hiện nay cả Washington và Bắc Kinh đều “ăn miếng trả miếng” cả về vấn đề chính trị lẫn kinh tế, trong đó có vấn đề Hồng Kông. Ngoài các cuộc trả đũa nhau về áp thuế hàng hóa, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 – nhằm tiến đến chấm dứt chiến tranh thương mại - vẫn còn bỏ ngỏ. Sự tuyên chiến về quân sự tuy chưa xuất hiện và “bùng nổ”, nhưng cả hai bên đều tung lực lượng mạnh nhất về hải quân mang tính răn đe nhau ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tuyết Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_227667_nhung-ngon-don-cua-trung-quoc-thoi-covid-19.aspx