Những ngôi nhà mơ ước

Sau gần 2 năm triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I (2021-2025), trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có hàng trăm hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nhà ở. Đây là niềm mơ ước và là động lực giúp các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Nỗ lực xây nhà ở cho người nghèo

Hiện là mùa mưa, nhu cầu nhà ở cho hộ nghèo cần thiết hơn bao giờ hết. Việc thực hiện chương trình xây nhà ở cho hộ nghèo trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, huyện Lộc Ninh có 68 căn nhà đã được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn đối ứng, một số căn trong tình trạng dở dang và sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Để người nghèo sớm có nhà ở, những tháng đầu năm 2023, các sở, ban, ngành của tỉnh cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi tuyên truyền gia đình nào có điều kiện thì hỗ trợ mua thêm vật tư để căn nhà khang trang hơn. Nhà nào không có kinh phí thì hỗ trợ ngày công” - ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết.

Là một trong những địa phương thực hiện khá tốt chương trình xây nhà ở cho người nghèo nhưng đến nay xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh cũng chỉ hoàn thành 6/9 căn nhà. Một trong 6 hộ được ở trong căn nhà mới là gia đình chị Thị Rớt ở ấp K’liêu. Chị Thị Rớt cho biết: Gia đình không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn, tự thân không thể làm nhà được. Có nhà rồi tôi sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền để ổn định cuộc sống, nuôi con.

Chị Thị Sa Miên (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh trong căn nhà mới

Hiện nay, phần lớn hộ dân sống tại khu định canh, định cư thuộc ấp Cần Dực, xã Lộc Thành đã đổi thay khá nhiều, nhưng hộ chị Thị Liễu còn gặp khó khăn. Năm 2022, chị Liễu được xét hỗ trợ xây nhà thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhưng do không có vốn đối ứng và gia đình không có tiền góp thêm nên căn nhà vẫn dang dở. “Tôi mong Nhà nước hỗ trợ thêm để căn nhà sớm hoàn thành. Nhà cũ dột nát, mùa mưa kéo dài không thể ở được nữa. Gia đình quá khó khăn nên không có tiền để sửa” - chị Liễu chia sẻ.

Năm 2023, ngoài đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Trung ương, xã Lộc Thành sẽ tiến hành lồng ghép cùng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS hoặc đối ứng từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh mới có thể tiếp tục xây dựng, hoàn thành những căn nhà còn lại.

Trước khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã động viên, chia sẻ. UBMTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế để có hướng giải quyết triệt để. Trong năm 2023, các địa phương sẽ tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh để tiếp tục xây nhà cho người nghèo. Việc kịp thời phân bổ nguồn vốn từ Quỹ “Vì Người nghèo” của tỉnh không chỉ giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu xây nhà theo chương trình mục tiêu quốc gia mà các địa phương khác cũng đảm bảo hoàn thành kế hoạch thực hiện những căn nhà còn lại trong năm 2023.

Tiếp thêm động lực vươn lên

Xã Đắk Ơ thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập, có 37% dân số là đồng bào DTTS; số hộ nghèo còn cao, với 287 hộ, chủ yếu là đồng bào DTTS. Năm 2022, xã có 10 hộ là đối tượng hỗ trợ xây nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, với số tiền hỗ trợ của chương trình cho mỗi căn nhà là 46 triệu đồng, trong đó Trung ương 40 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng và huyện 2 triệu đồng thì việc xây dựng hoàn chỉnh căn nhà là điều rất khó thực hiện, bởi giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và hộ thụ hưởng phải nỗ lực nhiều hơn.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực của mỗi gia đình, những ngôi nhà mới đã được bàn giao. Ông Nguyễn Mẫu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết: Do 2022 là năm đầu triển khai xây nhà, trong khi giá vật liệu cao nên rất khó khăn trong việc thực hiện. Địa phương đã tuyên truyền, vận động, giải thích rõ mục tiêu của chương trình chỉ là hỗ trợ. Người dân phải cố gắng nhiều hơn nữa để cùng với Đảng, Nhà nước làm nhà ổn định nơi ở, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái. Từ tuyên truyền, các hộ dân đã mạnh dạn vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng/hộ để có nguồn lực xây dựng nhà ở.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Bù Gia Mập và chính quyền xã Đắk Ơ đến thăm gia đình chị Thị Bớt và anh Điểu Đơm

Hộ anh Điểu Đơm và chị Thị Bớt, ngụ thôn 4, xã Đắk Ơ là một điển hình. Năm 2022, từ nguồn hỗ trợ 46 triệu đồng của chương trình và 40 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cùng 60 triệu đồng dành dụm được sau nhiều năm tích cóp, anh chị đã xây dựng căn nhà khá khang trang gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, kinh phí 146 triệu đồng. Có nhà ở ổn định, anh chị có thêm động lực đi làm lo cho gia đình và các con. “Từ khi Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình có thêm động lực để làm việc, cố gắng làm ăn và lo cho các con đi học” - anh Điểu Đơm cho biết.

Cũng như hộ anh Điểu Đơm, năm 2022, hộ anh Điểu Trung được Nhà nước hỗ trợ xây nhà. Anh Điểu Trung cho biết, sau khi lập gia đình, anh được gia đình nhà vợ cho 5 sào đất trồng điều. Tuy nhiên, do công việc không ổn định, cộng gánh nặng nuôi 3 người con nên gia đình lúc nào cũng trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc có căn nhà mới khang trang là điều không thể với gia đình anh.

Căn nhà mới của anh Điểu Trung ở thôn 4, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Năm 2022, toàn huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa 80 căn nhà, trong đó có 61 căn xây mới, sửa chữa 19 căn. Theo kế hoạch, năm 2023 huyện tiếp tục hỗ trợ xây thêm 16 căn nhà cho 16 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Điểu Vĩnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146301/nhung-ngoi-nha-mo-uoc