Những ngày hè chưa quên

Học sinh thích nhất là được nghỉ hè. Tầm cuối tháng 5, bế giảng xong tụi tôi đứa nào đứa nấy xếp gọn sách vở, hưởng trọn vẹn các thú vui trong suốt 3 tháng hè.

Bố mẹ đi làm, đám trẻ con “làm chúa” cả khu tập thể rộng lớn. Bình thường khi còn đi học phải ngoài 5 giờ chiều, sau khi học bài, nấu cơm xong xuôi chờ bố mẹ về mới xin đi đá bóng nhưng từ hôm nghỉ hè hễ bố mẹ dắt xe ra khỏi cửa là bọn trẻ đã lỉnh theo sau tụ tập ở sân bóng.

Nói là sân cho oách nhưng thực chất chỉ là bãi đất trống trong khu tập thể, sát ngay những luống mía, bãi rau khoai lang nhà nào cũng trồng để cải thiện trong thời kỳ bao cấp khó khăn. Những đứa trẻ trần trùng trục đen nhẻm, gầy nhom chân đất say mê chuyền nhau quả bóng nhựa. Đến tận năm lớp 6, lớp 7 bố thằng Minh đi công tác về mua cho anh em nó quả bóng da thì thời gian của bọn con trai trong khu trên sân bóng nhiều hơn ở nhà.

Anh em thằng Minh đá kém, lắm hôm phải ngồi chầu rìa bỗng dưng có giá vì cả bọn phải nịnh nó mới có bóng mà chơi. Bóng mới đá êm chân nên bọn trẻ đá bất kể giờ giấc, nắng mưa. Chẳng mấy chốc quả bóng tả tơi như xơ mướp, lòi cả véc-xi. Đá cố được mấy bữa thì chỉ khâu các múi bóng bợt từng mảng đành móc véc-xi ra đá không nhưng cũng chỉ được vài lần thì bục.

Cả bọn bàn nhau kiếm sắt vụn bán lấy tiền mua bóng. Vì bố mẹ làm trong xưởng cơ khí nên sắt vụn không hiếm. Vậy là trong nhà có tấc sắt nào không dùng đến tụi tôi vác đi cả, cọc rào chăng thép gai trên bờ tường khu tập thể cũng bay dần, bay dần.

Gom đủ tiền, mấy đứa lớn đại diện cho cả bọn ra bách hóa thị trấn mua bóng. Không nhớ rõ quả bóng giá mấy đồng nhưng nó được đổi bằng mấy bao tải sắt vụn. Trên đường về thằng nào cũng đòi cầm để được chạm vào quả bóng mới nguyên đựng trong túi lưới. Thằng Phúc lớn nhất bọn được giao giữ bóng, khi nào đầy đủ đội đá mới được mang ra.

Sau những trận bóng nảy lửa mồ hôi mồ kê nhễ nhại cả bọn lại kéo nhau ra sông tắm. Đứa nọ dạy đứa kia nên cả bọn đều biết bơi. Bơi thạo thì bắt đầu tập nhảy cầu và chơi đuổi bắt nhau dưới nước. Chỗ bọn tôi hay tắm là con sông đào dẫn nước từ hồ Đại Lải ra tưới cho những cánh đồng bạc màu dưới chân núi. Nước không sâu lắm nên rất hợp cho trẻ con tập bơi, vẫy vùng.

Nhiều hôm đang tì tũm dưới sông thì thằng Cường lẻn lên bờ bảo phải về nấu cơm. Đang đùa vui mấy đứa bảo còn sớm, chơi tí nữa đã thì nó bảo 10 giờ rồi, tí nữa bố mẹ đi làm về chưa có cơm là ăn đòn. Không có đồng hồ mà nó lại biết giờ thì giỏi thật! Hóa ra cu cậu biết canh bóng nắng để về nấu cơm, chưa chậm trễ bao giờ.

Thời đó mùa hè tụi tôi chưa biết đến nghỉ mát là gì. Phần thưởng lớn nhất là được bố mẹ cho về quê nhưng nhiều đứa không có cơ hội vì quê ở xa. Riêng tôi quê nội, quê ngoại đều gần nên hè năm nào cũng ở quê cả tháng. Nghiễm nhiên tôi có nhiều bạn bè hơn và những câu chuyện để kể khiến bọn bạn cả hai nơi đều khoái.

Ở quê, buổi chiều bọn bạn trạc tuổi trong xóm thường rủ ra triền đê đá bóng. Bóng bằng quả bưởi non phơi héo cứng quá đá không được nên tôi nhận bắt gôn. Trận đấu vừa được hơn chục phút mà tôi đã để thủng lưới 2 bàn. Bị đuổi lên đá tiền đạo thì tôi mới khai thật, tao quen đá bóng da rồi, đá bóng này đau chân lắm.

Mấy đứa trố mắt bảo thế á! Dân cơ quan oách thật! Được thể tôi “chém” tiếp bọn tao còn suốt ngày vào rạp xem phim cơ (thực ra được vào rạp mỗi một lần trong dịp phát phần thưởng học sinh giỏi) khiến cả bọn càng nể tợn. Tất nhiên là tôi giấu biệt chuyện ngày hai bữa ăn cơm gạo đen xì; mỗi bận nấu phải đãi thật kỹ cho bớt mọt, bớt sạn và thức ăn chủ yếu là món cá chuồn khô ngâm nước vo gạo cả tiếng rồi mới đem nướng mà vẫn mặn đắng. Chẳng thế mà người đứa nào cũng gầy đét.

Ở quê cơm gạo mới trắng bong, thơm nức, cá mú lại rất sẵn nên bữa nào tôi cũng đả căng bụng. Lần nào về quê lên tôi cũng đẫy đà ra. Tôi kể cho bọn trẻ trong khu tập thể nghe chuyện theo bà ra đồng gặt lúa, tát cá; theo chú sang bãi hái đỗ, bắt chuột, bắt chim rồi chèo thuyền vớt củi mùa lũ, đặc biệt là thưởng thức những món đặc sản quê khiến đứa nào cũng thèm thuồng.

Giờ mùa hè ngắn lại bởi bọn trẻ bận bịu với thi cử, học thêm. Chúng chẳng có thời gian đắm mình trong những thú vui của những ngày hè mà đáng ra phải được hưởng để có thêm năng lượng bước vào năm học mới. Kỷ niệm về những kỳ nghỉ hè vì thế cũng sẽ chẳng có nhiều.

Xuân Hòa

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/78648/nhung-ngay-he-chua-quen.html