Những ngành nghề dễ bị bào mòn sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt

Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là nhận định của Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Chihoko Asada-Miyakawa, nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe Lao động năm 2024.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, đánh giá: Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người lao động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Biến đổi khí hậu bào mòn sức khỏe người lao động trong một số ngành nghề do điều kiện làm việc khắc nghiệt. Video: P.ĐIỀN

Những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến chất lượng không khí ô nhiễm khiến người lao động gánh chịu những hậu quả nặng nề, thường xuyên phải làm việc mà không có sự bảo vệ hoặc biện pháp khắc phục phù hợp, thậm chí nguy hiểm.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh căng thẳng nhiệt (heat stress) là thách thức hiện hữu. Khi nhiệt độ tăng cao, những người lao động ngoài trời trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, đánh bắt thủy sản và vận tải dễ bị tổn thương, đối mặt nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ như say nắng.

Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Chihoko Asada-Miyakawa. Ảnh: ILO

Không chỉ thế, người lao động trong nhà cũng có nguy cơ, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt hoặc làm việc trong không gian với hệ thống thông gió kém. Nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch hoặc kho hàng đều có thể nguy hiểm cho người lao động như làm việc dưới trời nắng nóng.

Từ những viện dẫn trên, Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của ILO, cho rằng việc trao quyền cho người lao động, cho phép họ ngừng làm việc do thời tiết quá nóng mà không lo mất lương hoặc mất việc làm, là điều vô cùng quan trọng.

Những đợt nắng nóng khắc nghiệt, bào mòn sức người lao động trong một số ngành nghề làm việc ngoài trời. Ảnh: P.ĐIỀN

Biến đổi khí hậu, ngoài căng thẳng nhiệt và ô nhiễm không khí, tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đặt ra những thách thức khác cho an toàn và sức khỏe lao động.

Bên cạnh đó, lốc xoáy, lũ lụt đến hạn hán và cháy rừng, thiên tai ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đe dọa nguồn sinh kế của người lao động và gây thiệt hại kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau. Những người dễ bị tổn thương, lao động phi chính thức, người lao động di cư và những người hoàn cảnh thiệt thòi là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Từ đó, đại diện ILO nêu giải pháp đối thoại xã hội giữa chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động, các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này để xây dựng các chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt ở cấp độ nơi làm việc.

Đồng thời, công đoàn có vai trò then chốt, bằng cách đấu tranh cho quyền lợi của người lao động và đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe, thúc đẩy an toàn nơi làm việc, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2022, Hội nghị Lao động Quốc tế đã nhất trí đưa “môi trường làm việc an toàn và lành mạnh” vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO.

Hiện nay, chính phủ các nước ban hành và thực thi các luật pháp yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe lao động, thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tiếp cận với trang bị bảo hộ cá nhân, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nguy hiểm cao.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-nganh-nghe-de-bi-bao-mon-suc-khoe-do-nang-nong-khac-nghiet-post787486.html