Những món ăn nhiều giun sán số một

Một số món ăn phổ biến trong mỗi bữa cơm hàng ngày lại là nơi trú ngụ của rất nhiều loại giun sán, ký sinh trùng nếu không chú trọng khâu vệ sinh.

Các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt , bắp thịt lợn là dấu hiệu của:

Nhiễm kén sán
Nhiễm tả lợn châu Phi
Thịt tăng trọng

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, khi mua thịt lợn, bạn nên để ý những vùng thịt có gân mỡ như vai, bắp, thủ... Nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) không nên mua. Khi thái, bạn nên cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ, bắp thịt cần phải bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì đã bị nhiễm kén sán.

Ăn tiết canh tự chế biến, mổ từ lợn sạch, lợn nhà thì không có nguy cơ nhiễm giun sán?

Đúng
Sai
Chưa được chứng minh

ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu - khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người có quan điểm ăn ít không sao, lợn sạch thì tiết sạch hoặc tự tay chế biến là an toàn. Tuy nhiên, tiết canh làm từ máu sống, không diệt hết vi khuẩn hay ký sinh trùng, người ăn dễ nhiễm liên cầu lợn hoặc sán dây lợn, nếu ăn kèm thịt lợn gạo không nấu chín. Chúng chỉ hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ, trong khi món tiết canh bản chất là máu sống.

Ăn món này từ lợn có thể tăng nguy cơ nhiễm giun sán:

Giò thủ
Nem chua
Thịt muối

Nguyên liệu để làm nem chua là thịt sống lên men cùng một vài gia vị khác mà không trải qua bất kỳ công đoạn xử lý nhiệt nào. Theo các chuyên gia, nem chua có các loại vi khuẩn gây thối rữa, vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng như giun sán.

Bộ phận này của cá dễ nhiễm ký sinh trùng, trứng giun sán:

Mật cá
Ruột cá
Mắt cá

Ruột cá là bộ phận bẩn nhất, bởi rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước. Đặc biệt, cá là loài ăn tạp chất. Những thức ăn này đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Ngoài ra, ruột cá dễ nhiễm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun và giun xoắn.

Ăn sashimi dễ nhiễm ký sinh trùng nào?

Sán cá, giun tròn
Sán dây
Sán lá gan lớn

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), cá phải được đông đá ở nhiệt độ -20 độ C trong 24h, -35 độ C trong 15h, hoặc -20 độ C trong 7 ngày để diệt được ký sinh trùng. Tuy nhiên, do sợ ảnh hưởng tới mùi vị và trình bày món sashimi, các bước này thường bị bỏ qua trong quá trình sơ chế. Đây chính là nguy cơ lây nhiễm các loại ký sinh trùng như sán cá, giun tròn… từ món ăn này.

Sai lầm khi ăn hàu có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, giun sán:

Ăn hàu sống
Ăn hàu với mù tạt

Hàu thường bám vào gành đá, gầm cầu ở biển hay cửa sông, có nhiều nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng sán... Vì vậy, khi ăn hàu sống, bạn có nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng này. Đặc biệt, loại vi khuẩn nguy hiểm có trong hàu sống là Vibrio vulnificus - vi khuẩn gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn toàn thân và có thể dẫn đến tử vong.

Giun thường "ưa thích" ký sinh trên rau nào nhiều nhất?

Rau muống
Rau mồng tơi
Xà lách xoong

Nghiên cứu từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho thấy các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim có trên tất cả loại rau với tỷ lệ rất cao, nhiều nhất là trên xà lách xoong (100%), thấp nhất trên rau muống (46,1%).

Sán lá ruột thường có trong loại rau này:

Ngó sen
Hoa chuối
Rau thì là

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, ngó sen phát triển trong bùn dưới đáy nước các hồ ao, đầm, nên dễ bị nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Đây còn là nơi trú ẩn của ấu trùng sán lá ruột - loại sán lá ký sinh trong ruột người và một số gia súc, nhất là lợn.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-mon-an-nhieu-giun-san-so-mot-post1468471.html