Những lớp học du lịch cho nông dân

Bắt đầu từ cuối năm 2016, loại hình du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân (homestay) phát triển và để lại những dấu ấn trong lòng du khách khi đặt chân đến huyện vùng cao Lâm Bình, Na Hang. Để chuyên nghiệp hóa trong hoạt động du lịch này, thời gian qua đã có nhiều lớp tập huấn, dạy nghề hướng dẫn viên du lịch thu hút nhiều học viên là người dân tộc thiểu số tham gia.

Lớp học du lịch do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức.

Lớp học du lịch do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang tổ chức.

Gần 1 tháng nay, chị Đặng Thị Xuyến, dân tộc Dao, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) đã tham gia lớp học du lịch. Lớp học kéo dài trong 3 tháng với 35 học viên là người dân tộc thiểu số tại hai xã Thanh Tương và Năng Khả. Các học viên được bồi dưỡng về kỹ năng chào đón khách, cách thức giới thiệu điểm du lịch của huyện, kỹ năng giao tiếp... Chị Đặng Thị Xuyến chia sẻ, ở địa phương có nhiều gia đình làm dịch vụ homestay rất hiệu quả. Chị tham gia khóa học với mong muốn được trang bị tốt kiến thức để trở thành một hướng dẫn viên du lịch bản địa, giới thiệu cảnh đẹp quê hương, bản sắc văn hóa người Dao đến với du khách.

Những năm qua, huyện Lâm Bình, Na Hang đã tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Hàng năm, huyện thường xuyên phối hợp với trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Tân Trào mở lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, các lớp ngắn hạn về du lịch. Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình và Na Hang đều chủ động mời giảng viên tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn, dạy nghề do trung tâm tổ chức. Qua đó, giúp người dân được học những kỹ năng làm du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ tại mô hình homestay của gia đình.

Ông Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành du lịch, hàng năm, Trung tâm đã tích cực vận động doanh nghiệp, người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Đồng thời, phối hợp với trường Đại học Tân Trào, trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Dự án phát triển Mặt trời mọc của tổ chức phi Chính phủ, mời giáo viên khu làng nghề ở Chương Mỹ (Hà Nội) tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp, làm các sản phẩm du lịch, chế biến món ăn, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch… cho trên 300 lao động hoạt động trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng.

Anh Quan Văn Hà, chủ homestay Hà Cát, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) bày tỏ, tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, anh nắm bắt được những kiến thức du lịch về đón tiếp khách, nấu ăn, tiếng Anh giao tiếp để phát triển dịch vụ. Nhờ đó giúp anh có kinh nghiệm, tự tin hơn trong quá trình kinh doanh.

“Nông dân làm du lịch” là cụm từ không mới, tuy nhiên để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Những lớp học về du lịch đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Từ đó thu hút đông đảo du khách đến với xứ Tuyên.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/du-lich/nhung-lop-hoc-du-lich-cho-nong-dan-135022.html