Những lịch sử khác về Hà Nội

Những dấu mốc không thể quên của Thăng Long - Hà Nội - vùng đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến đã lưu lại trong những trang sử. Nhưng còn nhiều kỷ niệm gắn với con đường, góc phố, con người nơi đây được lưu dấu trên nhiều trang viết, làm dày thêm câu chuyện hấp dẫn, phong phú về mảnh đất này.

Giai đoạn đặc biệt của Hà Nội

Viết về Thăng Long - Hà Nội với lịch sử trải dài hàng nghìn năm, từ những câu chuyện về thời Lý, Trần, Lê cho đến thời Pháp thuộc, thời bao cấp cho tới thời hiện đại, là kho cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà nghiên cứu, người yêu thành phố này. Tuy nhiên, với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, giai đoạn nửa cuối của thế kỷ XX là giai đoạn đặc biệt của Hà Nội. Thời kỳ ông tâm đắc nhất trong các trang viết về Hà Nội là từ sau năm 1954 cho đến năm 1986 khi đất nước đổi mới, bởi nhiều lý do, thời kỳ này vẫn còn nhiều điều chưa được nhắc đến, kể lại.

Nhiều câu chuyện tiếp tục được kể về Hà Nội. Nguồn: nguoidothi.net.vn

Nhiều câu chuyện tiếp tục được kể về Hà Nội. Nguồn: nguoidothi.net.vn

“Giai đoạn sau năm 1954 rất bộn bề, đất nước chia làm 2 miền, nhiều gia đình có sự chia ly Nam - Bắc. Sau đó, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc nên các gia đình rồng rắn sơ tán về quê. Trở về Hà Nội một thời gian ngắn, đế quốc Mỹ lại ném bom tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2, vào năm 1972… Mọi thứ vô cùng vất vả, khó khăn, cái đói là thường xuyên phải chịu, nhưng trăn trở hơn là quan niệm của xã hội về Hà Nội khi đó” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Ông cho biết, trong chiến tranh, ngay cả khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, chị em quan niệm "có chết vẫn phải đẹp". Tuy nhiên, khi sơ tán, nhiều người coi phụ nữ “phi dê”, mặc áo dài, ăn nói điệu đà là có lối sống tiểu tư sản. Thời kỳ đó, hát ca trù cũng rất khó… Cho đến khi đổi mới, những cái đó bỗng nhiên bị rơi rụng. Đó cũng là mất mát, thiệt thòi của Hà Nội không được tiếp nối văn hóa từ xưa đến sau này.

Giải trí giai đoạn này có những thay đổi. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, nếu trước năm 1954, thành phố xuất hiện các tụ điểm sinh hoạt theo kiểu châu Âu như tiệm nhảy đầm, ca quán. Những năm 1930 là đỉnh cao của phố Khâm Thiên. Theo nhận xét của đốc lý Hà Nội Henri Virgitti năm 1938, “trên một đoạn phố không đầy 800m mà có tới 40 nhà hát, 5 tiệm khiêu vũ...”. Những 1957 - 1960 vẫn có “thanh niên chơi accordion và nhảy đầm”, tuy nhiên, những năm chiến tranh khó có sinh hoạt vui chơi như vậy. Sau 1972, Hà Nội trở lại trạng thái hòa bình, văn hóa văn nghệ tại Hà Nội khá ít.

“Nhưng hồi đó có cái thú vị ở Hà Nội là sách ít nhưng mọi người mượn sách của nhau để đọc, mượn đĩa than của nhau để nghe, có phong trào thanh niên tập đàn, hát khá phát triển… Từ những năm 1980, kịch của Lưu Quang Vũ làm sống lại không khí sân khấu tại Hà Nội. Người Hà Nội cũng đổ xô tới rạp chiếu phim, vì ít có cơ hội tiếp xúc với điện ảnh, đặc biệt là các bộ phim nước ngoài. Đây cũng là sự mở đầu cho sự phát triển, mở rộng hơn về văn hóa cho người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung...” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể.

Làng làng, phố phố

Từng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Hà Nội như: “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Hà Nội còn một chút này”… nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ, viết về ngày xưa rất dễ thu hút người đọc hoài niệm về Hà Nội một thời. Nhưng Hà Nội hôm nay cũng thú vị, hấp dẫn, lôi cuốn chẳng kém gì Hà Nội ngày hôm qua, không có lý gì không viết về nó. Trong những trang sách ông viết có Hà Nội ngày hôm nay, đặc biệt là trong cuốn “Làng làng phố phố” vừa được hoàn thành.

Tuy nhiên, dù là viết về ngày xưa hay ngày nay, theo nhà văn, khi viết thông tin phải chuẩn xác, khách quan, khoa học. “Mỗi khi cầm bút viết, nhất là viết về Hà Nội, tôi chọn những chuyện độc đáo, khác lạ, viết những gì ít người biết, ít xuất hiện trên mạng xã hội để đem đến độc giả những thông tin mới, hấp dẫn”.

Vẫn là những phố, làng ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm. Chẳng hạn, tại sao người ta thường nói Bờ Hồ chứ không phải hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm? Vì sao thành Hà Nội bị phá? Từ bao giờ và làm thế nào giọng pha tạp của người tứ chiếng đến Hà Nội dần trở thành giọng chuẩn của phương ngữ Bắc?... Bằng cách đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi lạ lùng về những quảng trường, con phố, những món quà sáng hay những thú chơi xe, chơi chó, chơi xổ số ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến dường như muốn kể cho chúng ta về một Hà Nội khác, một Hà Nội có những lịch sử khác.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả của các cuốn sách “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca”… cho rằng: sáng tạo kể những câu chuyện Hà Nội có thể không từ những gì kỳ dị, khác thường, mà có thể là những gì rất thân quen. Với Hà Nội, mảnh đất có bề dày lịch sử, câu chuyện vô cùng phong phú vẫn chờ đợi những người kể chúng trên các trang viết. Đó có thể là góc nhìn mọi việc dưới lát cắt của lịch sử, xâu chuỗi chúng trong biến thiên, những mốc niên biểu lớn của đô thị, hoặc những câu chuyện gọn gàng xinh xắn nhưng mở ra nhiều thứ với các ngóc ngách khác nhau về Hà Nội…

Khó ai có thể thống kê những tác phẩm tản văn, tạp bút, nghiên cứu… về Hà Nội. Và qua thời gian, những trang viết ngày càng nhiều hơn, khiến ta có cảm giác như kho cảm hứng về thủ đô Hà Nội - thành phố nghìn năm này sẽ không bao giờ vơi cạn. Cũng ở đó, những điều mới lạ và độc đáo của Hà Nội, cũng như những điều nhỏ nhặt và quen thuộc nhất gắn với thành phố này, sẽ được gìn giữ, cho thấy sự giàu có đến vô tận, làm sáng rõ hơn vẻ đẹp của thành phố từ ngàn xưa cho tới ngày nay.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-lich-su-khac-ve-ha-noi-i345905/