Những 'lá bài' mạnh giúp Nga đấu ngang cơ Mỹ, EU

Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt có xu hướng giảm nếu quốc gia hứng chịu có nền kinh tế đủ mạnh. Nga là một ví dụ với những 'lá bài' tốt trong tay.

Khó khăn đủ đường đối với nền kinh tế

Những lệnh trừng phạt của phương Tây cứng rắn và có thể kéo dài, cũng như tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Moscow. Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Nga có thể giảm từ 10-15% vào cuối năm nay, trong khi lạm phát có khả năng tăng đến 20%.

Giới tài chính, doanh nghiệp Nga đang đối mặt với áp lực lớn và chính người dân Nga cũng cảm thấy vậy. Minh chứng, nhiều thông tin về việc tranh nhau mua một số mặt hàng, như đường và ngũ cốc, trong các siêu thị Nga; cùng với đó là tràn ngập hình ảnh kệ hàng trống. Tuy nhiên, đây có thể là do dự trữ chứ không hẳn là sự khan hiếm hàng hóa nói chung.

Một số doanh nghiệp Nga phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu đã và đang quay cuồng với chuỗi sản xuất. Ở chiều ngược lại, các nước thường bán hàng cho Nga có vẻ ít chịu tổn thất khi giao thương bị cắt đứt. Đơn cử, Nga chi 11,5 tỷ USD/năm cho mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là ô tô. Các nước Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản đang cung cấp tới 63% thị trường xe cơ giới của Nga. Dẫu vậy, nếu cắt giao thương với Nga, các quốc gia trên chỉ mất khoảng 3% hoạt động kinh doanh quốc tế.

Cuối tháng 5, các lãnh đạo EU nhất trí cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga (ảnh minh họa: AFP)

Ngoài ra, các hãng hàng không Nga phụ thuộc vào máy bay của Boeing và Airbus. Nếu không thể nhập khẩu, Nga có nguy cơ cạn kiệt các phụ tùng chuyên dụng cần thiết để bảo trì máy bay và không phải lúc nào cũng có thể mua các phụ tùng này từ nhà cung cấp thứ ba. Đồng thời, các quốc gia muốn giao thương với Nga gặp khó khăn khi giao dịch, vì 30-50% hãng vận tải biển đã tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn trên toàn cầu không muốn cấp vốn cho giao dịch liên quan đến Nga và cho biết đang thu hẹp hoạt động kinh doanh tại quốc gia này. Nguyên nhân là việc họ sợ hãi trước viễn cảnh được trả tiền bằng đồng rúp (đơn vị tiền tệ của Nga).

Xoay chuyển giữa các lệnh trừng phạt

Trước khi nói đến phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt đến từ phương Tây, hãy cùng nhắc lại sự kiện năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Dù những lệnh trừng phạt năm 2014 ít gay gắt hơn so với năm 2022, nhưng phần nào giúp Nga chuẩn bị tâm thế và xây dựng phương án để vượt qua khủng hoảng tương tự.

Thời điểm năm 2014, Nga đã tăng lãi suất từ 5,5% lên 17% để giữ cho đồng rúp không bị mất giá và lần này cũng thực hiện biện pháp như vậy khi lãi suất tăng từ 8,5% lên 20%. Khi đó, đồng rúp giảm từ 35 rúp ăn 1 USD xuống còn 69 rúp ăn 1 USD trong thời gian một năm. Còn hiện tại, đồng tiền giảm từ 78 rúp đổi 1 USD (ngày 23/2) xuống 150 rúp đổi 1 USD (ngày 7/3), tức là chỉ trong khoảng 15 ngày. Hiện, đồng tiền này đã tăng giá trở lại và ở quanh mức 60 rúp ăn 1 USD vào ngày 6/7/2022.

Nguyên nhân khiến đồng rúp phục hồi giá trị gồm:

- Việc Nga tăng lãi suất đã có tác động. Người dân Nga vốn có ý định bán đồng rúp để mua USD hay Euro thì nay đã có động cơ lớn để giữ lại dòng tiền nội tệ. Càng ít đồng rúp được bán thì áp lực giảm giá lên đồng tiền càng ít.

- Biện pháp tiếp theo được Nga thực hiện tương tự như năm 2014 là các doanh nghiệp Nga có doanh thu từ xuất khẩu được yêu cầu chuyển đổi 80% từ đồng USD sang đồng rúp, bất chấp tỷ giá. Điều này tạo nhu cầu đáng kể cho đồng tiền Nga và giúp đồng tiền tăng giá.

- Lệnh cấm trước đây của Nga đối với tất cả các khoản vay và chuyển khoản ngoại hối tạm ngưng. Điều này giúp duy trì nguồn ngoại tệ trong nước cũng như không khuyến khích người dân Nga bán rúp lấy USD hoặc euro.

- Chính phủ Nga hạn chế khả năng mua bán cổ phiếu và trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, giúp ổn định thị chứng khoán và trái phiếu, cũng như giữ tiền lại trong nước.

Người dân đi ngang qua một điểm đổi ngoại tệ ở trung tâm thủ đô Moscow vào ngày 28/2 (ảnh minh họa: AFP)

Tuy nhiên, sự phục hồi của đồng rúp có giúp Nga tăng trưởng trong hệ thống tài chính trên thế giới, trong trường hợp nhiều quốc gia muốn sử dụng đồng rúp làm tiền tệ dự trữ? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi khả năng cao các nước sẽ không lập tức thực hiện chuyển đổi như Nga yêu cầu.

Để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều quốc gia có thể sử dụng tiền tệ của riêng họ hoặc thậm chí dùng hệ thống “trao đổi bằng hàng hóa”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giám sát bất kỳ giao dịch nào bằng đồng USD trên thế giới. Nhưng nếu các giao dịch được thực hiện bằng đồng rúp hoặc bất kỳ đồng nội tệ nào thì Mỹ sẽ không có nhiều quyền kiểm soát. Điều này giúp bảo tồn giá trị đồng tiền Nga.

Đồng rúp và xuất khẩu khí đốt là quân “át chủ bài”?

Không thể phủ nhận, Nga có lợi thế là trạm khí đốt lớn của thế giới với doanh thu gần1 tỷ euro/ngày từ việc xuất khẩu nhiên liệu. Châu Âu nhập khẩu nhiều nhất lượng khí đốt từ Nga để sưởi ấm nhà, sản xuất điện và sử dụng cho ngành công nghiệp nhiên liệu. Các quốc gia vẫn mua năng lượng từ Nga bất chấp xung đột đang diễn ra.

Khoảng 40% lượng khí đốt của châu Âu đến từ xứ sở bạch dương. Nếu Nga ngừng xuất khẩu năng lượng, sẽ gây thiếu hụt nguồn cung, khiến các nhà máy đóng cửa và kéo theo tăng chi phí năng lượng.

Đức là một trong các quốc gia có thể sẽ chịu tác động mạnh nhất. Vốn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là cường quốc công nghiệp, Berlin phụ thuộc Nga nhiều hơn các nước khác trong việc nhập khẩu khí đốt. Trước khi cuộc xung đột bắt đầu, 55% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này đến từ Nga, con số này đã giảm xuống còn 40% trong quý I/2022. Đến cuối tháng 5, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào Đức đã xuống mức 35%. Một số nhà kinh tế Đức dự đoán, nếu ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga, GDP nước Đức có thể giảm từ 2-5%.

Do châu Âu phụ thuộc như vậy nên nếu Nga thành công trong việc buộc các nước thanh toán bằng đồng rúp, các nước khác sẽ phải mua đồng tiền này. Từ đó, dẫn tới nhu cầu về tiền tệ tăng vọt và giá của đồng rúp tăng theo, góp phần bảo vệ nền kinh tế Nga.

Có nhận định cho rằng, khi Visa hay Mastercard chặn các tổ chức tài chính Nga khỏi mạng lưới sẽ gây ra hỗn loạn. Nhưng Nga đã chuẩn bị cho điều này bằng việc xây dựng hệ thống thanh toán nội địa MIR. Đây là hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử do Ngân hàng Trung ương Nga thành lập vào năm 2014. Do đó, chỉ có người Nga hiện đang ở nước ngoài mới bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.

Một lý do khác giúp Nga nuôi hy vọng “sống sót” qua các lệnh trừng phạt nằm ở mối quan hệ với Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới cung cấp khoảng 1/4 lượng hàng hóa nhập khẩu của Nga. Hàng Trung Quốc có thể thay thế Mỹ và châu Âu bởi các quốc gia này đang cấm xuất khẩu vào Nga. Bằng chứng là Trung Quốc cũng đã cung cấp một phần lớn máy móc và thiết bị điện tử cho Nga.

TS. Greeni Maheshwari - Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-la-bai-manh-giup-nga-dam-choi-voi-my-eu-2037258.html