Những khuôn mặt 'ngược đời' của Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Hoài, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Thiều... dưới góc nhìn 'ngược đời' của họa sĩ Nguyễn Đại Giang lại vô cùng ấn tượng.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang vừa tổ chức khai mạc triển lãm cá nhân Cội nguồn. Triển lãm giới thiệu 32 bức tranh về chủ đề cuộc sống, văn hóa, con giáp, chân dung văn nghệ sĩ, đưa người xem đến với cuộc hành trình vào thế giới của “nghệ thuật đảo ngược”.

Thông qua những tác phẩm mang hình ảnh về nét văn hóa truyền thống như ca trù, làm mặt nạ, chúc Tết, chân dung văn nghệ sĩ... cho tới quy luật sinh-lão-bệnh-tử của kiếp người, họa sĩ đã dành tình yêu và lòng tôn trọng tuyệt đối cho quê hương và đất nước.

Những chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... dưới góc nhìn đảo ngược của họa sĩ Nguyễn Đại Giang, miệng ở trên trán, mắt ở dưới cằm khiến người xem thích thú và tò mò.

Những khuôn mặt ngược đời của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Đỗ Duy Minh, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái dưới góc nhìn của Nguyễn Đại Giang.

Chia sẻ với VietNamNet, họa sĩ Nguyễn Đại Giang muốn dùng sự "ngược đời" này để mang đến nét mới mẻ, hài hước, hóm hỉnh trong tác phẩm.

"Ở mảng chân dung, tôi thường vẽ miệng ở trên trán với hàm ý 'họa từ miệng mà ra', nên khi nói năng, chúng ta phải dùng trí tuệ, suy nghĩ cẩn trọng; mũi quay ngược lên trên hít lấy khí trời trong lành, mắt ở dưới cằm để khuyên mọi người khiêm nhường hơn”, họa sĩ chia sẻ.

Ông cho rằng cuộc đời ai cũng vậy, tốt - xấu luôn song hành, lẫn lộn. Vạn vật thay đổi, khởi đầu và tận cùng đều giống nhau. Từ đó sinh ra nghệ thuật đảo ngược - là vẽ một hình thể trong tranh có cái đúng, cái sai, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất của nghệ thuật, một hiện thực hết sức đẹp đẽ.

Chân dung họa sĩ Bùi Giáng, nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua góc nhìn đảo ngược.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang nhấn mạnh, tranh đảo ngược đặc biệt ở điểm người vẽ nhìn vạn vật trong cuộc sống dưới con mắt đa chiều, chứ không nhìn một chiều. Xem những bức tranh đảo ngược của ông, người xem thích thú bởi sự hóm hỉnh, vui tươi, ngồ ngộ khác người nhưng cũng từ đó thấy được cái sâu xa về đạo lý làm người.

Chưa từng gặp, hay có mối quan hệ thân thiết gì với văn nghệ sĩ tại Việt Nam nhưng họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã vẽ bằng cảm nhận của cá nhân, thông qua thông tin đọc được về họ trên báo chí.

Tác phẩm "Chụp ảnh ngày Tết".

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang đang sinh sống tại Mỹ nhưng ông thường xuyên về Việt Nam và sắp tới sẽ trở về đây sinh sống sau hơn 30 năm xa quê. Triển lãm cá nhân lần này là sự báo trước của cuộc trở về cội nguồn.

Tiết lộ với VietNamNet, họa sĩ cho hay để thực hành nghệ thuật tại Mỹ, ông phải tuân thủ mọi quy định gắt gao về bản quyền và đạo đức nghề nghiệp. Ông đã được cấp quyền tác giả cho “nghệ thuật đảo ngược” của mình, nhờ đó mới được triển lãm và giới thiệu tranh trên khắp thế giới.

Họa sĩ bày tỏ sự vui mừng vì góp sức đưa nghệ thuật dân tộc Việt Nam tham gia vào sự phát triển chung của mỹ thuật thế giới.

Bức tranh lớn nhất trong triển lãm là “Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh” có kích thước 205x552cm, mô tả vòng tuần hoàn trong cuộc đời con người. Đây là thông điệp lớn nhất mà họa sĩ muốn gửi gắm về cuộc đời không phải chết là kết thúc.

Nhận xét về nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Đại Giang, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chia sẻ: “Năm tháng trôi đi, người nghệ sĩ, họa sĩ chỉ còn lưu danh với cuộc đời nhờ tác phẩm. Giá trị của một con người chính là thành quả lao động. Nói nhiều, nói hay rồi cũng sẽ trôi đi. Đại Giang đã tìm cho mình riêng một con đường, con đường nghệ thuật cá biệt thật độc đáo để đứng vững trong làng nghệ thuật, thể hiện được cá tính, nhân cách nghệ sĩ của mình. Làm nghệ thuật chỉ cần thế thôi là đủ”.

Triển lãm mở cửa hết ngày 22/10 tại Trung tâm Giám định triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội).

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa 3 và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1 tại Hà Nội. Từ năm 1969-1974, ông học chuyên ngành đồ họa tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Moscow (Nga), sau đó bổ túc thêm về đồ họa tại Seattle (Washington, Mỹ, 1996 - 1997).

Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế và tổ chức các triển lãm trong nước (tại TP.HCM năm 2009; Hà Nội năm 2014, 2018; Huế năm 2016; Đà Nẵng năm 2018). Tranh của ông nhận được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới như: Những tranh hiện đại nhất cho CD-Rom (New York, Mỹ, 1996); Giải Ba Những họa sĩ tài năng nhất; Giải Ba Thế giới Nghệ thuật (Stockholm, Thụy Điển, 1997)… và có mặt tại nhiều quốc gia: Nhật Bản, Canada, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha...

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-khuon-mat-nguoc-doi-cua-bui-xuan-phai-trinh-cong-son-2202441.html