Những khái niệm nền tảng khi nghiên cứu giới

Bản dịch sách 'Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới' hứa hẹn là một công trình đưa nghiên cứu giới đến gần hơn với nhiều bạn đọc Việt Nam.

Sách Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới.

Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới của hai tác giả Jane Pilcher và Imelda Whelehan xuất bản lần đầu vào năm 2007, đến nay đã được in lại gần 10 lần, năm 2017 được xuất bản với ấn bản chỉnh sửa. Cuối năm 2022, bản dịch tiếng Việt của TS Nguyễn Thị Minh đã được Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành, hứa hẹn là một công trình đưa nghiên cứu giới đến gần hơn với nhiều bạn đọc Việt Nam.

Tác phẩm cung cấp nền tảng căn cốt trong nghiên cứu giới

Jane Pilcher là phó giáo sư Xã hội học của Đại học Leicester (Vương quốc Anh), Imelda Whelehan là giáo sư và Chủ nhiệm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia. Cùng nhau, cả hai đã chọn lọc và tập hợp 50 khái niệm trọng yếu trong nghiên cứu giới hiện nay, như bình đẳng, dị tính luyến ái, lao động tình dục, giới, phân công lao động trong gia đình...

Ở lời giới thiệu quyển sách, TS Nguyễn Thị Minh đã chia sẻ rằng muốn tìm hiểu một ngành khoa học, không gì hay hơn là bắt đầu từ các khái niệm then chốt trong lĩnh vực ấy.

Cuốn sách bao gồm 50 khái niệm được các tác giả diễn giải cụ thể, dẫn dắt lồng ghép với những vấn đề và tình huống liên quan. Mỗi khái niệm được viết theo cấu trúc: giới thiệu lịch sự ra đời; diễn giải nội hàm; mô tả quá trình phê phán và phát triển. Cuối mỗi khái niệm, nhóm tác giả có phần “Xem thêm” (dẫn những khái niệm liên quan) và “Đọc thêm” (giới thiệu các tài liệu để độc giả tham khảo nhằm đào sâu hơn).

“… 50 khái niệm tập trung trong sách này không phải là các lựa chọn ngẫu nhiên và không theo tiêu chuẩn nào, trái lại, chúng đại diện cho một trình bày về nghiên cứu giới, vừa như một chuyên môn học thuật, vừa là viễn tượng rộng hơn trên nhiều lĩnh vực và ranh giới của tri thức”.

Cuốn sách là bản đồ tư duy về nghiên cứu giới nói chung và nữ quyền luận nói riêng, vừa mang tính bao quát, lý luận, vừa không kém phần chi tiết, cụ thể.

Việc hai nữ tác giả đã thừa nhận từ đầu rằng mình là những người da trắng trung lưu có thể dấy lên những hoài nghi về sự thiên lệch của cuốn sách. Tuy vậy, dịch giả Nguyễn Thị Minh khẳng định tác phẩm mang một "văn phong khách quan, đa dạng".

Đặc biệt, độc giả có thể cảm nhận được bầu không khí học thuật sôi nổi của nghiên cứu giới. Lĩnh vực này đã và đang phát triển không ngừng nhờ sự phê phán, sự không thống nhất, thúc đẩy ngành học không ngừng tiến tới.

Thông qua cuốn sách, bạn đọc không chỉ có thể trang bị cho mình kiến thức nền tảng trong nghiên cứu giới, mà còn nhận thấy được ngành học này vẫn là một lĩnh vực hoạt động học thuật năng sản, “sự tích hợp đầy đủ của nó tiếp tục có ý nghĩa quan trọng đối với phần lớn hơn của tri thức học thuật nói chung”.

Sách không chỉ dành cho giới học thuật, mà phù hợp với các đối tượng đọc quan tâm đến chủ đề giới. Ảnh: Lawyersweekly.

Cuốn sách khái niệm không hề khô khan

Các khái niệm được trình bày ngắn gọn, khúc chiết, nhưng vẫn bao quát đầy đủ lý thuyết và minh họa thực tiễn. Nghe qua tên gọi "khái niệm then chốt", độc giả dễ lầm tưởng rằng đây là tác phẩm khô khan thuần hàn lâm, học thuật.

Vậy nhưng, ngoài hiểu biết khái quát về các khái niệm, có phần tài liệu tương đối toàn diện, đầy đủ để tìm đọc thêm, độc giả còn có thể tìm được nhiều kiến thức, những vỡ lẽ thú vị không ngờ tới. Tác phẩm cũng chứa đựng nhiều trải nghiệm cá nhân của chính các tác giả, và không ít những tình huống thực tiễn gần gũi.

Bên cạnh các chủ đề tương đối hàn lâm, học thuật thiên về nghiên cứu và mang tính vĩ mô, tác phẩm vẫn đầy nhịp thở thời đại khi bàn luận những vấn đề gần gũi, những câu chuyện hiện hữu trong đời sống cá nhân thường ngày. Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới sẽ giúp độc giả thêm hiểu biết các vấn đề liên quan đến giới, từ đó có thể gia tăng đồng cảm và thấu hiểu, cải thiện giao tiếp, tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục con cái tốt hơn.

Dịch giả Nguyễn Thị Minh đã dành nhiều tâm huyết trong hơn một năm để chuyển ngữ, hiệu đính từ đó cho ra một bản dịch chất lượng, truyền tải đầy đủ ý nghĩa và nội hàm của các khái niệm, với mong muốn “đến một ngày, chúng ta có thể nói chuyện với nhau bằng những khái niệm của nghiên cứu giới mà không còn cảm thấy nó xa lạ và mang “tính thuật ngữ” nữa. Điều này giúp chúng ta có thể tư duy về những vấn đề quen thuộc ở ngay xung quanh mình từ một góc nhìn khách quan, ít định kiến hơn”.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-khai-niem-nen-tang-khi-nghien-cuu-gioi-post1450136.html