Những kết quả ấn tượng sau năm đầu triển khai Dự án 'Đẹp: Đánh giá mô hình chăm sóc và điều trị trầm cảm tại trạm y tế xã' tại Phú Thọ

Ngày 18/3, Trường Đại học Y tế công cộng đã tổ chức thành công Hội thảo tổng kết năm thứ nhất Dự án 'Đẹp: Đánh giá mô hình chăm sóc và điều trị trầm cảm tại trạm y tế xã' trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Dự án được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH).

Có thể nói, trầm cảm là một rối loạn tâm thần để lại nhiều gánh nặng lên sức khỏe cộng đồng. Với mục đích sàng lọc, phát hiện sớm và cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả và thích hợp cho người bệnh trầm cảm, Trường Đại học Y tế công cộng, Trường Cao học Y tế công cộng và Chính sách y tế thuộc Đại học Thành phố New York, Hoa Kỳ (CUNY SPH) cùng phối hợp thực hiện "Dự án Đẹp: Đánh giá mô hình Chăm sóc và Điều trị Trầm cảm tại Trạm y tế xã".

Phú Thọ được lựa chọn là một trong hai tỉnh trên cả nước triển khai mô hình Dự án. Sau khi thông qua các nội dung trong Biên bản ghi nhớ về việc triển khai Dự án giữa Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Y tế công cộng, Dự án chính thức được khởi động từ ngày 06/3/2023, nơi triển khai và thụ hưởng là 18 xã, phường thuộc thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy (thời gian triển khai trong 03 năm).

Sau hơn một năm triển khai, dự án đã góp phần trang bị kiến thức về sàng lọc, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến huyện, xã và tới đội ngũ Y tế thôn/bản.

Cụ thể, trong năm đầu tiên, dự án đã tiến hành triển khai các cấu phần bao gồm: Cấu phần tập huấn, can thiệp nâng cao năng lực cho cán bộ giám sát viên tuyến tỉnh, huyện, cán bộ trạm y tế xã và đội ngũ y tế thôn/ cộng tác viên dự án. Cấu phần can thiệp theo 3 mô hình: UI – Triển khai thông thường; ES – Triển khai thông thường + Giám sát hỗ trợ; CECL – Triển khai thông thường + Giám sát hỗ trợ + Họp nhóm chia sẻ kinh nghiệm. Cấu phần nghiên cứu: Nghiên cứu/khảo sát đánh giá năng lực cán bộ y tế các tuyến (tại thời điểm ban đầu và sau 6 tháng) và Nghiên cứu khách hàng tham gia dự án (thời điểm ban đầu).

Về kết quả, đối với công tác tập huấn và phát triển năng lực, đã có 18 cán bộ y tế tuyến tỉnh và huyện được tập huấn về nghiệp vụ sàng lọc, đánh giá, trị liệu tâm lý và giám sát chuyên môn. 90 cán bộ y tế tuyến xã được tập huấn về nghiệp vụ sàng lọc, đánh giá, và trị liệu trầm cảm sử dụng liệu pháp kích hoạt hành vi BA và 90 cán bộ y tế thôn được tập huấn về nghiệp vụ truyền thông và phát hiện các đối tượng có nguy cơ mắc trầm cảm trong cộng đồng.

Đối với công tác triển khai dịch vụ chăm sóc và điều trị trầm cảm, trên địa bàn 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Dự án Đẹp đã thực hiện tổng cộng hơn 2400 lượt sàng lọc trầm cảm cho khách hàng tại trạm y tế, tiến hành trị liệu cho hơn 330 đối tượng tham gia dự án với hơn 1900 số buổi trị liệu tâm lý cá nhân. Tỷ lệ chấp nhận điều trị chung trên toàn dự án là 98%.

Qua đánh giá sơ bộ, nhiều khách hàng đã được hưởng lợi từ dự án và thấy được sự thay đổi đáng kể về mặt tinh thần, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

GS.TS.BS. Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng phát biểu tại Hội thảo

TTUT. PGS.TS. Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo

BS. CKII. Lê Tiến Mạnh – Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo

ThS. Vũ Anh Quân – Đại diện Nhà tài trợ phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-ket-qua-an-tuong-sau-nam-dau-trien-khai-du-an-dep-danh-gia-mo-hinh-cham-soc-va-dieu-tri-tram-cam-tai-tram-y-te-xa-tai-phu-tho-169240325160025969.htm