Những kẻ muốn Caesar phải chết

Bốn nhân vật chủ mưu hàng đầu đến từ những người bạn đồng hành lâu năm của Caesar cũng như những kẻ từng chiến đấu chống lại ông.

 Cảnh "Cái chết của Caesar" của Vincenzo Camuccini vẽ (1804). Ảnh: Wiki Commons.

Cảnh "Cái chết của Caesar" của Vincenzo Camuccini vẽ (1804). Ảnh: Wiki Commons.

Có ba loại người muốn Caesar phải chết. Đầu tiên là các kẻ thù cũ từng sát cánh bên Pompey nhưng rồi được ân xá. Những kẻ này, như Cassius, đã tham gia vào vụ sát hại Caesar do động cơ cá nhân, chứ không phải vì niềm tin vững chắc.

Khi họ nhận ra giới quý tộc sẽ thua trận chiến này, họ lựa chọn nhượng bộ và chuyển lòng trung thành sang Caesar. Họ đi theo Caesar vì khao khát tiền tài và quyền cao chức trọng, thứ mà ông vui mừng trao cho họ. Nhưng như một sử gia cổ đại đã nói:

"Họ căm ghét ông chính vì ông đã tha thứ cho họ và đối xử rất tử tế với họ. Họ không thể chịu đựng nổi ý nghĩ đang nhận một món quà từ Caesar, thứ mà họ có thể tự giành được cho mình bằng những chiến thắng".

Nhóm thứ hai âm mưu sự sụp đổ của Caesar là các bạn bè của ông. Nhiều người trong số này, như Trebonius, đã đi theo Caesar rất trung thành kể từ chiến tranh xứ Gaul và giờ thấy mình đang ở vào vị thế nhận được ân huệ lớn từ chính quyền của Caesar.

Họ dành sự tôn trọng lớn cho Caesar với tư cách là chỉ huy quân sự, nhưng lại rất bất mãn trước chính sách hòa giải với các kẻ thù cũ của ông. Họ từng sát cánh bên Caesar vì họ nhìn thấy trong ông một thiên tài sẽ lật đổ giới quý tộc cực đoan. Tuy nhiên, thay vì thanh trừng các gia đình cầm quyền như họ đã hy vọng, ông lại đưa những người đó vào chính phủ mới của mình trên cơ sở bình đẳng.

Những người bạn bất mãn của ông không quan tâm tới tầm nhìn của Caesar vì một thành Rome mới mẻ hài hòa, mà họ chỉ đơn giản muốn giành những trái ngọt của chiến thắng cho chính mình.

Những kẻ chủ mưu cuối cùng là những kẻ duy tâm thực lòng tin tưởng vào nhà nước Cộng hòa. Vài kẻ trong số này, như Brutus, còn có những động cơ khác, nhưng sự dâng hiến của họ cho truyền thống La Mã cổ xưa về quyền lực chung là đích thực.

Ngay cái ý nghĩ thành Rome yêu dấu của họ bị nằm trọn trong tay một người duy nhất đã khiến họ không thể chấp nhận được. Suốt nhiều thế hệ, các tổ tiên của họ đã chiến đấu và bỏ mạng để bảo toàn nền tự do hiến pháp của mình, nhưng giờ đây, họ phải phụng sự một ông vua không ngại của thành Rome.

Có khác biệt gì đâu nếu ông cho họ làm quan chấp chính hay làm tỉnh trưởng các tỉnh lị giàu có nào đó? Khi đêm xuống trở về nhà, họ vẫn phải đối mặt với những chiếc mặt nạ sáp của cha ông mình đang nhìn xuống họ và thầm hỏi họ làm sao có thể cho phép chuyện này xảy ra.

Bốn nhân vật chủ mưu hàng đầu đến từ những người bạn đồng hành lâu năm của Caesar cũng như những kẻ từng chiến đấu chống lại ông. Gaius Trebonius đã hợp tác với Caesar từ tận những ngày còn liên minh tam hùng, từng có đóng góp đặc biệt quý giá trong những năm tháng cuối cùng ở Gaul.

Ông ta đã tổ chức vụ bao vây Massalia trong những tháng đầu tiên của cuộc nội chiến, chưa kể ông ta cũng đã chiến đấu vì Caesar tại Tây Ban Nha. Nhờ có Caesar mà ông ta trở thành pháp quan và phụng sự một thời gian ngắn với vai trò quan chấp chính vào năm 45 trước Công Nguyên.

Decimus Brutus, cũng xuất thân từ gia đình của Brutus nổi tiếng, từng vạch kế hoạch và chỉ huy chiến thắng hải quân chống lại tộc Venetti của Gaul mười hai năm trước, đồng thời còn là một trong các tư lệnh đáng tin cậy bậc nhất của Caesar tại Gaul. Ông ta từng hợp tác với Trebonius đánh bại tộc Massalia cho Caesar và được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Gaul, nơi ông ta đã thể hiện xuất sắc khi đàn áp một cuộc nổi loạn của tộc Bellovaci hiếu chiến.

Caesar từng vinh danh Decimus rất nhiều lần và đã chỉ định ông ta làm quan chấp chính vào năm 42 trước Công Nguyên. Cả Trebonius và Decimus nợ Caesar tất cả mọi thứ mình có, nhưng chẳng ai cảm thấy thế là đủ.

Cassius thì bạo lực và tàn nhẫn, nhưng Caesar nể trọng ông ta vì ông ta là người có thể hoàn thành mọi việc. Ông ta từng có những đóng góp tuyệt vời dưới trướng của người cộng sự cũ trong liên minh tam hùng của Caesar là Crassus, sau đó gia nhập lực lượng của Pompey làm tư lệnh hải quân trong cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, khi ông ta nghe nói về thất bại của giới quý tộc tại Pharsalus, thì ông ta nhanh chóng cầu xin Caesar tha thứ. Ông ta được bầu làm pháp quan vào năm 44 trước Công Nguyên dưới sự bảo trợ của Caesar, nhưng vị thống lĩnh tối cao không bao giờ hoàn toàn tin tưởng ông ta, mà thực ra luôn nghi ngờ rằng ông ta có thể đang có âm mưu làm phản. Đã hơn một lần Caesar nói với bạn bè rằng mặt Cassius tái mét như đít nhái mỗi khi trông thấy ông.

Brutus từ lâu là viên tướng ưa thích của Caesar trong số thế hệ trẻ của các quý tộc La Mã. Caesar biết Brutus có thể trở nên tham lam và ương ngạnh, nhưng có lẽ vì anh ta là con trai của nhân tình lâu năm của ông, nên Caesar ban phát cho anh ta rất nhiều vinh dự.

Quãng thời gian phụng sự ngắn ngủi của anh ta cho Pompey dễ dàng được tha thứ, sau đó anh ta được phong làm giáo chủ và tỉnh trưởng của vùng lãnh thổ của người Gaul trên đất Italy. Năm 44 trước Công Nguyên, anh ta được chọn trở thành pháp quan của thành Rome, rồi được chỉ định làm quan chấp chính ba năm sau đó.

Caesar sẽ không thèm nghe một lời nào phản đối Brutus, ngay cả khi một người bạn đã cảnh báo rằng anh ta dính dáng tới âm mưu lấy mạng ông. “Brutus sẽ đợi chờ cho đến khi làn da này nhăn nheo”, Caesar trả lời thế khi xua người bạn kia đi.

Nhưng Brutus đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ phía Cassius và các nguyên lão bất mãn khác đòi phải chấm dứt thời kỳ chuyên chế của Caesar, y hệt tổ tiên lừng lẫy của anh ta, cũng tên là Brutus, đã lật đổ ông vua La Mã cuối cùng nhiều thế kỷ trước. Cứ mỗi đêm, một bức vẽ graffiti mới sẽ lại xuất hiện trên các bức tượng tôn vinh người hùng quá khứ này của thành Rome với những thông điệp khiêu khích:

Ôi thế ra ngươi vẫn còn sống!

Hậu nhân của người đã làm người thất vọng

Chúng ta cần Brutus!

Đến cuối cùng, sức ép quá lớn nên Brutus không thể cưỡng lại. Anh ta quyết định chỉ huy âm mưu ám sát Caesar bất chấp sự khoan dung và ân huệ mà vị tiền bối này đã vui lòng trao cho anh ta.

Philip Freeman/NXB Dân trí & Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ke-muon-caesar-phai-chet-post1442404.html