Những hội viên phụ nữ góp phần 'giữ lửa' văn hóa Mường

Văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nhiều bản sắc, được lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác cũng bởi sự góp sức của những người phụ nữ tận tâm, nhiệt huyết trong các thôn, bản.

Đánh mảng là một trò chơi đậm bản sắc của dân tộc Mường.

Ở bản Mét, xã Kỳ Phú có 100% bà con người dân tộc Mường sinh sống. Về bản Mét, không khó để tìm gặp những người có thể hát giao duyên. Nhưng để hoạt động có bài bản, những người yêu văn hóa Mường ở địa phương đã tham gia vào các CLB do Hội Phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ thôn bản thành lập, như: CLB hát tiếng Mường, CLB đánh mảng hay CLB dân vũ thể thao…

Hiện nay, xã Kỳ Phú có 13 thôn, bản thì Hội Phụ nữ xã đã thành lập được 10 CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc. Với quy chế hoạt động cụ thể, các thành viên gồm cả phụ nữ trung và cao tuổi sẽ tham gia CLB hát, múa hay tập luyện thể thao theo thế mạnh của bản thân.

Bằng sự nhanh nhẹn, khéo léo, bà Bùi Thị Sen vốn nổi tiếng một vùng vì đánh mảng giỏi. Bà Sen năm nay đã gần 70 tuổi, ánh mắt ngập tràn niềm vui khi nhớ lại thời xuân sắc. Bà bảo, ngày xưa, khi đời sống người dân trong bản còn khó khăn thì nét văn hóa truyền thống của dân tộc lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là động lực, là làn gió tươi mát làm dịu nhẹ nỗi nhọc nhằn. Vào mùa xuân, ai cũng sắp xếp việc nhà để cùng nhau đi đánh mảng, để rồi lại bắt đầu một năm mới với nhiều dự định và lo toan.

Khi thôn thành lập được CLB đánh mảng, bà Sen trở thành một trong những "hạt nhân" nòng cốt, không chỉ khơi gợi tinh thần tham gia cho mọi người mà còn trao truyền kinh nghiệm, niềm đam mê của bản thân cho người trẻ.

"70 tuổi rồi, tôi không còn sự dẻo dai, nhanh nhẹn để chơi tốt nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn tham gia vào CLB. Mong muốn của tôi là được góp phần nhỏ để lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến với thế hệ con cháu"- bà Sen nói.

Xã Cúc Phương hiện có trên 80% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường được thể hiện qua trang phục, tiếng nói, các lễ hội, các điệu hát... Là người Mường nên việc đồng bào tiếp nhận văn hóa truyền thống của cha ông cũng tự nhiên như vốn có. Cứ nghe nhiều thành quen, rồi thấm và yêu lúc nào không hay. Bên bếp lửa nhà sàn, lời hát giao duyên, hát xường ngọt ngào, ý nghĩa của ông bà đã thắp lên tình yêu bản sắc và trao truyền cho bao thế hệ.

Chị Đinh Thị Tuyết, ở thôn Bãi Cả là người rất say mê và có ý thức gìn giữ những câu hát giao duyên tiếng Mường. Chị Tuyết bảo, từ lâu, những người yêu văn hóa, văn nghệ truyền thống ở các thôn đã thành lập các đội, tổ, nhóm văn nghệ. Vừa là để tham gia biểu diễn, làm phong phú đời sống tinh thần cho bản thân, cộng đồng và quan trọng nữa là chung sức truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc mình.

Cũng theo lời chị Tuyết, tình yêu và sự say mê với văn hóa dân tộc mình không phải tự nhiên mà có, cũng không bỗng nhiên mà mất đi. Nó như một mạch nguồn, âm thầm chảy trôi trong đời sống cộng đồng nếu thực sự kiên trì khơi dậy. Việc của người lớn là định hướng, truyền dạy để con cháu mình không xa lạ với văn hóa truyền thống. Hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt vào đội văn nghệ của thôn, chị Tuyết say sưa hát và tích cực truyền dạy.

"Người Mường có nhiều nét văn hóa đặc trưng. Những câu hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng… thường được đồng bào hát ở các lễ hội, Tết, chương trình, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường. Nhiều du khách tỏ ra thích thú ngay từ lần nghe đầu tiên. Những câu hát còn khơi gợi cho du khách sự tò mò, ý muốn tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của người Mường..."- chị Tuyết nói.

Phụ nữ bản Mét chung tay gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh với 7 xã gồm: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương, Thạch Bình và 4 thôn ở xã Xích Thổ và Phú Sơn được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với gần 29 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường.

Những năm qua, để góp phần khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh ta đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường; bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường.

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 34 về "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030" nhằm giữ gìn, phổ biến và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mườn,g trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được tỉnh, huyện triển khai như: hỗ trợ kinh phí khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường; mua sắm thêm một số dụng cụ như cồng, chiêng, nỏ, hay tổ chức ngày hội văn hóa… để người dân có thêm điều kiện, cơ hội thực hành nét văn hóa xưa.

Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương chia sẻ: Cùng với nỗ lực của tỉnh, của huyện, xã Cúc Phương cũng có nhiều cố gắng nhằm gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Mường. Thực tế, đa phần các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được các thế hệ tiếp nối qua hình thức truyền khẩu. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh các hoạt động văn hóa cộng đồng, không thu hút được các nhân tố tích cực tham gia thường xuyên thì những giá trị ấy không tránh khỏi nguy cơ mai một.

Việc Hội phụ nữ xã thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng. Khi tham gia sinh hoạt các CLB, hội viên cũng tích cực giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh; sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, sắc bùa; tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống của quê hương.

Không chỉ thu hút các thành viên tham gia, những người phụ nữ chính là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm và ý thức giữ gìn văn hóa tới cộng đồng, cùng chung tay lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đào Hằng- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-hoi-vien-phu-nu-gop-phan-giu-lua-van-hoa-muong/d20231117114135589.htm