Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo thông báo từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc trong 2 ngày từ 16 đến 17/5. Trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép rất lớn từ các nước phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin là sự kiện quan trọng và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Quan hệ hợp tác Nga - Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bản thân lãnh đạo hai nước cũng thường xuyên xúc tiến các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm trao đổi về thực trạng quan hệ hợp tác song phương. Lần gần đây nhất, tháng 10/2023, Tổng thống Nga Putin đã tới thăm Trung Quốc để tham dự Diễn đàn “Một vành đai, một con đường” lần thứ ba. Tuy nhiên, có nhiều động lực thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin, và cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất của năm 2024.

Trước hết, chuyến thăm là sự đáp lễ về mặt ngoại giao. Tháng 3/2023, sau khi tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình đã lựa chọn Nga làm điểm đến đầu tiên cho các chuyến công du nước ngoài của mình. Quyết định này của nhà lãnh đạo Trung Quốc được Nga đánh giá cao. Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ với phương Tây leo thang là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc không ngừng được củng cố, thắt chặt.

Theo giới phân tích chính trị, Tổng thống Putin tái đắc cử vào tháng 3/2024, và việc ông Putin muốn đáp lễ đối tác và người bạn lâu năm của mình bằng chuyến thăm Trung Quốc trước khi công du đến bất kỳ nơi nào khác là điều dễ hiểu. Quyết định này có ý nghĩa biểu tượng, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với Moscow. Và sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Nga sẽ cân nhắc khả năng đến thăm một số đối tác, đồng minh khác, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Triều Tiên.

Thứ hai, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung đánh giá hiện trạng quan hệ kinh tế - thương mại song phương vốn đã có nhiều sự đổi thay kể từ cuộc gặp cuối cùng vào tháng 10/2023. Nhìn chung, năm 2023 là một năm thành công đối với hợp tác kinh tế Nga - Trung: Kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử 240 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhất là sức ép ngày càng lớn từ các nước phương Tây, lãnh đạo Nga - Trung hiểu rằng, cần phải có những biện pháp mới nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đang rất lo ngại về tác động tiêu cực mà các biện pháp trừng phạt thứ cấp từ phương Tây có thể gây ra đối với triển vọng hoạt động ở thị trường nước ngoài.

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga vào tháng 12/2023, một số ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc đã miễn cưỡng chấp nhận thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch thương mại với Nga. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến động lực phát triển hợp tác thương mại song phương thời gian tới. Sau khi duy trì mức tăng trưởng ổn định kéo dài trong 2 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm 2% vào tháng 3/2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3/2024 giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 8,9 tỷ USD xuống còn 7,6 tỷ USD), trong khi kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tiếp tục tăng và đạt 12 tỷ USD.

Kết quả hợp tác thương mại giữa hai nước trong tháng 4/2024 cũng trái chiều: Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã phục hồi một phần khoản thâm hụt trong tháng 3, tăng lên 8,3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã giảm xuống còn 11,4 tỷ USD. Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào tháng 4/2024 như một thông điệp khẳng định rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ tiếp tục nỗ lực cản trở và làm xấu đi mối quan hệ Nga - Trung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, càng nhiều càng tốt. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải tập trung vào việc làm thế nào để ngăn chặn những nỗ lực, tác động từ Mỹ và bảo đảm rằng, kim ngạch thương mại song phương có thể đạt mức 280 - 290 tỷ USD vào cuối năm nay như kế hoạch trước đó.

Thứ ba, hòa chung trong bức tranh chính trị toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2024 sẽ là một bước ngoặt trong bức tranh chính trị thế giới, khi những kỳ vọng trước đó về việc chuyển từ chế độ xung đột, đối đầu sang chế độ hòa giải, hợp tác đã không xảy ra. Cộng đồng quốc tế lại bước vào một năm đầy kịch tính, với nhiều cuộc xung đột quân sự, tình trạng bất ổn xảy ra đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Xung đột quân sự Nga - Ukraine và Israel - Hamas tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng Houthi tiếp tục gây ra các vụ tấn công các tàu quân sự, thương mại ở Biển Đỏ, tình hình ở Sahel và Sudan vẫn cực kỳ bất ổn, vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân rơi vào bế tắc, trong khi chi tiêu quốc phòng và chạy đua vũ trang đạt ở mức cao trong lịch sử.

Mặt khác, năm nay cũng mở ra nhiều cơ hội mà Nga - Trung Quốc không thể bỏ qua. Đây là một năm quan trọng đối với BRICS, khi nhóm đã tăng gấp đôi số lượng thành viên vào năm 2023 và phải xây dựng các hình thức hợp tác mới cho phù hợp. Nga sẽ là quốc gia có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này trên cương vị Chủ tịch luân phiên trong năm 2024 và đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan vào mùa thu tới. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng có thể bắt đầu chuyển đổi bằng cách chấp nhận quy chế thành viên của Belarus và chuyển sang các lĩnh vực hợp tác đa phương mới. Rõ ràng, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc sẽ phải thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trên thế giới và phối hợp hành động để ứng phó với những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra.

Thứ tư, căng thẳng trong quan hệ với phương Tây. Lãnh đạo hai nước Nga - Trung Quốc chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội để đánh giá, xem xét về mối quan hệ khó khăn của nước mình với phương Tây. Chỉ vài ngày trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình trở về nước sau chuyến công du tới Paris, Belgrade và Budapest. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới châu Âu trong vòng 5 năm qua và cho phép ông Tập có thể đánh giá thực chất quan điểm của các nước châu Âu về triển vọng phát triển quan hệ với cả Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, không loại trừ khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thông báo với Tổng thống Putin về những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến công du châu Âu vừa qua tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Một số chuyên gia cho rằng, lãnh đạo Nga - Trung Quốc có quan điểm khác nhau về vai trò của châu Âu trong cấu trúc quan hệ quốc tế hiện nay. Nếu như Tổng thống Putin hoài nghi về tính “tự chủ chiến lược” của các nước châu Âu trong quan hệ đồng minh với Mỹ, thì Chủ tịch Tập Cận Bình dường như vẫn hy vọng rằng, Bắc Kinh có thể mở rộng hợp tác với các nước châu Âu ngay cả khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi. Kết quả là, quan hệ hợp tác giữa Nga và châu Âu đóng băng, còn Trung Quốc vẫn đang duy trì hợp tác ở mức ổn định với châu Âu.

Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) lên tới 782,9 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đạt hơn 500 tỷ USD, còn nhập khẩu từ EU đạt 281,7 tỷ USD. Chắc chắn, việc trao đổi thẳng thắn quan điểm về châu Âu và các xu hướng chính trị ở Mỹ, bao gồm kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thứ năm, thúc đẩy một trật tự thế giới mới. Hai nhà lãnh đạo cũng có thể sẽ thảo luận về trật tự thế giới mới, chẳng hạn như nâng cao vai trò của Liên Hợp quốc trong bảo đảm an ninh quốc tế, các vấn đề quản trị toàn cầu và khu vực. Hiện nay, nhiều khía cạnh của trật tự thế giới mới vẫn còn rất mơ hồ, đòi hỏi các quốc gia, nhất là các nước lớn, phải làm rõ, cụ thể hơn bằng những chiến lược hành động. Ví dụ, việc thực hiện nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, cơ chế hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, kiểm soát chạy đua vũ trang,... chưa được bảo đảm và thiếu cam kết của các nước lớn.

Một trong những nhiệm vụ chính của cả Moscow và Bắc Kinh là nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới biến động và khó lường, nơi quỹ đạo phát triển nội bộ của từng quốc gia không những không trùng khớp, thậm chí ngày càng khác biệt. Quan điểm của Nga và Trung Quốc về việc tái cơ cấu hệ thống quốc tế, mặc dù không trùng khớp, nhưng tương đồng ở một số khía cạnh cơ bản. Do đó, lãnh đạo hai nước cần thảo luận nhằm thu hẹp bất đồng, tìm kiếm các điểm hội tụ để cùng hợp tác thúc đẩy một trật tự thế giới mới.

Thứ sáu, mở rộng hợp tác, giao lưu giữa Nhân dân hai nước. Chuyến thăm và cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới được đánh giá có vai trò nền móng, thúc đẩy sự tương tác hai chiều. Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Bắc Kinh đang đến gần là cơ hội tốt để triển khai các hoạt động chào mừng, cũng như tăng cường giao lưu giữa Nhân dân hai nước. Đặc biệt, lãnh đạo Nga - Trung có thể sẽ đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực giáo dục đại học, khoa học - công nghệ, du lịch, hợp tác xuyên biên giới với việc đạt được bước tiến mới trong đàm phán miễn thị thực song phương.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn không thể đảo ngược các xu hướng phát triển toàn cầu hiện nay. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc được duy trì ổn định, hiệu quả cũng không thể thay thế cho các định dạng hợp tác đa phương, song sẽ là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dong-luc-chinh-thuc-day-chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-thong-nga-vladimir-putin-214224.htm