Những định hướng lớn trong công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh nửa nhiệm kỳ còn lại

BHG - Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,94%; đã có 5/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (chiếm 29,4%); 8/17 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 47,1%); 4/17 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 23,5%); 1 tiêu chí đạt 35%. Các tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị từng bước được phát huy và khai thác hiệu quả. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đường biên, mốc giới được giữ vững, ổn định. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, thực chất. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Để đạt được những kết quả đó, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện “3 đột phá”, “5 nhiệm vụ trọng tâm”; ban hành 33 nghị quyết, 27 chỉ thị, 44 chương trình, 23 đề án và nhiều kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra. Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành, sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, cùng sự quan tâm, đầu tư kịp thời, hiệu quả của Trung ương, nhiều chỉ thị, nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, các cấp, ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, đặc biệt là 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, bao trùm, quyết định sự phát triển của tỉnh. Đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, bảo đảm tính thuyết phục thật sự. Nâng cao chất lượng định hướng dư luận xã hội; theo dõi, nắm chắc tình hình, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát thực.

Phát huy vai trò cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quản lý cán bộ, đảng viên, kịp thời giáo dục, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, quyết tâm đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tám lời Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, nghị quyết; tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn” trong tổ chức triển khai công việc để thực hiện mục tiêu phát triển, nhất là trong tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm mô hình trồng rau, quả nhà lưới của đoàn viên Nguyễn Thanh Chúc, thôn Bế Triều, xã Quang Minh (Bắc Quang).

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, đồng thời làm tốt công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, tiêu cực; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Từng cấp ủy, từng ngành, từng cán bộ, đảng viên cần phải đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tiếp tục đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc theo hướng sát việc, sát cơ sở; đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện, theo phương châm “có việc, có người, có sản phẩm”. Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu; kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, an phận, bảo thủ, trì trệ, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Các dự án giao thông trọng điểm nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đã có hàng chục cuộc kiểm tra, đôn đốc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho các dự án của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng.

2. Về phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh

Đối với phát triển kinh tế, duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu KT-XH đã đạt và vượt; xác định các giải pháp căn cơ, đột phá và tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, cách làm, quyết tâm thực hiện thắng lợi cao nhất các chỉ tiêu đề ra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là số lượng và giá trị của sản phẩm OCOP, sản phẩm đã có thương hiệu như: Chè Shan tuyết cổ thụ, mật ong Bạc hà... Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu. Tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường, chỉnh trang đô thị; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách để huy động, sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng thăm hỏi học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hoàng Su Phì.

Đối với phát triển văn hóa, xã hội, tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; kiên trì tuyên truyền, thuyết phục cải tạo, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Tập trung các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Củng cố, nâng cao chất lượng y tế cơ sở gắn với tăng cường phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh đồng bộ, hiệu quả; đảm bảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu. Nâng cao chất lượng giáo dục đi đôi với chống bệnh thành tích và tiêu cực trong ngành Giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng toàn diện: Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, bảo đảm an ninh mạng và an toàn dữ liệu; trong đó, chú trọng nguồn lực con người.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng tham quan các gian hàng nông sản trưng bày tại Đại hội Nông dân huyện Yên Minh.

Triển khai đồng bộ chương trình giảm nghèo bền vững. Tạo cơ hội, động lực, khuyến khích, hỗ trợ các hộ nghèo tích cực lao động, sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.

Đối với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại, lãnh đạo thực hiện các giải pháp tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá chính xác, nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời có phương án giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; làm tốt công tác đối thoại với nhân dân, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và triển khai hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận, chương trình hợp tác với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi với bà con thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) về kết quả thực hiện Nghị quyết 27 và Chỉ thị 09 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202402/nhung-dinh-huong-lon-trong-cong-tac-lanh-dao-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xvii-cua-dang-bo-tinh-nua-nhiem-ky-con-lai-5727d4a/