Những điều chưa kể về kế hoạch mang bí danh 'K100'

Đầu tháng 5-1969, Thiếu tá Đỗ Bơn, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 254 Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) bảo vệ thủ đô nhận được lệnh ngắn gọn từ chỉ huy: 'Soạn thảo một phương án bảo vệ lớn, lớn nhất so với các phương án bảo vệ ở Hà Nội từ trước tới nay. Được phép sử dụng nhiều lực lượng, nhiều phương tiện với tinh thần khẩn trương, thận trọng, chặt chẽ, nghiêm mật'. Ông Đỗ Bơn không ngờ rằng, đó là kế hoạch mang tầm quốc gia, là niềm vinh dự của cả cuộc đời như chia sẻ của ông.

Lăng Bác Hồ trở thành địa chỉ mà người dân Việt Nam luôn hướng về mỗi khi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bích Nguyên

Lăng Bác Hồ trở thành địa chỉ mà người dân Việt Nam luôn hướng về mỗi khi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bích Nguyên

Trong quá trình tìm hiểu về bí danh “K100” cách đây 10 năm, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với tác giả kế hoạch có bí danh “K100” khi ông đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn còn rất minh mẫn, tự mình viết lại nhiều câu chuyện và kỷ niệm dọc đường theo cách mạng cũng như sự kiện bảo vệ tang lễ Bác Hồ. Ông Bơn có bí danh Lê Long, quê xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ khi cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, khi đó, ông 23 tuổi. Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từng là Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình kiêm Chỉ huy phó các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, tỉnh Thanh Hóa, Thường vụ Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang...

Trong cuộc đời mình, ông vinh dự được tháp tùng và bảo vệ Bác Hồ trong các chuyến công tác tại các tỉnh Quảng Bình, Hải Hưng, Hà Bắc, đặc biệt hai lần Bác về thăm quê. Ở bất kỳ cương vị và hoàn cảnh công tác nào, ông Đỗ Bơn luôn nỗ lực phấn đấu và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông được Ban chấp hành Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III nêu gương là “đảng viên tốt, đoàn kết đấu tranh, chiến đấu dũng cảm”, được báo cáo điển hình tốt để các đảng viên học tập trong cuộc vận động củng cố xây dựng Đảng toàn quốc năm 1953.

Trong những lần trò chuyện với tôi, ông Bơn bảo rằng, đã trải qua nhiều nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, vào sinh ra tử nhiều lần, nhưng nhiệm vụ để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất chính là việc xây dựng kế hoạch K100 bảo vệ tang lễ Bác Hồ. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Bơn viết: “Một ngày đầu tháng 5-1969, cấp trên gọi tôi đến giao nhiệm vụ soạn thảo phương án bảo vệ lớn và nêu rõ: “Được phép sử dụng nhiều lực lượng, nhiều phương tiện với tinh thần khẩn trương, thận trọng, chặt chẽ, nghiêm mật. Dự thảo xong đưa cấp trên duyệt, sau đó đưa vào tủ bảo mật, gắn xi niêm phong bảo vệ chặt chẽ. Khi nào có lệnh mới được triển khai thực hiện. Bí danh của kế hoạch là “K100”. Thời gian bảo vệ, đối tượng bảo vệ giữ bí mật, trên chưa cho biết”.

Từng được cấp trên phân công soạn thảo nhiều kế hoạch bảo vệ những ngày lễ lớn ở Hà Nội, đều hoàn thành kế hoạch, đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhưng kế hoạch K100 lần này thì khác hẳn mọi lần. Thiếu tá Bơn chấp hành mệnh lệnh với rất nhiều câu hỏi và suy đoán khác nhau về nhiệm vụ này. “Miền Nam giải phóng ư? Đảng và Nhà nước tổ chức lễ mừng chiến thắng ư? Độc lập thống nhất nước nhà ư?”. Ngay ngày hôm sau, Thiếu tá Đỗ Bơn bắt tay vào thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Vừa nhận định, phán đoán, vừa suy nghĩ, ông vừa viết bản kế hoạch K100, vừa dán các ký hiệu lên tấm bản đồ Hà Nội. Các ký hiệu cứ dần hiện lên dày đặc trên tấm bản đồ, thể hiện đường hành quân, tiến quân, các vị trí đóng quân, các điểm tuần tra, canh gác, nơi bố trí chỉ huy sở của các cấp khu và tiểu khu, từ tiền phương đến hậu phương, thành từng tuyến, liên hoàn chặt chẽ. Các ký hiệu tập trung nổi lên rực rỡ nhất là khu trung tâm Quảng trường Ba Đình, Nhà khách Chính phủ, sân bay Gia Lâm, những địa điểm đón tiếp các phái đoàn quốc tế và các vùng trọng điểm xung yếu khác.

Hoàn thành kế hoạch K100, Thiếu tá Đỗ Bơn cẩn thận xem lại một lần nữa. Khi cảm thấy yên tâm hoàn toàn, ông trình tài liệu mật này lên đồng chí Phạm Kiệt, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Sau khi được chỉnh sửa một vài chi tiết theo yêu cầu của cấp trên, bản kế hoạch K100 được duyệt và được đưa vào lưu giữ tại phòng bảo mật, sẵn sàng chờ lệnh triển khai.

Qua mùa hè, tới mùa thu, trong niềm vui tin thắng trận từ các mặt trận gửi về, Thiếu tá Đỗ Bơn bỗng nhận được tin: “Bác Hồ yếu mệt! Chuẩn bị triển khai K100 để bảo vệ thủ đô, bảo vệ tang lễ Bác”. Lòng ông thắt lại, chỉ mong Bác mau khỏe, mong kế hoạch K100 không phải làm nhiệm vụ nữa. Niềm mong ước của Thiếu tá Đỗ Bơn không thành hiện thực. Sáng ngày 2-9-1969, Đài Tiếng nói Việt Nam chầm chậm báo tin: Bác Hồ vô vàn kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta.

Nén đau thương, Thiếu tá Đỗ Bơn cùng các đồng đội nhanh chóng triển khai thực hiện kế hoạch K100. Do đã qua luyện tập từ trước, khi nhận được lệnh, các đơn vị lập tức tiến về các vị trí được phân công bảo vệ, từ Quảng trường Ba Đình, đến các mục tiêu sân bay Gia Lâm, Nhà khách Chính phủ, các cơ sở kinh tế quan trọng... Những người lính Công an nhân dân vũ trang tổ chức thành từng tiểu đoàn, đại đội tuần tra cơ động, danh dự, tiêu binh. Tất cả thực hiện nhiệm vụ của mình rất nhanh, lặng lẽ, chính xác theo kế hoạch.

Ông Đỗ Bơn tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước đi công tác.

Ông Đỗ Bơn tháp tùng các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước đi công tác.

Theo hồi ký của ông Đỗ Bơn, những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ tang lễ Bác Hồ, không một cán bộ, chiến sĩ nào mắc sai lầm, khuyết điểm, vi phạm nội quy và các chính sách khác. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng, lên kế hoạch khoa học nên mọi việc diễn ra nhịp nhàng, an toàn, đúng thời gian. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, không một chỉ thị, mệnh lệnh nào bị tắc nghẽn. Tất cả các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, các đơn vị... đều đảm bảo cho lễ tang Bác chu đáo, trọn vẹn, đúng nghi thức quốc gia.

Sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, năm 1976, ông Đỗ Bơn được nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Mỗi khi nhớ lại nhiệm vụ chỉ huy bảo vệ tang lễ Bác Hồ, ông lại rưng rưng xúc động. Có điều khá đặc biệt, trong những ngày cuối đời, ông Bơn đòi bằng được con cháu đưa tới lăng viếng Bác Hồ. Sau khi toại nguyện, ông về nhà sống rất vui vẻ và hơn 1 tháng sau thì ra đi thanh thản. Những trang hồi ký ông ghi lại cuộc đời cách mạng của mình vẫn được gia đình nâng niu, lưu giữ như một tài sản quý giá. Những tài liệu đó không chỉ có ý nghĩa với riêng gia đình ông, mà còn có giá trị mô tả các sự kiện lịch sử của đất nước, những chiến thắng vẻ vang của cách mạng Việt Nam cũng như vai trò của những đảng viên kiên trung với Đảng, với cách mạng.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-dieu-chua-ke-ve-ke-hoach-mang-bi-danh-k100-post431488.html