Những điểm sáng trong công tác xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Làm tốt công tác xuất khẩu lao động còn hình thành được đội ngũ lao động có tay nghề cao, chất lượng. Những năm qua, Sóc Trăng luôn chú trọng thực hiện công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉnh có nhiều chính sách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tham gia lao động ở nước ngoài; góp phần cho công tác xuất khẩu lao động thêm nhiều khởi sắc.

Khấm khá hơn nhờ xuất khẩu lao động

Trong giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã giải quyết việc làm được 181.311 người (đạt 101,3% so với kế hoạch), bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 25.902 lao động. Trong đó, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 2.154 người (đạt 90,89% kế hoạch), bình quân mỗi năm đưa khoảng 308 người đi xuất khẩu lao động.

Nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã cho vay tạo việc làm cho 35.653 người, số dự án được duyệt vay vốn là 15.489 dự án, với tổng số tiền là 312.452 triệu đồng. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan và địa phương đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 7/6/2016 về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Sóc Trăng, Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND, ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng, từ ngân sách địa phương và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND, ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh Sóc Trăng về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 17.

Có thể nói, các chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo việc làm phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển kinh tế gia đình, tạo cơ hội cho nhiều gia đình cải thiện cuộc sống. Chị Lưu Thị Cẩm Nhiên, ngụ ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết, chị có chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ năm 2013 đến nay với công việc làm tiện - cơ khí. Mỗi tháng anh gửi về cho chị khoảng 25 triệu đồng. Nhờ vậy mà những năm qua, cuộc sống gia đình tốt hơn rất nhiều, chị xây dựng lại nhà cửa, lo cho con cái học hành. Còn chú Lê Văn Chợ, ở ấp 8, thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có con gái đi lao động tại Nhật Bản. Chú vui mừng kể: “Công việc của con tôi qua bên ấy làm điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi, giờ giấc cũng khá ổn định, mỗi tuần được nghỉ 2 ngày. Hồi ở đây, nó làm việc thu nhập không được nhiều. Đi khoảng 1 năm đã gởi về cho gia đình 150 triệu đồng. Mong ước của con là lo cho cha mẹ có được căn nhà khang trang, có cuộc sống thật thoải mái thì con tôi mới về”.

Lễ xuất cảnh đưa sinh viên, thanh niên Sóc Trăng sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: MAI KHÔI

Lễ xuất cảnh đưa sinh viên, thanh niên Sóc Trăng sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: MAI KHÔI

Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nên số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và du học sinh vừa học, vừa làm còn hạn chế. Song kết quả thực hiện cho thấy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động đã mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội rất lớn, rất thiết thực và giàu tính nhân văn. Đồng chí Võ Thanh Quang - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng nhận định: “Nhìn chung, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối kết hợp đồng bộ, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban ngành tỉnh, sự chủ động tổ chức triển khai thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn. Từ đó, đã đạt được kết quả nhất định so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, phù hợp với nguyện vọng của người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số…”.

Thêm những tín hiệu lạc quan

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 215 người tham gia xuất khẩu lao động, đạt 71,66% kế hoạch. Đặc biệt, thực hiện chương trình hợp tác “Liên kết đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng, tác phong làm việc; phái cử sinh viên đi thực tập và làm việc tại Nhật Bản; giới thiệu việc làm trong nước” giữa Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai, đầu tháng 8/2023, tỉnh đã tổ chức lễ xuất cảnh đưa 35 em được trúng tuyển học tập và làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, 10 em là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và 25 em là thanh niên của tỉnh.

Đồng chí Võ Thanh Quang cho biết: “Việc đưa du học sinh sang các nước học tập và làm việc là hết sức phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là cơ hội cho bản thân các em, sau khi hoàn thành khóa học tập và làm việc trở về, các em còn là nguồn lực lao động có trình độ, tay nghề cao của tỉnh, có kỹ năng, tác phong tốt để tiếp tục đóng góp trong phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương. Đây còn là tiền đề để tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, các ngành và người dân nắm thêm các chính sách về công tác xuất khẩu lao động và du học sinh. Từ đây đến cuối năm, dự kiến tỉnh sẽ còn nhiều đợt đưa du học sinh sang các nước như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số nước Tây Âu”.

Là một trong những du học sinh sang Nhật Bản lần này, em Trần Thị Kim Lài, sinh năm 2004, ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề hào hứng cho biết: “Qua tìm hiểu thông tin từ Công ty Esuhai nên em đăng ký học tiếng Nhật và được phỏng vấn chọn sang Nhật vừa học, vừa làm ngành chăm sóc viên. Em quyết tâm sang Nhật sẽ học tập thật giỏi, làm việc thật tốt để có được tay nghề và thu nhập tốt nhất”.

Mới đây, HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 Quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh. Theo đó, mức cho vay cho người lao động thuộc đối tượng theo quy định của nghị quyết này từ 100 - 200 triệu đồng/người. Học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm quy định tại nghị quyết này được vay mức vay tối đa bằng 100% chi phí dịch vụ du học theo từng khóa học và nước đến học, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/người. Thời hạn vay vốn, đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo thời hạn hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và khả năng trả nợ của người vay; đối với học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm, thời hạn cho vay tối đa không quá 72 tháng.

Thực tế, công tác xuất khẩu lao động không chỉ có những gam màu sáng. Trong quá trình thực hiện, vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc. Điều đó, tỉnh cũng đang tìm cách từng bước tháo gỡ để công tác này được thực hiện tốt hơn. Hy vọng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh sẽ được đẩy mạnh, đúng với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường hoạt động đối ngoại.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/nhung-diem-sang-trong-cong-tac-xuat-khau-lao-dong-67287.html