Những điểm sáng kinh tế Việt Nam 2023

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ở mức 5,05%. Dù không đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Vậy đâu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023 và những điểm nghẽn nào cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2023 là một năm với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam khá rõ nét. Mặc dù tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05%, thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

TS. Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng Ban phân tích và dự báo kinh tế - CIEM nhấn mạnh: "Thu hút đầu tư nước ngoài FDI 12 tháng đạt gần 36,61 tỷ đô la Mỹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 11,78% so với cùng kỳ. Thể chế được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so cùng kỳ, xuất khẩu nông nghiệp giữ vững đà tăng trưởng… là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023".

PGS. TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, khẳng định: “Nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm thuế, điều hành lãi suất, ổn định về tỉ giá... nhờ đó, chúng ta đã giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ đô la Mỹ, giảm 4,4% so với năm trước. Tuy nhiên, với những lợi thế trong xuất khẩu rau quả, hạt điều, lúa gạo, sầu riêng, tôm, cá tra... nông nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" nổi bật của nền kinh tế.

Ông Jonathan Pincus – Chuyên gia Kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam có sự phát triển kinh tế tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực và chúng ta biết rằng, năm nay là một năm khó khăn đối với các nước, kinh tế của nhiều quốc gia bị chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng kinh tế, trong đó xuất khẩu là điểm sáng. Dù đạt hơn 5% nhưng đây là sự tăng trưởng tốt so với tình hình hiện nay. Các điểm sáng cho kinh tế Việt Nam, đó là xuất khẩu, đặc biệt nông sản. Xuất khẩu nông sản đã đóng góp lớn cho khu vực kinh tế.”

Bên cạnh “gam màu sáng”, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, vẫn còn đó nhiều “gam màu tối” đã và đang là điểm nghẽn thách thức đà tăng trưởng.

“Kinh tế của khu vực ASEAN cũng như toàn thế giới đang chậm lại cho nên ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản còn khó khăn, dẫn đến các ngành dịch vụ kém phát triển cũng như các khó khăn cho các doanh nghiệp” - ông Jonathan Pincus – Chuyên gia Kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cuối năm 2023, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ là mức “ổn định”. Đây là sự nhìn nhận khách quan từ các tổ chức thế giới khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, điều này sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-diem-sang-kinh-te-viet-nam-2023-211754.htm