Những điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga

Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 8-9/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 9/4. (Nguồn: X)

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được coi là giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc trong năm nay. Đây có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống Nga mới của ông.

Kiến tạo an ninh khu vực Á-Âu

Tại cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga ngày 9/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Bắc Kinh và Moscow đã bắt tay vào con đường mới cùng tồn tại hài hòa và hợp tác đôi bên cùng có lợi trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024.

Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc luôn coi trọng việc phát triển quan hệ Trung-Nga và sẵn sàng đẩy mạnh liên lạc song phương với Nga cũng như tăng cường phối hợp chiến lược đa phương trong khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hai nước sẽ thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, đoàn kết các nước đang phát triển và mới nổi ở Nam bán cầu, đồng thời thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.

"Tổng thống Putin và tôi đã nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi chặt chẽ để đảm bảo quan hệ Trung-Nga phát triển suôn sẻ và ổn định. Hai bên nên nhân cơ hội này kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 'Những năm văn hóa Trung-Nga' để thực hiện đầy đủ sự đồng thuận quan trọng mà Tổng thống Putin và tôi đã đạt được", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Đánh giá cao thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, Nga và Trung Quốc sẵn sàng thực hiện "các nhiệm vụ chiến lược mới" như lãnh đạo hai nước đề ra. Chính phủ Nga sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước Nam bán cầu và góp phần vào sự hình thành một trật tự quốc tế công bằng hơn.

Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh khắp khu vực châu Âu và châu Á. Đẩy mạnh an ninh Á-Âu là sáng kiến do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất và hai nước đã đồng ý khởi động đối thoại về an ninh ở khu vực Á-Âu.

Ông nhấn mạnh: "Nhiệm vụ kiến tạo an ninh Á-Âu đã được khởi động, đồng nghiệp Trung Quốc của tôi và tôi đã nhất trí bắt đầu một cuộc đối thoại với sự tham gia của những người có cùng quan điểm với chúng tôi về vấn đề này. Trong một thời gian dài, đã có một cơ chế an ninh châu Âu-Đại Tây Dương dưới hình thức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhưng có thể tiến hành các cuộc đàm phán có ý nghĩa và nhất trí một số điểm dựa trên sự cân bằng lợi ích".

Liên quan đến vấn đề này, các hãng thông tấn Nga dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng liên minh NATO do Mỹ đứng đầu không nên mở rộng hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như không nên thúc đẩy sự đối đầu giữa các khối, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Vương Nghị, Nga và Trung Quốc nên "cùng nhau phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ" và "hợp tác để duy trì sự ổn định của ngành công nghiệp quốc tế và chuỗi cung ứng”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/4. (Nguồn: Reuters)

Tăng cường quan hệ thương mại và quân sự

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ thương mại và quân sự trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh gia tăng trừng phạt đối với cả hai nước, đặc biệt là với Moscow trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Nga năm 2023 đạt kỷ lục 240,1 tỷ USD, tăng 26,3% so với một năm trước. Năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 46,9% trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 13%.

Một năm sau xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc đã đề xuất lộ trình 12 điểm hướng tới việc giải quyết hòa bình cho xung đột. Phía Nga cũng bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Truyền thông Nga dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ Bắc Kinh mong muốn Moscow và Kiev ngồi lại tại một hội nghị quốc tế để thảo luận biện pháp chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga muốn Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa ra đánh giá về các cuộc tấn công của Ukraine bằng máy bay không người lái vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát (phía Ukraine đã nhiều lần phủ nhận đứng đằng sau các cuộc tấn công này).

Liên quan đến vấn đề chống khủng bố, Ngoại trưởng Nga khẳng định nước này và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này. Ông Lavrov nói: "Hợp tác chống khủng bố của hai nước chúng ta sẽ tiếp tục, kể cả trong khuôn khổ các thể chế đa phương."

Vấn đề hợp tác chống khủng bố trong khu vực nổi lên sau vụ tấn công đẫm máu ở nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow vào tháng trước khiến gần 150 người thiệt mạng. Mặc dù Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng phía Nga vẫn hoài nghi rằng Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2/2022 khi Tổng thống Putin có chuyến thăm Bắc Kinh. Mối quan hệ này đã đưa Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Hồi tháng 3, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos tuyên bố có thể hợp tác với Trung Quốc để xây lò phản ứng hạt nhân tự động trên Mặt trăng vào năm 2035.

(theo THX, AP, Reuters)

Hoài Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-diem-nhan-trong-chuyen-tham-trung-quoc-cua-ngoai-truong-nga-267410.html