Những điểm mới trong cải cách tiền lương

Từ ngày 1-7-2024, cán bộ, công chức, viên chức trên toàn quốc sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương hiện tại. Dự kiến tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%.

Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa thành phố Biên Hòa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: T.Lâm

Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện tốt nhất mục tiêu của nghị quyết và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức.

Đảm bảo tiến độ thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết 27), nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm: 1960, 1985, 1993 và 2003. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Song bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động...

Tại Nghị quyết 27, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã lên kế hoạch thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021. Tuy nhiên, việc này phải hoãn lại do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Đến tháng
11-2023, Quốc hội đã chính thức thông qua việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 tại Nghị quyết 104/2023/QH15 theo tinh thần của Nghị quyết 27.

Sau khi có các nghị quyết và kết luận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày
31-1-2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Khi được hỏi về chính sách cải cách tiền lương mới, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều bày tỏ sự phấn khởi. Vì dù điều kiện đất nước còn những khó khăn, thách thức nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, mong muốn chính sách cải cách tiền lương sẽ được triển khai theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra.

Chị K.T.D., một viên chức ngành giáo dục tại thành phố Biên Hòa, chia sẻ: “Trước đây và cả đến thời điểm này, lương của tôi thật sự không đủ sống. Vì vậy, ngoài đi dạy, tôi phải tranh thủ làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con nhỏ. Tôi thật sự rất mong chờ cải cách tiền lương, việc được tăng lương sẽ giúp tôi cũng như giáo viên khác an tâm cống hiến lâu dài”.

Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương

Từ ngày 1-7-2024, sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, thay vào đó sẽ thiết kế lại cơ cấu tiền lương mới dựa trên mức lương cơ bản. Cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, còn có quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Dự kiến tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%.

Hệ thống bảng lương mới sẽ theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Hệ thống bảng lương mới gồm: bảng lương chức vụ: áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức: áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Các khoản phụ cấp sẽ được sắp xếp lại, thay đổi nhiều so với chế độ phụ cấp hiện hành. Nguyên tắc đề ra là tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa thành phố Long Khánh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hồ Thảo

Để đẩy nhanh kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tại Nghị quyết 44 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ban hành mới đây, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của bộ, cơ quan, địa phương gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện kỹ lưỡng tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chủ động xây dựng các văn bản quy định và công việc cụ thể triển khai chính sách tiền lương mới.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thẩm định kịp thời, theo quy định đối với đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương. Tổng hợp kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-4-2024. Qua đó, đảm bảo tiến độ kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Thảo Lâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/nhung-diem-moi-trong-cai-cach-tien-luong-72e41d0/