Những điểm đáng chú ý về cầu tín dụng sáu tháng đầu năm

Tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm ở mức rất thấp trong vòng một thập niên trở lại đây, bất chấp các nỗ lực giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc phân tích cấu trúc tăng trưởng tín dụng từ hai phía, cả cầu tín dụng và cung tín dụng, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn và chi tiết hơn về mức cấu thành tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng vừa qua cũng như định hướng chiến lược của các nhóm ngân hàng.

HDBank là một trong những ngân hàng dẫn đầu mức tăng trưởng tín dụng của ngành. Ảnh: T.L

HDBank là một trong những ngân hàng dẫn đầu mức tăng trưởng tín dụng của ngành. Ảnh: T.L

Tín dụng ngân hàng luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mỗi mức tăng trưởng tín dụng không mang lại kết quả như nhau và rủi ro hàm chứa trong mỗi phần trăm tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tùy thuộc vào định hướng tín dụng của hệ thống ngân hàng qua từng giai đoạn. Mỗi nhóm ngân hàng thương mại lại có những định hướng chiến lược khác nhau, qua đó lại càng tạo ra sự đa dạng và khó lường trong bức tranh tín dụng hiện tại.

Nút thắt tăng trưởng tín dụng ở phía cầu

Kinh tế khó khăn do những tác động từ bên ngoài cùng với khó khăn nội tại, nhất là liên quan tới thị trường bất động sản, đã khiến nhu cầu tín dụng hiện rất yếu. Nhu cầu tín dụng của thị trường về cơ bản đến từ ba nhóm, gồm doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); và cá nhân, hộ gia đình.

Trong gần một thập niên qua, động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đều nằm ở các doanh nghiệp SME và cá nhân. Việc phân tách mức tăng trưởng tín dụng của từng nhóm cá nhân và doanh nghiệp, rồi trong nhóm doanh nghiệp thì tăng trưởng tốt hay kém ở các ngành nghề nào, là cách để chúng ta có cơ sở để đưa ra những dự báo sắp tới.

Xét tổng giá trị dư nợ thì nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết ước tính chỉ tăng 0,3% so với cuối năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm nay, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng của toàn thị trường là 4,73%, nhưng với tốc độ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp niêm yết, khả năng cao doanh nghiệp SME và cá nhân mới là nhóm đóng góp chính vào mức tăng kể trên.

Tuy nhiên, số liệu từ các ngân hàng có tỷ trọng khách hàng cá nhân cao như Vietcombank (tăng 2,9%), Agribank (tăng gần như 0%), ACB (tốc độ tăng trưởng của ACB trong sáu tháng đầu năm cũng chủ yếu đến từ cho vay các doanh nghiệp) cũng rất thấp. Điều này hàm ý phần tăng trưởng dư nợ trong sáu tháng đầu năm có thể đến từ các doanh nghiệp SME. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng yếu và việc các khoản cho vay mua nhà sụt giảm, thay vì tăng trưởng mạnh như những năm trước, cũng phần nào giải thích cho mức tăng trưởng thấp của các ngân hàng trên trong mảng cho vay khách hàng cá nhân.

Tăng trưởng tín dụng hiện nay có sự khác biệt lớn giữa các nhóm ngành. Mức tăng trưởng cao nhất lần lượt thuộc về doanh nghiệp công nghệ, bán lẻ, năng lượng và thực phẩm. Trong khi đó, công nghiệp và bất động sản là hai nhóm ngành có mức giảm nợ ròng nhiều nhất. Điểm sáng nhất trong bức tranh tăng trưởng tín dụng theo ngành nghề là việc tăng mạnh cho vay dài hạn đối với doanh nghiệp ngành thực phẩm sau một thời gian dài suy giảm.

Tựu trung lại, trong tất cả các nhóm ngành, chỉ có doanh nghiệp thực phẩm là có phần tăng trưởng nợ dài hạn trong sáu tháng đầu năm, trong bối cảnh gần như các ngành khác đều không thể gia tăng nguồn vốn vay dài hạn hoặc chủ yếu tập trung thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.

Xét trong lĩnh vực thực phẩm, nổi bật nhất là việc Vinamilk tăng nợ vay đến hơn 1.500 tỉ đồng trong kỳ nhằm hỗ trợ cho các dự án mở rộng ra thị trường quốc tế. Vinamilk đã đẩy mạnh việc đầu tư vào các chi nhánh ở nước ngoài như Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào), Angkormilk (Campuchia), cùng với việc hợp tác liên doanh với Công ty Del Monte – Vinamilk (Philippines). Dự kiến, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Vinamilk trong giai đoạn tới, khi thị trường trong nước đã gần như đạt đến mức bão hòa. Trong khi đó, Masan đã ghi nhận mức tăng trưởng nợ dài hạn đáng kể, lên tới hơn 6.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự gia tăng này chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện sự thay đổi trong cấu trúc nợ, tập trung vào việc tăng cường nợ dài hạn.

Đối với lĩnh vực bất động sản, toàn ngành trong sáu tháng đầu năm ghi giảm mức nợ ròng hơn 5.700 tỉ đồng. Đặc điểm chung của phần vay nợ của ngành bất động sản là nguồn vốn ngắn hạn tăng mạnh để bù đắp cho phần vốn dài hạn sụt giảm, chủ yếu để thanh toán cho nợ vay trái phiếu đáo hạn cũng như trả nợ trái phiếu trước hạn.

Có thể kể đến như Novaland đã giảm nợ vay gần 3.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022, hay Kinh Bắc và Hải Phát Invest đều giảm hơn 3.300 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm. Điểm sáng nhất trong nợ vay của ngành nằm ở Vinhomes đã tăng dư nợ ngắn hạn và dài hạn trong sáu tháng khoảng hơn 7.000 tỉ đồng. Như vậy, thực tế các doanh nghiệp bất động sản khác vẫn đang trong quá trình trả nợ và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Điểm đáng lo ngại nhất đó là việc dư nợ của nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp sụt giảm mạnh, do hoạt động sản xuất khó khăn trước tình hình các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm trong sáu tháng đầu năm. Chỉ số PMI của Việt Nam cuối tháng 7 ở mức 48,7 điểm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động sản xuất sụt giảm. Mặc dù mức sụt giảm là thấp nhất so với các tháng trước, tuy nhiên không đảm bảo sự sụt giảm đã tới đáy. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế vẫn còn khó khăn trong quí 3-2023.

Khả năng cung ứng tín dụng theo các ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng hiện đang có sự chênh lệch rõ rệt khi các ngân hàng có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp cao là những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như Maritime Bank (MSB), Techcombank (TCB), HD Bank (HDB), Tiền Phong Bank (TPB), VP Bank (VPB) cùng với hai ngân hàng gốc quốc doanh là BIDV (BID) và VietinBank (CTG) là những ngân hàng dẫn đầu mức tăng trưởng tín dụng của ngành. Trong khi đó, những ngân hàng phụ thuộc vào cho vay cá nhân có mức tăng trưởng tín dụng rất thấp.

Cho vay kinh doanh bất động sản trong sáu tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng tăng hơn 17,6%, trong khi mức vay của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng gần như không đáng kể. Điều đó thể hiện dòng vốn này chủ yếu chảy vào các doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ và vừa. Trong bối cảnh thị trường vẫn nhiều bất ổn, đặc biệt là các biện pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản vẫn chưa rõ ràng, việc gia tăng dư nợ cho các dự án bất động sản, mặc dù trước mắt có thể giúp các doanh nghiệp có nguồn thanh khoản để vượt qua khó khăn, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây nợ xấu trong những quí sau nếu như tình hình thị trường bất động sản không có nhiều cải thiện.

Xét về cầu tín dụng của các cá nhân mua nhà (giảm 1,2% trong sáu tháng đầu năm), có thể thấy khả năng hấp thụ sản phẩm bất động sản sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới; người mua nhà sẽ vẫn trong tâm thế chờ đợi giá giảm mạnh hơn.

Tóm lại, các con số thống kê từ báo cáo quí 2 của các doanh nghiệp cho chúng ta thấy một góc nhìn đa chiều hơn về con số tăng trưởng tín dụng 4,73% trong giai đoạn vừa rồi. Tăng trưởng tín dụng thấp hay cao không quan trọng bằng việc tăng trưởng đến từ động lực nào và có bền vững hay không.

(*) Viện NCKH NH, HVNH

Trần Việt Dũng - Lê Hoài Ân (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-diem-dang-chu-y-ve-cau-tin-dung-sau-thang-dau-nam/