Những dấu chân mở đường - Bài 3: Phát huy vai trò xung kích của Đảng viên Biên phòng

Đảng viên Biên phòng tỉnh Kon Tum là nguồn lực to lớn giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, tự vươn lên thoát nghèo, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Những dấu ấn này đã thể hiện rõ nét vai trò xung kích, sáng tạo và được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng đồng bào dân tộc thiểu số ghi nhận, đánh giá cao.

“Điểm tựa” vững chắc cho vùng biên

Đại tá Phạm Văn Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, sự có mặt của đảng viên Biên phòng đã giúp đồng bào 13 xã biên giới nắm vững, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phát huy vai trò xung kích của cán bộ đảng viên Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy có 4 đồng chí Đồn trưởng, Chính trị viên tham gia cấp ủy, cấp huyện; 13 đồng chí đảng viên là Chính trị viên phó, Phó đồn trưởng, Đội trưởng các đội công tác thuộc Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy, cấp xã.

Xung kích đi đầu, những đảng viên Biên phòng trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào.

Ở hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã có 16 đồng chí tham gia với 4 đồng chí cấp huyện, 12 đồng chí cấp xã. Ngoài ra, 13/13 xã biên giới đều có đảng viên tăng cường; 86 đồng chí đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 77 chi bộ thôn (làng) biên giới.

Các đảng viên Biên phòng tích cực tham gia Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" đã tham mưu và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhất là ở cấp thôn (làng), củng cố 27 lượt chi bộ, 43 lượt các tổ chức (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn Kon Tum, Hội Cựu chiến binh), thành lập mới 5 chi bộ, kết nạp 76 đảng viên mới, giới thiệu 231 quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng.

Những đảng viên Biên phòng “miệng nói, tay làm”, xung kích đi đầu đã trở thành cầu nối vững chắc giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.

Hai mô hình tiêu biểu trong cuộc vận động trở thành điểm sáng của Kon Tum được Đại tá Phạm Văn Lâm chỉ ra gồm: Mô hình “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn vươn lên thoát nghèo” kết nghĩa với 134 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ 26 hộ vươn lên thoát nghèo. Mô hình “Đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới” với 279 đồng chí đảng viên phụ trách, giúp đỡ 985 hộ nghèo, 152 hộ đã vươn lên thoát nghèo.

“Những đảng viên Biên phòng miệng nói, tay làm, xung kích đi đầu đã trở thành cầu nối vững chắc giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; giúp đồng bào vùng biên phát huy tinh thần đoàn kết, cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng Tổ quốc”, Đại tá Phạm Văn Lâm khẳng định.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum ra quân đồng hành cùng Chiến dịch Mùa hè xanh khu vực biên giới.

Tạo tiền đề cho đảng viên Biên phòng xung kích

Trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum coi trọng như một lũy thép bền vững, là sợi dây kết nối đồng bào với đảng viên Biên phòng, tạo tiền đề giúp đảng viên Biên phòng tự tin xung kích. Lũy thép ấy chắc chắn và bền vững hơn bất cứ thành lũy bằng kẽm gai hay bê tông cốt thép trên dặm dài chủ quyền biên cương Tổ quốc.

Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho hay, việc xây dựng lũy thép đó đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, đời sống của đồng bào khu vực biên giới thay da đổi thịt, không ngừng được cải thiện, tiến tới xóa đói - giảm nghèo bền vững.

Lá cờ đỏ sao vàng luôn phấp phới theo những người lính Biên phòng tỉnh Kon Tum đến từng buôn làng.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương… về triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn khu vực biên giới, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân khu vực biên giới.

Thường xuyên quan tâm tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn, có chính sách ưu tiên trong công tác điều động, bổ nhiệm, đào tạo với cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số tạo nguồn tại chỗ vững mạnh.

Quan tâm làm tốt công tác bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt cho quân nhân là người dân tộc thiểu số, có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đoàn viên là người dân tộc thiểu số thực hiện nghĩa vụ quân sự tại các đơn vị, tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở khu vực biên giới tạo nguồn cán bộ cho địa phương đối với quân nhân là đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum luôn phối hợp tham mưu, đề xuất tuyển chọn, tuyển dụng hạ sĩ quan- binh sĩ là người dân tộc thiểu số vào lực lượng Bộ đội Biên phòng; có chính sách ưu tiên trong công tác điều động, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thực hiện hiệu quả các Kế hoạch, Chương trình, Đề án, Dự án, Chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác, không tin tưởng và nghe theo lời đối tượng thù địch; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ổn định đời sống, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo.

Trong thời gian tới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với địa phương thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đặc biệt là những Dự án thuộc Chương trình giao cho Quân đội, Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện…

Các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương sẽ được tiếp nối nâng cao hiệu quả như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và các hoạt động “Ngày hội Biên phòng toàn dân”...

Sự đổi thay, chuyển biến trong nhận thức và hành động của bà con, có “dấu ấn” sâu sắc của Bộ đội Biên phòng, những người lính mang quân hàm xanh, hết lòng vì sự vững chãi nơi thành trì biên cương.

Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội của Bộ đội Biên phòng như: “Bộ đội Biên phòng chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn vươn lên thoát nghèo”, mô hình “Đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới”....

Lời kết: Sự đoàn kết quân dân tỉnh Kon Tum như đáp lại tình cảm thiêng liêng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-dau-chan-mo-duong-bai-3-phat-huy-vai-tro-xung-kich-cua-dang-vien-bien-phong-765486